Làm vườn đẹp chỉ để khách sờ cây, ngửi trái chín, chụp hình và trả tiền
- Thứ bảy - 29/07/2017 09:50
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Với mong muốn góp phần cùng địa phương tạo ra sản phẩm du lịch mới để hấp dẫn, “giữ chân” du khách. Những năm gần đây, không ít nông dân “chân lấm, tay bùn” quanh năm gắn bó với ruộng đồng…đã tận dụng diện tích canh tác của gia đình tạo một công việc khá mới mẻ, đó là làm du lịch.
Nông dân Hồ Tấn Phong (TP. Châu Đốc) với mô hình đa canh ứng dụng công nghệ cao, tạo cảnh quan phục vụ du lịch.
Mô hình đa canh, tạo cảnh quan phục vụ du lịch
Ít ai nghĩ, những công việc của nhà nông như: Bón phân, chăm sóc, trồng cây, bắt cá… lại là những sản phẩm phục vụ khách du lịch. Những công việc ruộng vườn này được nhiều du khách thích thú. Nông dân Hồ Tấn Phong (phường Châu Phú B, TP. Châu Đốc) tận dụng diện tích 2.400m2 đất để thực hiện dự án “Xây dựng mô hình đa canh ứng dụng công nghệ cao, tạo cảnh quan phục vụ du lịch tại TP. Châu Đốc”. Phía trước sân, chú Phong trồng các loại hoa lan, từ “dòng thường” dendro, vũ nữ... đến “dòng cao cấp” như: Lan hồ điệp, giả hạt, ngọc điểm... Bước khoảng 10m, tôi lại ấn tượng với cây xoài (giống Thái Lan) với những chùm quả nặng trĩu, thấp ngang vai...
Nông dân Hồ Tấn Phong vui tính nói: “Tới vườn của tôi, ai cũng thích chụp hình. Vô tới nhà lưới trồng cà chua bi, dưa lưới... khách nào cũng chụp hình lia lịa. Họ đến đây theo lời giới thiệu truyền tai, hoặc xem hình ảnh bạn bè chụp, đăng lên Facebook, Zalo... Một phần du khách đến vì muốn tìm hiểu thế nào là sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thế nào là trồng rau, củ, quả trong nhà lưới, rồi họ xem chúng tôi chăm sóc. Du khách rất thích được tận tay sờ, tận mũi ngửi mùi thơm của những trái dưa lưới, mít chín cây”.
Theo nông dân Hồ Tấn Phong, du khách đa phần là khách nội địa, nhiều nhất là các địa phương lân cận (An Phú, TX. Tân Châu, TP. Long Xuyên...) cũng có khách ngoài tỉnh (TP. Hồ Chí Minh, Vĩnh Long, Đồng Tháp). Chị Thanh Nhàn (TP. Long Xuyên) cho biết: “Bữa trước được người bạn giới thiệu mô hình nông nghiệp kết hợp du lịch của chú Phong. Hôm nay, nhà tôi đi cúng Bà Chúa Xứ núi Sam sẵn đi tham quan mô hình du lịch sinh thái. Vừa chụp hình, vừa tự tay hái, mua dưa lưới, hoa lan, hoa chuông tình yêu, tôi thấy khá thú vị. Không gian thoáng, chú Phong rất nhiệt tình, cởi mở. Khi về tôi sẽ đăng lên Facebook để quảng bá, giới thiệu cho bạn bè cùng biết.
Có thể nói, đây là địa điểm du lịch sinh thái hấp dẫn để mọi người cùng trải nghiệm vào dịp cuối tuần”. Theo nông dân Hồ Tấn Phong, thông thường du khách đến nhiều vào ngày lễ, tết, cuối tuần (có khi lên đến 50 - 60 khách/ngày). Còn ngày thường thì khoảng 3-7 du khách. Khách đến tham quan không tốn phí vào cửa, được thoải mái chụp hình, quay phim, cũng không nhất thiết phải mua trái cây trong vườn. Có lẽ vì vậy mà du khách thấy thoải mái, thích thú. Giá dưa lưới sạch 50.000 đồng/kg, hoa lan từ vài chục ngàn đến vài trăm ngàn/cây (tùy loại).
