Khốn đốn với đường nhập lậu

Khốn đốn với đường nhập lậu
Sản lượng đường trong nước vốn chưa đáp ứng đủ nhu cầu, lại đang có xu hướng suy giảm khá nhiều, nhưng giá đường vẫn rất thấp bởi đường nhập lậu ồ ạt tràn vào, gây khó khăn lớn cho cả nhà máy và nông dân trồng mía.

Không thể xây dựng giá mía niên vụ mới

Theo ông Lê Hoàng Thái, Quyền chủ tịch Hiệp hội Mía Đường Việt Nam, niên vụ 2018/2019, các nhà máy đường đã ép khoảng 12 triệu tấn mía, sản xuất xấp xỉ 1,2 triệu tấn đường, giảm 20% về sản lượng so với niên vụ 2017/2018.

11-23-09_khon_don_voi_duong_lu
Quản lý thị trường Bình Dương bắt quả tang hàng trăm tấn đường cát có dấu hiệu bất hợp pháp.

Tuy giá bán đang ở mức thấp nhưng việc tiêu thụ rất chậm và lượng tồn kho tại các nhà máy đường vẫn lớn. Đây là năm thứ 2 liên tiếp ngành mía đường kết thúc vụ với tồn kho ở mức cao,.

Để chuẩn bị cho niên vụ mía đường 2019/2020, Hiệp hội Mía đường Việt Nam đã tính tới việc phải xây dựng giá mía bảo đảm thu nhập cho người nông dân để nông dân an tâm sản xuất, nhờ đó, nhà máy mới có nguyên liệu để duy trì hoạt động.

Tuy nhiên, việc xây dựng giá mía cho niên vụ 2019/2020 đến thời điểm này hầu như không thể thực hiện được vì giá đường hiện đang quá thấp mà vẫn rất khó tiêu thụ. Đây là một nghịch lý khi sản lượng đường vẫn đang thấp hơn so với nhu cầu.  

Tràn ngập đường nhập lậu

Vì sao giá đường trong nước quá thấp? Theo Hiệp hội Mía Đường Việt Nam, nguyên nhân trước hết là do thị trường trong nước đang bị tràn ngập bởi đường nhập lậu và gian lận thương mại đường nhập lậu. Về bản chất, đây là loại đường xuất khẩu giá rẻ từ hệ thống gian lận thương mại đường quốc tế của Thái Lan mà không quốc gia sản xuất đường nào trên thế giới có thể cạnh tranh được.

Hiện tại, nhu cầu tiêu thụ đường trong nước vào khoảng 1,6 triệu tấn/năm, trong đó, như đã nói ở trên, sản lượng nội địa khoảng 1,2 triệu tấn. Nhưng ước tính mỗi năm có tới 800 ngàn tấn đường Thái Lan đi qua Campuchia để nhập lậu vào nước ta. Với lượng đường nhập lậu quá lớn như trên, đã khiến cho nguồn cung đường trong nước trở nên dư thừa khá nhiều so với nhu cầu.

Ngoài ra, còn có sự tham gia của loại đường thô nhập khẩu theo loại hình sản xuất xuất khẩu (SXXK). Nhà nước đã tạo điều kiện thông thoáng về mặt thủ tục hải quan đối với loại hình SXXK, bao gồm quy định miễn thuế đối với nguyên liệu, vật tư nhập SXXK thay vì ân hạn thuế 275 ngày như trước đây ...

Với những ưu ái như thế, đã có sự bùng nổ về số lượng đường thô nhập khẩu theo loại hình SXXK trong những năm gần đây. Giá đường thô nhập khẩu trên thị trường quốc tế hiện nay cũng rất thấp, thấp hơn giá thành sản xuất của tất cả các quốc gia. Điều đáng nói là có thể đã có hiện tượng chuyển đường SXXK vào tiêu thụ nội địa, qua đó, làm dư thừa thêm nguồn cung trong nước.

Theo Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389 quốc gia), đường lậu từ Thái Lan đã gây tổn thất cho ngành mía đường Việt Nam trong thời gian dài và nghiêm trọng. Hơn 2 năm qua, việc gian lận thương mại, buôn lậu quy mô lớn đã khiến cho 1/3 nhà máy đường Việt Nam phải đóng cửa, nhiều cánh đồng mía bỏ hoang vì thua lỗ.

Tổng diện tích mía hiện đã giảm 30-60% so với những năm trước đây. Chi phí đầu tư 1.000 m2 mía hết 7 triệu đồng, nhưng nông dân chỉ thu về 3-4 triệu đồng. Do đó, nhiều nông dân bị thua lỗ nặng, phải nợ ngân hàng, nhiều người bỏ ruộng vì càng đầu tư càng lỗ hoặc phải chuyển sang cây trồng, vật nuôi khác. Việc thiếu mía nguyên liệu buộc các nhà máy phải duy trì sản xuất ở công suất thấp. Đã có 17 nhà máy đường thua lỗ, mất vốn chủ sở hữu.

Đường lậu chủ yếu tập trung ở những tỉnh trọng điểm như TP. Hồ Chí Minh, An Giang, Long An, Tây Ninh, Đồng Tháp, Quảng Trị, Kiên Giang, Bình Phước… Hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép mặt hàng đường cát Thái Lan trên các địa bàn trọng điểm nêu trên diễn biến phức tạp với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi.

Một trong những thủ đoạn mà các đối tượng buôn lậu và gian lận thương mại đường nhập lậu sử dụng phổ biến là thực hiện các hoạt động sản xuất, sang chiết, phối trộn đóng gói, sau công đoạn đóng bao mới, đường nhập lậu sẽ biến thành đường nội địa đem đi tiêu thụ; tham gia đấu giá đường (đưa giá rất cao mà không ai có thể cạnh tranh được) từ những đợt thanh lý hàng buôn lậu, sau đó sử dụng hồ sơ đó quay vòng cả năm cho các lô đường nhập lậu khác; đưa bao bì in trong nước sang đóng gói ở nước ngoài (thường là Campuchia), như vậy, đường nhập lậu sẽ có nhãn mác Việt Nam, và nếu không bắt được quả tang trên biên giới, một khi đã đưa vào kho rồi thì rất khó chứng minh có phải đường nhập lậu hay không.

(Nguồn: Ban Chỉ đạo 389 quốc gia)

Để nâng cao hiệu quả phòng chống đường nhập lậu, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia đề xuất đưa yêu cầu truy xuất nguồn gốc mặt hàng đường thành yêu cầu bắt buộc đối với mọi cơ sở sản xuất, chế biến đường.

Hệ thống truy xuất cần kết hợp với công nghệ như sử dụng mã QR code nhằm giúp các cơ quan chức năng kiểm tra được tính hợp pháp và xuất xứ hàng hóa một cách nhanh chóng, đối phó hữu hiệu hơn vấn nạn đường nhập lậu và gian lận thương mại đường nhập lậu.

Bên cạnh đó là các giải pháp như đề xuất sửa đổi bổ sung Luật Đầu tư, đưa các hoạt động sản xuất, sang chiết, phối trộn đóng gói đường vào danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện; Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP đối với mặt hàng đường, Hồ sơ truy xuất phải có hợp đồng nhượng quyền sản xuất, sang chiết, phối trộn, đóng gói với một đơn vị thành viên của Hiệp hội Mía Đường Việt Nam; đề xuất điều chỉnh quy định thanh lý đường nhập lậu theo hướng chỉ cho các đơn vị có giấy phép (thuộc loại hình kinh doanh có điều kiện) tham gia đấu giá …

Theo SƠN TRANG/nongnghiep.vn