“Lên đời” mô hình VAC áp dụng công nghệ cao rẻ hơn 10 – 15 lần
- Thứ bảy - 09/04/2016 06:02
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Thứ trưởng đánh giá, sản xuất VAC theo quy trình GAP là một trong những giải pháp đáp ứng yêu cầu xuất khẩu nông sản. Dấu mốc là năm 2015 lần đầu tiên xuất khẩu rau quả của nước ta đạt 2 tỉ USD.
Thứ trưởng Cường đánh giá, mô hình VAC trong nông nghiệp hiện nay đang đối mặt với nhiều thách thức lớn do quy mô hộ nhỏ bé, năng suất lao động và hiệu quả kinh tế thấp, khó phát triển trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng. Ngoài ra, quá trình biến đổi khí hậu đang diễn ra nhanh hơn và khốc liệt hơn, đặc biệt là tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và khu vực Tây Nguyên…
Theo đó, Thứ trưởng nhấn mạnh cần triển khai các giải pháp lớn, thông qua chương trình tái cơ cấu nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo, phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu và quản trị nông nghiệp qua VietGAP và GlobalGAP… để nền nông nghiệp hội nhập thành công, bền vững.
GS.TS Ngô Thế Dân – Chủ tịch Hội làm vườn Việt Nam cho biết, hiện nay, việc triển khai làm GAP gồm VietGAP và GlobalGAP không chỉ mở rộng ở các tỉnh Nam Bộ mà còn được triển khai ở Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh, Bắc Giang… Đơn cử như Hội làm vườn huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) đã thực hiện quy trình sản xuất VietGap trên 7.500 ha vải thiều ở 30 xã, thị trấn, tập trung tại các xã Hồng Giang, Trù Hựu, Giáp Sơn… Riêng xã Hồng Giang thu được 4.500 tấn quả với giá trị bán được 76 tỉ đồng và có sản phẩm xuất khẩu sang các nước Mỹ và châu Âu.
Việc xây dựng mô hình VAC áp dụng công nghệ cao vào trồng rau, hoa, quả trong nhà lưới sử dụng vật liệu địa phương với mức đầu tư thấp được triển khai và nhân rộng. Theo hình thức này, giá thành đầu tư bình quân cho mỗi m2 nhà lưới chỉ khoảng 150.000 – 200.000 đồng/m2, rẻ hơn 10 – 15 lần so với giá thành khoảng 100 USD/m2 của các nhà lưới nhập khẩu. Mô hình này hiện đang được hội làm vườn Thanh Hóa, Hải Dương, Hưng Yên và Hà Nội thực hiện hiệu quả đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm.
Theo laodong.com.vn