Khuyến nông đào tạo nghề
- Thứ ba - 03/06/2014 20:18
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Tuy nhiên, đến thời điểm này mới có 25/63 đơn vị khuyến nông trực tiếp triển khai đào tạo nghề.
Có cần “đẻ” thêm bộ máy?
Hằng năm hệ thống khuyến nông (KN) đã triển khai hàng nghìn điểm trình diễn SX nông nghiệp bằng nguồn kinh phí KN Trung ương (chưa kể kinh phí KN địa phương). Đây là hiện trường cũng chính là các lớp học thực tế để phục vụ hoạt động đào tạo, huấn luyện cho nông dân.
Điều kiện giảng dạy tưởng chừng như rất lý tưởng để triển khai các lớp dạy nghề nông nghiệp cho LĐNT. Thế nhưng, đi vào thực tiễn hoạt động mới thấy nhiều bất cập.
Do đặc thù của ngành KN chủ yếu là tập huấn, bồi dưỡng kiến thức nông nghiệp cho nông dân, thời gian tập huấn ngắn nên khó có thể xây dựng được cơ sở đào tạo tập trung bao gồm đầy đủ các mô hình. Một số Trung tâm KN cũng nhận thấy cơ chế giải ngân khó, thủ tục hành chính phức tạp nên cán bộ KN thích đi dạy hơn là đứng ra tổ chức lớp.
Trung tâm KN tỉnh Ninh Bình là một trong tổng số 38 đơn vị không trực tiếp tổ chức triển khai các lớp đào tạo nghề cho LĐNT. Trao đổi với NNVN, ông Phạm Văn Trung, GĐ Trung tâm KN Ninh Bình cho rằng, không nhất thiết phải xây dựng hệ thống KN thành trung tâm đào tạo nghề nông nghiệp mà vẫn đáp ứng được mục tiêu của Đề án 1956.
Cụ thể ở Ninh Bình, huyện nào cũng có trung tâm dạy nghề và hỗ trợ việc làm (thuộc Hội Nông dân tỉnh), bên cạnh đó là các trường nghề, trung tâm dạy nghề (cả công lập và dân lập)... Họ có kinh nghiệm tổ chức tuyển sinh, triển khai đào tạo, quản lý tốt; cơ sở vật chất và trang thiết bị giảng dạy đầy đủ.
Cái thiếu của họ là đội ngũ giáo viên chuyên ngành nông nghiệp; giáo trình dạy nghề nông nghiệp và mô hình thực tế để các học viên thực hành. Vậy, khắc phục những khó khăn này thế nào?
Trung tâm KN tỉnh và các đơn vị trực thuộc Sở NN-PTNT (Chi cục Thuỷ sản, Chi cục Thú y…) đảm nhận nhiệm vụ thẩm định và biên soạn giáo trình. Nếu thiếu mô hình nông nghiệp thực hành, những cơ sở dạy nghề sẽ phối hợp với các Trạm KN, Phòng Nông nghiệp huyện để chuyển giao.
Còn, đội ngũ giáo viên có thể huy động từ nhiều nguồn khác nhau (như các trường trung cấp, cao đẳng nông, lâm nghiệp; cán bộ KN, cán bộ thú y… có chứng chỉ sư phạm dạy nghề).
Cũng theo ông Trung, Ninh Bình mới chỉ có 33 cán bộ KN có chứng chỉ sư phạm, làm việc tại Trung tâm KN tỉnh và các Trạm KN huyện. Trong giờ làm việc hành chính, họ phải đảm trách nhiệm vụ chuyên môn của KN như tập huấn, huấn luyện, xây dựng mô hình, tuyên truyền, chuyển giao kỹ thuật SX… nhằm bồi dưỡng kiến thức cho nông dân. Vì thế, nếu cán bộ KN dạy nghề trong các ngày làm việc (từ thứ 2 đến thứ 6 hằng tuần) thì sẽ rất khó quyết toán kinh phí.
Thứ nữa, nhu cầu học nghề của LĐNT các tỉnh miền Bắc không cao. Ở các tỉnh ĐBSCL, do đất rộng, địa hình khá đồng nhất nên có điều kiện quy hoạch thành các vùng nông sản hàng hoá. Người dân vẫn thường tập trung SX một cây, con chủ lực mang lại hiệu quả kinh tế cao. Vì thế, nhiều LĐNT có nhu cầu học nghề nông nghiệp mà địa phương mình có thế mạnh để ứng dụng vào thực tiễn SX.
