Không chỉ ăn tươi, sấy khô, vải thiều có thể làm bánh

Tại Tuần lễ vải thiều Thanh Hà tại Hà Nội (dự kiến tổ chức từ ngày 12 – 16.8.2018), ngoài vải tươi, sẽ có nhiều món ăn được chế biến từ vải thiều giới thiệu đến người dân Thủ đô.

Mới đây, một đầu bếp có nhiều năm kinh nghiệm nấu món Âu đã kết hợp vải thiều với hạt sen để làm ra món bánh vải chiên vô cùng độc đáo. Món bánh có màu sắc hấp dẫn, khi đưa lên miệng có độ giòn, sau đó vị ngọt của cùi vải tan trong miệng, cộng với vị bùi bùi của hạt sen tạo nên một hương vị hấp dẫn.

Được biết, đây chỉ là một trong nhiều giải pháp huyện Thanh Hà (Hải Dương) đang hướng đến để nâng cao giá trị thu nhập của vải thiều.

 khong chi an tuoi, say kho, vai thieu co the lam banh hinh anh 1

Món bánh làm từ vải thiều có hương vị hấp dẫn. 

Bên cạnh Ngày hội vải thiều lần đầu tiên được tổ chức ngay bên cây vải tổ thì Tuần lễ vải thiều Thanh Hà cũng lần đầu tiên được tổ chức tại Hà Nội nhằm đẩy mạnh các hoạt động kết nối giao thương giữa người sản xuất, doanh nghiệp phân phối và người tiêu dùng; giúp người tiêu dùng nhận biết được sản phẩm vải thiều Thanh Hà chính gốc; góp phần bảo vệ thương hiệu vải Thanh Hà.

Ông Trịnh Văn Thiện, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Hà, nét mới trong sản xuất, tiêu thụ vải thiều của huyện Thanh Hà trong vụ này là, ngoài việc hướng đến thị trường truyền thống là Trung Quốc, huyện đang kết nối với các doanh nghiệp đẩy mạnh tiêu thụ tại nội địa và xuất khẩu vào các thị trường khó tính khác.

Thanh Hà hiện có khoảng 4.000ha vải, sản lượng khoảng 35.000 tấn, điều đáng mừng là, phần lớn diện tích vải đã được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, trong đó có khoảng 100ha sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP, đủ tiêu chuẩn xuất khẩu đi Mỹ.   

 khong chi an tuoi, say kho, vai thieu co the lam banh hinh anh 2

Tuần lễ vải thiều Thanh Hà lần đầu tiên được tổ chức tại Hà Nội.

 “Các ngành chức năng của huyện luôn khuyến cáo người dân sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn bởi ngoài 6 chất cấm tuyệt đối không được sử dụng thì mỗi thị trường lại có những đòi hỏi khác nhau. Nếu như Mỹ quan tâm tới dịch hại và các loại thuốc phòng trừ dịch thì EU đặc biệt chú trọng tới dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong sản phẩm, kể cả những chất không bị cấm nhưng dư lượng vượt ngưỡng cho phép cũng bị loại bỏ”, ông Thiện cho biết thêm.

Để nâng cao chất lượng vải thiều, giúp sản phẩm thâm nhập vào nhiều thị trường khó tính, huyện Thanh Hà đang chủ trương mở rộng diện tích sản xuất vải theo tiêu chuẩn GlobalGAP lên khoảng 500ha, các diện tích còn lại đều đạt tiêu chuẩn VietGAP.

Đại diện UBND huyện Thanh Hà cho hay: Đặc điểm của vải thiều Thanh Hà có vỏ hồng sáng, hạt nhỏ, thịt quả (cùi) dày, hạt nhỏ, vị ngọt đậm, thơm mát, cùi giòn, ráo nước (khi bóc không bị chảy nước)… Vải thiều Thanh Hà đã được cấp bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý của Cục Sở hữu trí tuệ. Từ năm 2012 đến nay vải thiều Thanh Hà đạt Top 50 sản phẩm uy tín, chất lượng do Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam bình chọn. Sản phẩm vải thiều Thanh Hà đã được xuất khẩu sang các thị trường: Mỹ, Nhật Bản, Pháp, Canada, Trung Quốc, Lào, Thái Lan, Indonexia, Australia…

Đến với Tuần lễ đặc sản vải thiều Thanh Hà, người tiêu dùng Thủ đô cũng như người tiêu dùng cả nước có cơ hội tìm hiểu, thưởng thức vải thiều chính hiệu và các sản phẩm đặc sản của huyện Thanh Hà. Ngoài ra, còn được tìm hiểu, hướng dẫn thưởng thức và cách chế biến các món ăn đặc sắc từ vải thiều Thanh Hà do các đầu bếp nổi tiếng thực hiện.

Tuần lễ vải thiều Thanh Hà tại Hà Nội được tổ chức từ ngày 12 đến 18.6 tại Khu Hội chợ triển lãm giao dịch kinh tế và thương mại 489 Hoàng Quốc Việt, Hà Nội.

Theo Anh Thơ (danviet.vn)