Lật tẩy kỹ nghệ tăng trọng heo: Vẫn ngoài tầm kiểm soát
- Thứ tư - 22/10/2014 21:20
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Kiểm tra không giải quyết được vấn đề
Theo Chi cục Thú y tỉnh Đồng Nai, 7 tháng đầu năm, chi cục đã có 2 đợt kiểm tra các hộ và trang trại nuôi heo trên địa bàn tỉnh mình. Đợt 1, chi cục chọn ngẫu nhiên 20 trang trại, lấy mẫu heo từ 70kg trở lên, phát hiện 2 trại có chất cấm salbutamol với lượng tồn dư rất lớn. Đợt 2 kiểm tra cũng phát hiện 4 trang trại có sử dụng chất cấm tương tự.
Tại TP.HCM, đầu tháng 8.2014, các cơ quan chức năng khi lấy ngẫu nhiên 60 mẫu thịt (30 mẫu thịt lợn, 30 mẫu thịt gia cầm) tại 2 cơ sở giết mổ lớn trên địa bàn TP.HCM về xét nghiệm, đã phát hiện 13/30 mẫu thịt lợn, chiếm tỷ lệ trên 43% có hàm lượng kháng sinh sulfadimidin vượt mức cho phép. Các loại kháng sinh như sulfadimidin được chống chỉ định với người suy gan, suy thận. Thịt chuyển về 2 cơ sở giết mổ này từ nhiều nguồn ở Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Dương, Long An, Tiền Giang…
Ông Nguyễn Chí Hiền-Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Đồng Nai cho biết: Từ đầu năm đến nay, cơ quan đã thực hiện 3 đợt kiểm tra việc sử dụng chất cấm và phát hiện không ít những nơi vẫn lén lút sử dụng những chất này. Tuy vậy, còn nhiều nơi không thể kiểm tra hết được vì lực lượng chức năng mỏng mà địa bàn lại quá rộng.
Trong đợt kiểm tra vào tháng 6.2014, tại huyện Trảng Bom, lấy 20 mẫu thì phát hiện 4 mẫu dương tính với chất cấm thuộc nhóm beta-agonist. Trước đó vào tháng 4 vẫn xuất hiện 2 mẫu dương tính trong số 20 mẫu thử.
Những năm gần đây, biện pháp duy nhất mà bên ngành thú y triển khai để hạn chế, ngăn ngừa sử dụng chất cấm chỉ là tuyên truyền cho người nuôi, người kinh doanh, vận chuyển, giết mổ biết được tác hại của chất này lên cơ thể người. Tuy vậy, kết quả vẫn còn hạn chế.
Theo ông Nguyễn Xuân Dương- Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, Cục Chăn nuôi cùng Cục Thú y đang phối hợp cùng các địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi. Hiện sự việc khó khăn ở điểm nhiều kháng sinh như sulfadimidin, ractopamine không nằm trong danh mục kháng sinh được sử dụng trong chăn nuôi nhưng lại được phép sử dụng trong sản xuất thức ăn chăn nuôi. Để giải quyết vấn đề này, Cục Chăn nuôi đang xây dựng dự thảo thông tư về quản lý sử dụng kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi để từ đó có cơ sở cho các cơ quan chức năng dễ kiểm tra, giám sát chất cấm trong chăn nuôi.
Làm gì để chấm dứt tình trạng dùng chất cấm?
Ông Nguyễn Trí Công – Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho biết, Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai và các cơ quan chức năng tỉnh rất bức xúc về vấn đề này và đang phối hợp với Chi cục Thú y tỉnh Đồng Nai đi kiểm tra các trang trại, các hộ chăn nuôi heo trên địa bàn. “Quan điểm của chúng tôi là nếu phát hiện nơi chăn nuôi nào dùng chất cấm để tạo nạc heo sẽ phạt nặng. Và nếu là thành viên của hiệp hội thì sẽ xin mời ra khỏi hiệp hội” – ông Công bức xúc nói. Theo ông Công, chất tạo nạc không có lợi cho người chăn nuôi vì khi dùng chất tạo nạc heo tăng trọng không bằng khi nuôi bình thường. Không có chuyện khi dùng chất tạo nạc heo sẽ siêu tăng trọng hay rút ngắn thời gian xuất chuồng. Bên cạnh đó, khi dùng chất tạo nạc chi phí nuôi cao hơn vì heo cần cung cấp độ đạm nhiều hơn; thậm chí rủi ro cũng cao hơn vì heo có thể bị đột tử, gãy xương… Các chất tạo nạc này chỉ tạo nạc tốt, heo đẹp, dễ bán cho thương lái.
Cũng theo lý giải của ông Công, thực tế thịt siêu nạc chỉ là chất giả nạc. Khi người chăn nuôi cho heo ăn chất tạo nạc sẽ làm máu ở phần thịt dồn lên phía mỡ khiến mỡ chuyển dần sang màu đỏ như thịt nạc. Tuy nhiên, phần thịt này đỏ nhạt chứ không như màu đỏ của thịt thường. Hiện người chăn nuôi thường dùng 2 chất tạo nạc: Salbutamol và chlebutarol, có gốc từ nhóm beta -agonist. Bộ NNPTNT đã cấm dùng các chất này từ năm 2002 vì rất độc hại. “Để hạn chế, tiến tới việc chấm dứt việc nuôi heo bằng chất tạo nạc, ngành chăn nuôi phải cải thiện con giống để có giống heo tốt. Nếu con giống tốt và người chăn nuôi cho ăn đúng công thức thức ăn công nghiệp thì sẽ hạn chế việc dùng chất tạo nạc để có heo đẹp trước khi xuất chuồng”- ông Công nói.