“Trên thực tế, dù chưa xây dựng trung tâm đào tạo nhưng KN đã và đang phối hợp với các đơn vị để dạy nhiều nghề nông nghiệp cho LĐNT như nuôi gà an toàn sinh học; trồng nấm; trồng rau an toàn, rau sạch theo tiêu chuẩn VietGAP; trồng cây thanh long; trồng cây trạch tả; chăm sóc, tạo dáng cây cảnh”, ông Phạm Văn Trung. |
Còn ở các tỉnh miền Bắc đất đai manh mún, phân tán; địa hình chỗ cao chỗ thấp nên có gia đình vừa nuôi gà, lợn, bò, vừa trồng lúa, trồng ngô, nuôi cá… Trong khi đó đề án 1956 quy định mỗi người chỉ được học duy nhất 1 nghề.
Mặt khác, nông dân có thể nắm bắt được kỹ thuật SX qua nhiều kênh thông tin khác nhau (truyền hình, báo điện tử, báo in, tài liệu sách báo…). Các DN cung ứng giống, vật tư nông nghiệp (phân bón, thuốc BVTV, thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi…) đều có phòng huấn luyện để tập huấn kỹ thuật cho bà con.
Do đó, hoạt động tập huấn, bồi dưỡng kiến thức ngắn hạn (dưới 10 ngày) cho nông dân của KN Ninh Bình đang phát huy hiệu quả hơn là dạy nghề.
Theo ông Trần Văn Hà, GĐ Sở NN-PTNT tỉnh Ninh Bình, việc tổ chức đào tạo nghề nông nghiệp cho LĐNT đang tồn tại nhiều bất cập. Năm 2013, Sở được UBND tỉnh cấp 3 tỷ đồng để hiệp y kế hoạch mở 45 lớp với 6 nghề nông nghiệp, nhưng chỉ có 41/45 lớp được khai giảng. Trong số 41 lớp đã mở có 9 lớp khai giảng vào cuối năm nên không thể quyết toán kinh phí. Khoảng 900 triệu đồng phải chuyển sang năm 2014. Nguyên nhân chủ yếu được xác định là do số người đi học thực tế thấp hơn so với số người đăng ký học.
“Để thành lập một trung tâm dạy nghề nông nghiệp cần phải có nhiều yếu tố gồm cơ sở vật chất, con người, nguồn kinh phí hoạt động và đặc biệt là có học viên đồng đều. Nếu đảm bảo hoạt động tốt thì mới đầu tư. Không nhất thiết KN tỉnh nào cũng phải có trung tâm dạy nghề”, ông Trần Văn Hà. |
Lý giải về việc Sở NN-PTNT không cấp kinh phí trực tiếp cho Trung tâm KN Ninh Bình tổ chức lớp dạy nghề nông nghiệp, ông Hà cho rằng, hiện tại trung tâm chưa đủ điều kiện cơ sở vật chất và giáo viên để thành lập cơ sở dạy nghề, nên không được phép tổ chức đào tạo và cấp chứng chỉ sơ cấp nghề cho học viên.
Nếu muốn thành lập cơ sở dạy nghề thì KN phải có một số tiền đầu tư rất lớn. Kèm theo đó là việc tuyển thêm hàng chục giáo viên chuyên trách giảng dạy.
Trung bình mỗi năm UBND tỉnh chỉ cấp 1 tỷ đồng để KN duy trì tổ chức bộ máy hoạt động. Vì thế không thể “đào” đâu ra tiền xây dựng phòng học, sắm trang thiết bị dạy học và trả lương cho giáo viên.
Và nếu xây dựng được một cơ sở dạy nghề thì cũng rất lãng phí, vì chắc chắn người nông dân không thể bỏ đồng ruộng đi một quãng đường xa hàng chục km lên trung tâm thành phố (hoặc trung tâm huyện) để học. Không tuyển được học viên thì không có nguồn thu, giáo viên dạy 3 tháng chơi 8 - 9 tháng cũng "chết", không thể lấy tiền của nhà nước cấp bù như thời bao cấp được.
Bên cạnh đó, các cơ sở dạy nghề của Hội Nông dân tỉnh, Sở LĐ-TB&XH, Công đoàn và các trường nghề khác trên địa bàn Ninh Bình đang “ế” học viên. Bởi vậy, chủ trương của Sở là giao kinh phí dạy nghề cho UBND các huyện, thị xã. Dựa trên điều kiện thực tiễn, UBND các huyện, thị xã sẽ phối hợp với các cơ sở dạy nghề, trường nghề (cung cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học) và Trạm KN, Trạm Thú y (bổ sung nguồn giáo viên và mô hình thực hành) tổ chức lớp học.
Địa điểm học tập sẽ là hội trường HTX, nhà văn hoá, trung tâm giáo dục cộng đồng các xã; thực hành ngay tại ruộng và chuồng trại. Với hình thức liên kết đào tạo này, Trung tâm KN tỉnh không nhất thiết phải "đẻ" thêm bộ máy.
Nguồn: nongnghiep.vn