Đến ruộng đậu bắp cũng kiếm ra tiền từ du lịch
Không chỉ ở TP. Châu Đốc, tại xã Mỹ Hòa Hưng (TP. Long Xuyên) cũng vừa triển khai mô hình “Nông nghiệp xanh, vườn rau sạch ứng dụng khoa học và công nghệ để phát triển nông nghiệp và du lịch” do Chi đoàn Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp Chi đoàn Trung tâm Xúc tiến du lịch tỉnh thực hiện tại gia đình anh Trần Phước Nguyên (ngụ ấp Mỹ An 2, xã Mỹ Hòa Hưng).
Anh Trần Phước Nguyên bên vườn đậu bắp sạch tạo cảnh quan, phục vụ du khách.
Theo bạn Nguyễn Hoàn Đức, Bí thư Chi đoàn Trung tâm Xúc tiến du lịch tỉnh (thuộc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch): “Đây là đề tài nghiên cứu cấp tỉnh. Theo đó, khi tham gia mô hình này, nông dân được hỗ trợ giàn lưới trồng hoa lan, vườn rau (cải xanh, xà lách) trồng theo hướng an toàn, sạch, không dùng thuốc bảo vệ thực vật…
Qua đó, du khách có thể trải nghiệm cuộc sống của người dân vùng quê (trồng, chăm sóc, hái rau chế biến món ăn). Điều thú vị hơn cả là người hướng dẫn, trực tiếp tham gia trải nghiệm cùng du khách không ai khác chính là những người nông dân. Mục tiêu của mô hình này giúp người dân vừa sản xuất nông nghiệp, vừa làm du lịch sinh thái. Đây là điều kiện để thu hút du khách ngoại và nội địa”.
“Trước đây, gia đình tôi làm ruộng. Từ năm 2012, gia đình tôi bắt đầu tham gia dự án “Du lịch homestay”. Mô hình này chủ yếu phục vụ khách nước ngoài (Bỉ, Hà Lan). Gần đây thì có thêm du khách đến từ Pháp, Đức. Số lượng khách đến đây khoảng 2-7 đoàn/tháng, mỗi đoàn từ 2-4 khách. Đa phần du khách là người lớn tuổi, họ đi theo dạng du lịch nghỉ dưỡng. Bởi không khí ở đây mát mẻ, trong lành. Họ có thể đạp xe đi vòng vòng cù lao, tìm hiểu văn hóa và cuộc sống (sinh hoạt, trồng trọt, chăn nuôi…) của người dân nơi đây, học cách nấu và thưởng thức các món ăn Việt Nam”. Hiện nay, với tổng diện tích trên 7.000m2, phía trước anh Nguyên trồng hoa lan, cây cảnh; chính giữa là nhà ở và phòng phục vụ khách ở qua đêm. Phía sau anh thả trên 50 con gà; trồng bưởi da xanh, đậu bắp, vườn rau sạch (sử dụng hệ thống tưới tự động) và ao nuôi cá.
“Để chuyên nghiệp, tôi đã tham gia trên 20 lớp tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng như: Kỹ năng giao tiếp, bồi bàn, nấu ăn, quảng bá du lịch… Thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục tham gia các lớp tập huấn nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng làm du lịch. Ngoài ra, để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách, tôi sẽ đầu tư thêm một số vật đụng, thiết bị trong nhà, như: Ghế gỗ, máy lạnh (nếu khách có nhu cầu sử dụng), đồ trang trí…", anh Trần Phước Nguyên chia sẻ.
Anh Nguyên còn tận dụng những chỗ trống phía sau vườn trồng thêm các loại cây ăn trái (mãng cầu, nhãn, thanh long, xoài…); thả thêm cá để đáp ứng “thú vui” câu cá của du khách, vừa tạo cảnh quan thiên nhiên, vừa đa dạng hóa các món ăn, cũng như có nông sản sạch phục vụ du khách. Những vườn, ruộng như của gia đình anh Nguyên dần trở thành điểm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng lý tưởng cho du khách trong và ngoài nước vào những dịp cuối tuần, lễ, tết. Qua đó, góp phần thu hút và “giữ chân” du khách đến với TP. Long Xuyên, đồng thời giúp gia đình tăng thêm nguồn thu nhập...