Khó khăn, thách thức
- Thứ hai - 25/06/2012 03:40
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Trà lúa mùa sớm được ghi nhận là trà cho năng suất cao và ổn định, giảm chi phí phòng trừ sâu đục thân và rầy cuối vụ, hiệu quả hơn so với trà lúa mùa muộn vốn trước đây vẫn được nông dân cho rằng “ăn bát đầy” còn hơn “sẻ một bát đầy thành hai bát vơi”. Trà lúa này đã được nhiều tỉnh trong khu vực đồng bằng sông Hồng khuyến cáo thực hiện.
Vụ mùa, vụ đông là một chuỗi SX móc xích và quan hệ chặt chẽ với nhau trong SX nông nghiệp cả năm. Các vấn đề SX vụ trước sẽ là những yếu tố thuận lợi hay khó khăn, thách thức cần phải được nhận diện cho vụ kế tiếp. Hiểu rõ được điều này, công tác chỉ đạo, điều hành và định hướng cho nông dân sẽ hiệu quả hơn và giúp các nhà quản lý, chỉ đạo hoạch định các giải pháp thích hợp nhằm đạt mục tiêu đề ra trong kế hoạch của địa phương. Cùng với nhiều thuận lợi như sự quan tâm nhiều hơn của Đảng và Nhà nước đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, nông dân, phong trào xây dựng nông thôn mới, đầu tư cho hạ tầng phục vụ SX… thì cũng không ít các khó khăn đã lộ diện.
Ảnh minh họa
Vụ mùa 2012, xin được thảo luận và lưu ý các vấn đề thách thức sau:
1. Trước hết, vụ xuân 2012 là một trong các vụ rét. Đầu vụ, các tháng 1, tháng 2 và tuần đầu tháng 3 đều có nền nhiệt bình quân thấp hơn trung bình nhiều năm, số ngày rét hại mặc dù ít (có 15 ngày nhiệt độ trung bình thấp hơn 13 độ C trong 3 tháng 1, 2 và 3); số ngày rét đậm có tới 31 ngày trong 3 tháng đầu năm (nhiệt độ trung bình thấp hơn 15 độ C), vì vậy TGST của hầu hết các giống bị kéo dài.
Lúa xuân năm nay hầu hết ở các địa phương vùng ĐBSH đều trổ bông tập trung xung quanh 10-25/5, một phần đến cuối tháng 5; và chậm so với bình thường 5-7 ngày, sớm hơn vụ xuân 2011 từ 7-10 ngày. Mặc dù sâu bệnh diễn biến phức tạp, thời tiết tháng 3, nửa đầu tháng 4 khá thuận cho bệnh đạo ôn phát sinh gây hại, rầy bùng phát đầu tháng 5 với tỷ lệ rầy lưng trắng cao chiếm 60-70%, sâu cuốn lá nhỏ hại lá công năng đầu tháng 5...
Theo đánh giá của các địa phương trong vùng, lúa xuân tiếp tục trúng đậm, thân lá cuối vụ cực đẹp với màu vàng lá gừng của bộ lá công năng, tỷ lệ lép cực thấp và hạt lúa no, căng tròn do dinh dưỡng đủ dư cho cuối vụ, lại được trời tưới thêm bằng những trận mưa “vàng” giai đoạn chuẩn bị trổ và giai đoạn tích lũy.
Những tác động vụ mùa
Theo lịch thời vụ, cơ cấu trà lúa đã được xây dựng ở hầu hết các tỉnh; trà lúa mùa sớm và cực sớm chiếm khoảng 45-50%, trà này tạo quỹ đất cho trồng cây vụ đông, nhất là nhóm cây vụ đông ưa ấm, các cấy có giá trị thu hoạch cao như ớt, dưa, bí…Thời vụ gieo cấy của trà này phải kết thúc chậm nhất là 5/7; tốt nhất và hiệu quả nhất là gieo cấy xung quanh trục 25/6 dương lịch. Lúa xuân trổ trung bình 15-20/5, thu hoạch 15-20/6; rõ ràng áp lực thời vụ sẽ căng thẳng, vì bà con nông dân chỉ có 15-20 ngày để vừa thu hoạch, vừa làm đất, vừa gieo cấy lúa mùa trà này, hệ quả:
- Đất không được nghỉ, làm đất gieo cấy ngay, rơm rạ khó phân hủy kịp, ruộng sống, gặp nắng nóng tháng 7 các độc tố sẽ được giải phóng và nguy cơ ngộ độc lúa mùa cần được cảnh báo từ sớm.
- Thời gian cắt vụ ngắn, cầu nối sâu bệnh sẽ là mối đe dọa thường trực cho lúa vụ mùa, sâu cuốn lá nhỏ, bệnh lùn sọc đen, rầy nâu, rầy lưng trắng; nhất là sự di trú của rầy lưng trắng từ các trọng điểm chứa virus lùn sọc đen, bệnh bạc lá…khi mà mùa mưa bão được dự báo là có tần suất cao hơn trung bình nhiều năm.
