Khi nông dân tiếp cận nghề kỹ thuật cao

Không chỉ quanh quẩn với nghề trồng trọt, chăn nuôi, nhiều thanh niên nông thôn đã tiếp cận và học nghề điện tử, hàn... kỹ thuật cao với mong muốn có thu nhập tốt hơn và góp phần đưa nghề về nông thôn, hiện đại hóa sản xuất.

Đó là thực tế đang diễn ra ở huyện Yên Thành (Nghệ An)

Giờ thực hành trong một lớp dạy nghề sửa chữa ô tô tại Nghệ An.

Nghề hút lao động

Trương Văn Lộc quê ở xã Đồng Văn (huyện Tân Kỳ, Nghệ An) tốt nghiệp THCS rồi nghỉ học. Khi nghe thông tin về lớp học nghề công nghệ sửa chữa ô tô tại Trường Trung cấp Nghề kỹ thuật công nông nghiệp Yên Thành, Lộc đăng ký học ngay. Lộc chia sẻ: “Em đăng ký học nghề này vì vừa gần nhà, vừa đảm bảo ra trường có việc ngay tại công ty lớn trong tỉnh. Học nghề kỹ thuật cao sẽ có mức lương khá, đảm bảo đời sống”.

Phan Viết Tường (xã Minh Thành), học viên năm thứ 3 lớp công nghệ sửa chữa ô tô bộc bạch: “Là đối tượng con em gia đình thuộc diện chính sách, học ở đây em được miễn toàn bộ học phí. Chúng em được hướng dẫn rất kỹ nên khá tự tin khi làm nghề”.

Ông Nguyễn Thọ Ngà – Phó Hiệu trưởng Trường Trung cấp Nghề kỹ thuật công nông nghiệp Yên Thành cho biết: “Hiện học viên của trường chủ yếu là thanh niên, con em các gia đình thuộc diện chính sách. Chúng tôi cũng liên kết với các doanh nghiệp và cam kết 100% các em sau tốt nghiệp được nhà trường giới thiệu việc làm tại các doanh nghiệp sản xuất và sửa chữa ô tô đóng trên địa bàn tỉnh với mức thu nhập khởi điểm 4 – 5 triệu đồng/người/tháng”.

Thầy Trần Danh Tuyển - giáo viên lớp công nghệ ô tô cũng nêu thực tế, doanh nghiệp trên địa bàn huyện Yên Thành và TP. Vinh rất cần lao động có kỹ thuật và tay nghề cao nên nếu theo học những nghề này cơ hội việc làm của các em rất lớn và lương khá hơn.

Lớp già “đua” cùng lớp trẻ

Để tạo điều kiện cho các học viên nông thôn được tham gia học nghề, trường cũng đã khuyến kích các em bằng những hỗ trợ như: Miễn giảm toàn bộ học phí đối với con em thuộc diện chính sách, giảm 50% cho học viên tham gia học những nghề công nghiệp nặng. “Ngành nghề kỹ thuật cao cũng đòi hỏi lượng kiến thức và tay nghề nhất định, nếu học viên nào học chưa đạt, khi tốt nghiệp doanh nghiệp không tuyển dụng thì chúng tôi vẫn tạo điều kiện chỉ dạy thêm”- ông Ngà nói.

“Các học viên là thanh niên, chúng tôi dành nguyên 1,5 năm đầu học văn hóa, thời gian 2 năm còn lại các em sẽ được học nghề chủ yếu vẫn là dạy theo kiểu cầm tay chỉ việc. Học kiểu như vậy các em nhớ rất lâu, tay nghề vững nên cạnh tranh ngang ngửa với các thợ có nghề”.
Không chỉ đào tạo nghề kỹ thuật cho lao động trẻ, trường cũng đang thu hút khá nhiều lao động lớn tuổi học nghề sửa chữa máy nông nghiệp phục vụ sản xuất theo Đề án 1956. Bác Trần Xuân Thái (52 tuổi), học viên lớn tuổi nhất lớp sửa chữa máy nông nghiệp cho hay: Khi nghe có lớp học về sửa chữa máy nông nghiệp, sửa chữa ô tô, bác đăng ký theo học ngay và được xếp lớp học với rất nhiều bạn trẻ. “Trước nay mỗi lần hỏng hóc máy đều phải gọi thợ. Nhà cách xa trung tâm mà giá cả sửa chữa ngày lại đắt đỏ nên tôi cũng có mong muốn được học nghề để tự tay sửa chữa máy cho gia đình”- bác Thái nói.

Với những người nông dân chân lấm tay bùn, việc đọc các hệ thống chi tiết máy, bảng điện… là những việc khó khăn. Thầy Trần Danh Tuyển nói: “Với học viên nông dân, việc chỉ đứng lớp ghi chép, họ sẽ không thể tiếp thu, thay vào đó học đến đâu thực hành luôn đến đó để học viên không bị mất kiến thức cơ bản”.

Theo danviet.vn