Loạt thách thức phải đối mặt và 3 kịch bản kinh tế Việt Nam năm 2018
- Thứ ba - 20/02/2018 10:16
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Đối mặt với loạt thách thức
Tuy nhiên theo NCIF, kinh tế Việt Nam cũng sẽ phải đối mặt với những thách thức ảnh hưởng tới tăng trưởng, hoạt động thương mại và đầu tư. Nhìn từ bên ngoài, Việt Nam tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức do những bất ổn địa chính trị từ các năm trước.
Bên cạnh đó, xu hướng gia tăng bảo hộ mậu dịch có thể làm xuất khẩu và thu hút vốn FDI của Việt Nam chậm lại, và gián tiếp tác động tới tăng trưởng việc làm mới. Giá dầu và giá các mặt hàng phi nhiên liệu thế giới được dự báo tăng nhẹ trong năm 2018. Chính sách tăng lãi suất của FED có thể xảy ra sẽ tạo sức ép tỷ giá, và ảnh hưởng tới hoạt động xuất nhập khẩu.
Xét các yếu tố nội tại nền kinh tế, tăng trưởng gặp khó khăn khi các động lực tăng trưởng chính của những năm trước không còn mạnh mẽ như: sự tiếp diễn suy giảm của ngành khai khoáng; chỉ số giá tiêu dùng ngay từ tháng đầu năm đã tăng cao, dự báo CPI năm 2018 sẽ cao hơn năm 2017 có thể tác động đến tâm lý tiêu dùng, làm giảm tiêu dùng tư nhân, củng cố xu hướng tiết kiệm của hộ gia đình.
Ngoài ra theo NCIF, một số chính sách quan trọng về thuế bắt đầu có hiệu lực từ năm 2018 như Nghị định 125/2017/NĐ-CP của Chính phủ, theo đó từ năm 2018 linh kiện ô tô nhập khẩu sẽ được áp dụng thuế suất ưu đãi 0%.
Để áp dụng thuế suất ưu đãi, doanh nghiệp phải cam kết sản xuất, lắp ráp xe ô tô đáp ứng tiêu chuẩn khí thải từ mức 4 và đạt đủ sản lượng theo quy định, linh kiện nhập khẩu phải thuộc loại trong nước chưa sản xuất được. NCIF cho rằng, "đây vừa là thời cơ vừa là thách thức đối với các doanh nghiệp sản xuất trong nước".
NCIF cũng cho rằng, nhiều rào cản cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp vẫn chưa được gỡ bỏ cũng là những thách thức lớn cho năm 2018. Ví dụ như vấn đề "chi phí không chính thức", "tính năng động của chính quyền", "tiếp cận đất đai" và "cạnh tranh bình đẳng".
Trong khi đó, tái cơ cấu kinh tế còn chậm, nền tảng kinh tế vĩ mô và một số cân đối lớn chưa vững chắc, nợ công cao, thu ngân sách gặp nhiều khó khăn.
3 kịch bản cho nền kinh tế
Sau khi đưa ra những phân tích bối cảnh thế giới, khu vực và những diễn biến nội tại nền kinh tế, NCIF đã dự báo kinh tế Việt Nam có thể diễn ra theo 3 kịch bản.
Theo cơ quan này, kịch bản trung bình là kịch bản cơ sở có nhiều khả năng xảy ra nhất. Trong đó giả thiết tăng trưởng kinh tế thế giới tiếp tục ổn định ở mức 3,65%. Đầu tư khu vực nhà nước được cải thiện hơn cả về tốc độ và hiệu quả và giữ vai trò điều tiết nền kinh tế.
Điều hành chính sách có cải thiện, thủ tục pháp lý và môi trường đầu tư tiếp tục được cải thiện. Mô hình kinh tế phần nào được chuyển đổi theo chiều sâu nhưng về cơ bản vẫn là nền kinh tế tăng trưởng dựa vào vốn và là nền kinh tế nhập siêu.
Hệ thống tài chính khá ổn định, điều hành tài chính và tiền tệ tương đối linh hoạt. Khi đó, tăng trưởng kinh tế năm 2018 có thể đạt mức 6,71%, trong khi lạm phát duy trì ở mức thấp, khoảng 3,8%.
Kịch bản cao, ít khả năng xảy ra hơn nhưng cũng có thể đạt được, nếu nền kinh tế đạt được những kỳ vọng như kịch bản trung bình. Ngoài ra, những nỗ lực của Chính phủ trong cải cách và điều hành kinh tế, tháo gỡ được những nút thắt của nền kinh tế (như chính sách đất đai, tín dụng, bộ máy hành chính); qua đó đem lại môi trường kinh doanh thuận lợi cho phát triển của cộng đồng doanh nghiệp. Theo kịch bản này, trong năm 2018, tăng trưởng kinh tế đạt khoảng 7%, và lạm phát trung bình có thể ở mức 4,8%.
Cuối cùng theo NCIF, kịch bản thấp, tuy không nhiều khả năng nhưng vẫn có thể xảy ra nếu nền kinh tế Việt Nam gặp những khó khăn, bất lợi như tăng trưởng nông nghiệp thấp hơn do tác động của biến đổi khí hậu, khu vực khai khoáng tiếp tục giảm sút, tăng trưởng khu vực dịch vụ gặp khó khăn, đặc biệt là dịch vụ du lịch không đạt được tăng trưởng như năm 2017.
Trong khi đó, những giải pháp kích thích tăng trưởng nền kinh tế trong năm 2017 không đạt hiệu quả ngay mà lại gây áp lực lạm phát gây bất ổn vĩ mô (cùng với việc tiếp tục điều chỉnh các loại giá dịch vụ công như y tế, giáo dục và giá điện).
Khi đó, nếu cộng hưởng thêm những tác động tiêu cực từ kinh tế thế giới, tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ thấp hơn năm 2017, khoảng 6,31% trong khi lạm phát có thể tăng trở lại ở mức 4,2% và có thể còn cao hơn tùy thuộc vào hiệu lực điều hành của các chính sách.
Theo Nguyễn Khánh (dantri.com.vn)