Liên kết nuôi tôm

Ban quản lý nuôi trồng thủy sản (NTTS) xã Phước Lại, huyện Cần Giuộc (Long An) đã sơ kết hoạt động NTTS của xã.
Liên kết nuôi tôm
KS Lê Bá Khương giải đáp thắc mắc của bà con

Qua đánh giá, vẫn còn những khó khăn, nhưng nhiều mô hình nuôi tôm công nghiệp (NTCN) liên kết trên địa bàn gặt hái thành công.

Vùng NTCN của huyện Cần Giuộc tập trung chủ yếu ở các xã Phước Lại, Phước Vĩnh Tây và Long An. Riêng xã Phước Lại có diện tích NTCN 453 ha với hơn 500 hộ nuôi, tăng 133 ha so với cùng kỳ.

Đây là vùng NTCN “còn trẻ”, bà con chủ yếu SX bằng kinh nghiệm dân gian, nên khi triển khai nhiều người đã nếm vị “đắng”. Đáng chú ý, một số bà con đã thất bại nhiều vụ liên tiếp.

“Trước tình hình NTCN phát triển mạnh, bà con có nhu cầu tìm hiểu về kỹ thuật nuôi. Đặc biệt, vấn đề dịch bệnh trên tôm thời gian gần đây tiến triển rất phức tạp. Trong đó, bệnh gan tụy cấp rất nan giải, trực tiếp làm bà con thua lỗ.

Bên cạnh việc tập huấn kỹ thuật cho các hộ nuôi, xã Phước Lại kết hợp cùng Cty Công nghệ sinh học MEGA (gọi tắt Cty MEGA) thực hiện nuôi tôm theo “Quy trình công nghệ sinh học MEGA”, sau khi cán  bộ xã tham khảo mô hình tại Trà Vinh”, ông Nguyễn Thanh Khiết, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Lại cho biết.

Sự liên kết trên bắt đầu từ tháng 5/2014, đến nay đã qua 6 đợt thả giống, có 30 hộ dân tham gia, số hộ thành công là 27/30 hộ. Trong đó, có 3 hộ bị thiệt hại chủ yếu do tôm nhiễm bệnh đốm trắng. Tuy không phải do bệnh gan tụy cấp nhưng Cty MEGA đã hỗ trợ các hộ nuôi đúng theo cam kết. Sau đó, trên các ao nuôi thất bại, Cty tiếp tục đồng hành cùng bà con.

Ông Nguyễn Thanh Khiết, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Lại, Trưởng ban quản lý NTTS của xã nhấn mạnh: "NTCN mang lại lợi nhuận cao, nhưng rất khó về mặt kỹ thuật. Tình hình dịch bệnh đang rất phức tạp, bà con cần cẩn trọng. Sự liên kết giữa Cty MEGA và người nuôi bước đầu đã mang lại thành công. Đề nghị Cty tiếp tục tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật cho người dân, đảm bảo hợp tác lâu dài, đôi bên cùng có lợi".

Anh Nguyễn Thanh Duy ở ấp 3 xã Long An (Cần Giuộc) vừa trải qua một vụ nuôi rất thành công. Anh chia sẻ: "Đây là vụ NTCN đầu tiên của tôi. Do chưa biết nhiều về kỹ thuật nên tôi đã kết hợp cùng Cty MEGA thực hiện nuôi diện tích 2.500 m2. Tôi rất ấn tượng với bộ ba sản phẩm phòng chống bệnh gan tụy cấp (EMS-A, G và F) của Cty này".

Qua 75 ngày nuôi, anh Duy thu hoạch 1,4 tấn tôm thẻ, trừ chi phí lãi được 40 triệu đồng. Xung quanh ao nuôi của gia đình anh, bà con chòm xóm không lỗ thì cũng trắng tay. Trước thành công của anh Duy, bà con trong xã rất phục người thanh niên trẻ tuổi này.

Trao đổi với chúng tôi, anh Quách Ngọc Châu ở ấp Nỉ, xã Phước Lại cũng vừa hưởng niềm vui nhờ liên kết cùng Cty MEGA. "Chúng tôi được các kỹ sư của Cty hỗ trợ trực tiếp. Khi phát hiện tôm có dấu hiệu khác thường là chúng tôi liên hệ để kỹ sư trực tiếp đến giải quyết. Chúng tôi không chỉ được học hỏi kỹ thuật nuôi, mà còn nhận được sự nhiệt tình để đi đến thành công.

Một số hộ đã đưa ra những thắc mắc về kỹ thuật nuôi để tọa đàm cùng các kỹ sư của Cty MEGA. Kỹ sư Lê Bá Khương, người trực tiếp phụ trách hỗ trợ kỹ thuật đã giải đáp cụ thể, đảm bảo cho bà con nuôi đúng theo “Quy trình công nghệ sinh học MEGA”.

Trước sự hợp tác cùng có lợi, nhiều bà con đã tâm đắc quy trình trên và mong muốn tiếp tục được hợp tác cùng Cty.

Chia sẻ trong buổi tọa đàm với bà con nuôi tôm, ông Nguyễn Ngọc Thịnh, PGĐ Cty MEGA cho biết: "Trước tình hình bệnh gan tụy cấp bùng phát mạnh không chỉ ở VN mà còn nhiều nước Ấn Độ, Thái Lan… làm giới chuyên gia phải nhức đầu, MEGA đã nghiên cứu ra chuỗi quy trình phòng chống bệnh gan tụy cấp trên tôm gồm 4 bước, đảm bảo đi đến thành công cùng người dân bằng những sản phẩm không kháng sinh".

Theo Nongnghiep.vn