Kỹ thuật chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh cho cây hành

Kỹ thuật chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh cho cây hành
Giới thiệu với bà con một số biện pháp kỹ thuật chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh cho cây hành: bón phân lớt, tưới phân thúc, phòng trừ sâu bệnh giai đoạn cây hành non và giai đoạn cây hành xuống củ…
                      Kỹ thuật chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh cho cây hành               
Trồng hành thơm lấy củ trong cơ cấu vụ đông (2 lúa, 1 màu) đã và đang phát triển ở nhiều nơi và cho hiệu quả caoSau đây chúng tôi xin giới thiệu đến bà con kỹ thuật chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh cho loại cây này:

Bón phân:

Phân bón lót cho cây hành tốt nhất cần có phân chuồng hoai mục 5- 6 tạ/sào đã được ủ cùng NPK (khoảng 25kg NPK loại 5:10:3 hoặc 10kg phân NPK Đầu Trâu 13-13-13 +TE hay 16-16-8).

 Tưới phân thúc: Lần đầu khi hành bật khỏi mặt rạ khoảng 10cm -12cm (15-20 ngày sau trồng). Lần 2 sau lần 1 khoảng 10-12 ngày. Tưới với lượng 1-1,5kg urê + 10kg supe lân + 0,5- 1 kg kali/sào cho mỗi lần. Lần 3: Tưới khi hành bắt đầu xuống củ. Lần 4 cách lần 3 từ 7-10 ngày. Tưới với lượng 1kg urê + 1 -1,5 kg kali/sào cho mỗi lần.

  Phòng trừ sâu bệnh:

- Giai đoạn cây hành non: Đây là giai đoạn cây hành mẫn cảm nhất với bệnh chết rũ do nấm hoặc vi khuẩn héo xanh phát sinh gây hại. Kinh nghiệm thực tế cho thấy, nếu bổ sung chế phẩm nấm đối kháng Trichodecma ngay từ lúc bón lót phân cho hành và hòa nước tưới cho hành định kỳ 10 ngày/lần ở giai đoạn sau mọc đến hành bật khỏi mặt rạ 15cm- 20cm thì tỷ lệ cây chết được giảm thiểu.

- Giai đoạn hành xuống củ: Muốn bảo tồn được bộ thân lá hành để hành xuống củ được tốt cần phòng bệnh định kỳ cho cây, nhất là khi thời tiết có mưa kéo dài hoặc sương ban đêm. Thuốc dùng để phòng bệnh cho hành nên chọn thuốc Zineb hoặc Rhidomil, không nên phòng bằng thuốc Boocdo dễ làm cháy lá hành. Cần phun trừ bệnh bằng các loại thuốc đặc trị nấm khi bệnh chớm xuất hiện và thực hiện tốt nguyên tắc 4 đúng.

Theo: thongtinkhcn.vn