- Lúa xuân được mùa lớn nhưng lại bất lợi về giá, ngược giá, lúa nếp, lúa chất lượng giá không cao như mọi năm, thị trường phức tạp và đầy biến động rủi ro, giá vật tư đầu vào vẫn cao.
- Lao động căng thẳng khi vào vụ thu hoạch và gieo cấy, lực lượng lao động trẻ, khỏe phần lớn đã “ly nông”.
Giải pháp
- Về kỹ thuật: Lựa chọn giống và phương thức canh tác; Cần khuyến cáo lựa chọn giải pháp canh tác như mạ nền, gieo sạ để tranh thủ rút ngắn thời gian và giảm áp lực thời vụ, lao động; nên sạ hàng cải tiến, sạ lan sao cho chìm hạt vào lớp bùn mặt ruộng. Sử dụng nhóm giống ngắn ngày, nhất là các giống có TGST dưới 100 ngày từ gieo đến thu hoạch cho khu vực ĐBSH và cho trà lúa mùa sớm và cực sớm. Hiện nhóm giống này khá phong phú như P6 đột biến, VS1, QR1, TBR36; lúa lai hai dòng TH3-3, lúa Nhật Koshi hikari, lúa lai SQ2, N.ưu 69…Dựa theo kết quả khảo nghiệm trình diễn các địa phương lựa chọn khuyến cáo các giống thích hợp.
Chủ động khâu thủy lợi, khơi thông mương máng nội đồng, đảm bảo tiêu nước kịp thời; giữ nấm khi thu hoạch, làm đất ngay để tranh thủ vùi lấp rơm rạ, sử dụng các chất hỗ trợ phân hủy hữu cơ như nấm Tricoderma, Emic YTB, bón vôi bột và lân trước làm đất, sử dụng phân vi sinh Azotobacterin thay thế phân chuồng, cải tạo hóa và lý tính đất, xúc tiến phân hủy hữu cơ..
Trước cấy phun chất hỗ trợ sinh trưởng (ET, Yogen, siêu lân..) và thuốc trừ rầy nội hấp tiến chân mạ nhằm tăng cường sức khỏe, ngăn chặn truyền virus qua sự chích hút của rầy.
Áp dụng hệ thống canh tác cải tiến (SRI), cấy, gieo hàng rộng hàng hẹp, quản lý dịch hại tổng hợp và quản lý cây trồng tổng hợp, bón phân cân đối NPK, sử dụng phân bón chuyên dụng cho lót, cho thúc, bón tập trung nặng đầu, nhẹ cuối, không bón đạm đơn, không bón muộn cho lúa vụ mùa để phòng ngừa bạc lá, áp dụng rộng rãi các mô hình sử dụng thuốc sinh học nhằm quản lý dịch hại như nấm xanh, nấm trắng, “thiên địch tàng hình”... quản lý rầy ngay từ sớm nhằm bảo vệ thiên địch, môi trường và SX sản phẩm an toàn. Thực hiện tưới kiểu nông-lộ-phơi, và luôn tháo cạn lòng sông giữ nông mặt ruộng phòng ngừa bất thường của mưa, bão.
- Về tổ chức SX: Quy hoạch xây dựng những vùng cánh đồng mẫu, nhóm liên kết nông dân cùng SX một giống, cùng thời vụ cùng cơ giới hóa các khâu từ làm đất đến thu hoạch (cùng giống hoặc chí ít cùng nhóm giống, cùng thời vụ thì cơ giới hóa sẽ vô cùng thuận lợi), liên kết với DN để tổ chức SX hàng hóa, lúa chất lượng hoặc lúa giống, dần hình thành kiểu nông dân góp đất hoặc DN thuê đất của nông dân, SX, bao tiêu sản phẩm từ đó xây dựng thương hiệu sản phẩm.
Nhà nước nên nhanh chóng đưa Nghị định đất lúa vào thực tế, hoàn chỉnh các thông tư hướng dẫn liên Bộ để các địa phương thực hiện. Trong bối cảnh kinh tế trì trệ, suy thoái, các DN SXKD gặp khó, thiếu vốn và nợ ngân hàng, cần ưu tiên cho DN trong lĩnh vực chế biến tiêu thụ nông sản, có hành lang pháp lý để họ tiếp cận sát hơn với các Nghị định 41, 61 của Chính phủ, bổ sung thêm các chính sách hỗ trợ trực tiếp từ nguồn ngân sách hoặc gói cứu trợ cho DN liên kết với nông dân trong các cánh đồng mẫu để liên kết ổn định, vững chắc hơn.
Theo nongnghiep.vn