Lo chống 'giặc' chuột

Lo chống 'giặc' chuột
Những năm gần đây, chuột luôn là “khắc tinh” của cây trồng ở Bình Định, đặc biệt cây lúa luôn là món ăn “khoái khẩu” của chúng.
10-11-20_2
Hàng trăm nông dân tham gia đợt ra quân diệt chuột bảo vệ lúa vụ ĐX 2019 – 2020.

Theo Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Định, vụ mùa 2019 lũ chuột đã phát sinh gây hại. Chuột xuất hiện nhiều ở những thửa ruộng nằm gần khu dân cư. Đến thời điểm này trên địa bàn tỉnh chưa xảy ra cơn lũ lớn nào, do đó, chuột vẫn bình yên trong hang ổ và sinh sôi nẩy nở, tập trung số lượng lớn. Đây là mối nguy hại cho vụ lúa ĐX sắp tới.

Chi cục đã xây dựng kế hoạch diệt chuột bảo vệ sản xuất vụ ĐX để các địa phương kịp thời triển khai đồng bộ các giải pháp hiệu quả để bảo vệ mùa màng.

Theo ông Nguyễn Tấn Phát, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Định, đơn vị đã phát động phong trào ra quân diệt chuột trước, trong và sau mùa mưa lũ 2019, đặc biệt là thời điểm trước khi bước vào sản xuất vụ ĐX 2019 – 2020.

“Chúng tôi hướng dẫn nông dân các địa phương phát quang các bờ, bụi cây ở khu vực gieo trồng; làm sạch cỏ ở bờ ruộng, kênh mương nhằm hạn chế nơi cư trú của chuột. Phát động nông dân đồng loạt ra đồng đào bắt, đánh bẫy, đổ nước vào hang chuột, dùng đất đổ vào hang để tiêu diệt chuột. Đây là biện pháp diệt chuột có hiệu quả cao, đơn giản, nông dân dễ thực hiện”, ông Phát cho hay.

Cũng theo ông Phát, Bình Định đã tổ chức ra quân diệt chuột tập trung thành nhiều đợt. Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp phối hợp Phòng NN-PTNT các địa phương đồng loạt tổ chức trên toàn địa bàn tỉnh. Hoài Ân là địa phương “mở màn” phong trào diệt chuột và đã đạt được kết quả ngoạn mục.

Ông Nguyễn Hữu Khúc, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Ân cho biết: “Chúng tôi tổ chức ra quân diệt chuột tập trung vào ngày 15/11 vừa qua tại xã Ân Đức, có hàng trăm nông dân tham gia. Kết quả chưa đầy 1 ngày bà con đã diệt được 1.500 con chuột. Sau đợt ra quân tại xã Ân Đức, chúng tôi tiếp tục vận động, hướng dẫn nông dân các xã khác tiếp tục triển khai diệt chuột bằng nhiều biện pháp trước khi bước vào gieo sạ vụ ĐX”.

Ngoài hướng dẫn nông dân diệt chuột tập trung vào thời điểm trước khi bước vào sản xuất vụ ĐX, Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Định còn khuyến cáo nông dân tiếp tục diệt chuột trong thời gian cây lúa ĐX sinh trưởng, phát triển.

Các biện pháp được nông dân áp dụng trong thời gian này là: Vào ban đêm, bà con dùng đèn soi và dùng nơm chụp bắt chuột ở những thưa ruộng bị chuột cắn phá nhiều, đặc biệt là trong giai đoạn cây lúa đẻ nhánh. Dùng các loại bẫy để như: Bẫy sập, bẫy đập, bẫy kẹp, bẫy lồng, bẫy bán nguyệt để diệt chuột. Hoặc dùng 1 trong các loại thuốc sau: Racumin, Klerat 0,005%, Storm 0,005%, Rat K 2% trộn với lúa mầm hoặc cám thực phẩm, tôm, cua, cá đặt bả ở bờ ruộng, nơi gần hang, gần đường đi của chuột hoặc bờ mương, bờ ruộng để diệt chuột.

10-11-20_3
Chưa đầy 1 ngày mà nông dân xã Ân Đức đã diệt được 1.500 con chuột.

Đặc biệt, có nông dân đã cải tiến lại “con cò” của bẫy chuột bán đại trà trên thị trường cho nó cong hơn, có độ nẩy và nhạy hơn, chuột vào ăn mồi bẫy chuột dễ sập xuống làm tăng hiệu quả diệt chuột trên đồng ruộng.

Đó là ông Phan Tấn Lực ở xã Mỹ Cát (huyện Phù Mỹ). Do chiếc bẫy chuột cải tiến của ông Lực rất hiệu quả, nên nông dân trong vùng kéo nhau đến hỏi mua. Thế là ông Lực ra chợ mua số lượng lớn bẫy chuột về độ lại, mỗi năm ông bán cả 500 – 600 chiếc với giá chẳng đắt hơn so giá chợ bao nhiêu.

“Quan trọng là phải chọn địa điểm đặt bẫy, hầu hết ở giữa ruộng lúa, tại những đường mòn chuột đi; bỏ ít lá xanh ngụy trang trên bẫy, rồi mới bỏ lúa lên trên, khi chuột thấy mồi nhảy tới ăn thì bẫy sẽ bật, tỉ lệ chuột dính bẫy rất cao”, ông Lực cho hay.
Theo DƯƠNG LAM/nongnghiep.vn