Lúa lép: Làm đúng khuyến cáo vẫn thiệt hại?
- Chủ nhật - 26/05/2013 21:40
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Cấy đúng thời vụ
Chúng tôi về xã Bắc Bình, huyện Lập Thạch (Vĩnh Phúc) khi người dân đang bước vào mùa gặt trong tâm trạng không mấy vui vẻ. Vừa chở xe lúa lép đổ xuống gần cổng UBND xã Bắc Bình để tuốt, chị Trịnh Thị Nguyên (thôn Bình Long) than: “Nhà tôi có 3 sào ruộng, vụ trước được mùa nên vụ xuân này tôi cấy 2 sào giống BC15. Mình cũng ngâm giống, gieo mạ và cấy cùng các hộ bên, nhưng không hiểu sao khi trổ không thấy lúa ngậm màu (phấn). Cả ruộng đứng “chào cờ” hết, chỉ ven bờ còn có ít bông chắc, nhìn đống lúa to thế này nhưng tuốt cả 2 sào may chỉ được độ tạ thóc”.
Lúa tuốt ra toàn hạt lép, theo chị Nguyễn Thị Quyên thì chỉ được khoảng 80kg/sào. |
Gặp ông Đỗ Văn Tuấn – Chủ tịch UBND xã Bắc Bình, ông cho hay: “Vừa rồi, Bộ NNPTNT cũng đã họp, nhưng hầu hết các nhà khoa học, công ty giống đều đưa ra nguyên nhân do thời tiết. Đành rằng nguyên nhân thời tiết là có, nhưng không thể đổ lỗi hết cho thời tiết”.
Ông Tuấn cho hay, vụ xuân 2013 toàn xã cấy 206ha lúa, trong đó 95ha giống BC15, xã cấy theo đúng lịch của Sở NNPTNT Vĩnh Phúc. Cụ thể gieo mạ vào 20.1 (mùng 4 Tết), khi mạ đạt 2,5 – 3 lá thì cấy. Bắt đầu cấy từ 13.2 đến khoảng 25.2. Thời điểm trổ vào khoảng 15 – 20.4 (trà sớm), 28.4 – 1.5 (trà muộn)- đúng thời điểm nghỉ lễ, thời tiết rất đẹp. Cũng theo ông Tuấn, khảo sát sơ bộ của xã cho thấy, có khoảng 82/95ha lúa BC15 bị mất trắng.
Ông Lê Văn Dũng – Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, vụ xuân 2013, tỉnh cấy 31.000ha, trong đó lúa BC15 là 2.913ha, chủ yếu tập trung ở các huyện Lập Thạch, Sông Lô, Vĩnh Tường… Theo báo cáo sơ bộ, Vĩnh Phúc có khoảng 669ha lúa BC15 bị lép hạt với mức độ thiệt hại lên đến trên 80% diện tích. |
Không trỗ đúng thời điểm rét cũng bị lép
Theo phản ánh của nhiều nông dân huyện Thanh Hà (Hải Dương), việc lúa BC15 mất mùa đã gây thiệt hại lớn. Bà Trương Thị Tươi ở xã Vĩnh Lập thở dài: “Tôi cấy 5 sào lúa BC15, chăm sóc đúng hướng dẫn của cán bộ khuyến nông. Nhiều năm trước, năng suất giống này đạt hơn 2 tạ/sào nhưng năm nay lúa lép, năng suất chỉ còn 20- 30%”.
Trao đổi với phóng viên NTNN, ông Nguyễn Văn Tịnh - Phó Giám đốc Sở NNPTNT Hải Dương cho biết, vụ đông xuân này, Sở NNPTNT không đưa giống lúa BC15 vào cơ cấu giống lúa và khuyến cáo nông dân không canh tác giống này, nhưng ở một số địa phương, bà con nông dân tự ý đưa vào cơ cấu giống”.
Báo cáo của Sở NNPTNT Hải Dương cho biết, vụ đông xuân năm nay, toàn tỉnh có gieo cấy khoảng 4.000ha lúa BC15. Đến nay tuy chưa có thống kê chính xác về diện tích lúa BC15 bị thiệt hại, nhưng số liệu ban đầu cho thấy đã có 1.100ha BC15 ở các huyện Thanh Hà, Kim Thành, Tứ Kỳ bị lép hạt với tỷ lệ 50- 70%, khả năng chỉ đạt năng suất 20- 30 kg/sào.
Còn ông Nguyễn Văn Đức ở thị trấn Phúc Thọ, huyện Phúc Thọ (Hà Nội) cho biết, ông gieo cấy BC15 ở trà lúa xuân sớm, khi trỗ không gặp rét, nhưng đến cuối vụ, dù lúa cao, bông dài, nhiều hạt thì đến 60- 70% là lép. “Chúng tôi được khuyến cáo trồng giống lúa này có năng suất cao nhưng đến khi mất mùa cũng chẳng biết kêu ai. Không hiểu ai sẽ chịu trách nhiệm này?”- ông Đức hỏi.
Bốc nắm lúa vừa tuốt xong toàn hạt lép, chị Nguyễn Thị Quyên ở thôn Bình Long, xã Bắc Bình (huyện Lập Thạch, Vĩnh Phúc) mếu máo: “Nhà tôi có 3 sào ruộng, vụ này cấy tất BC15, những vụ trước hầu như ruộng nhà tôi luôn đứng đầu về năng suất, thế mà vụ này 1 sào không nổi 80kg thóc. Bán thóc may chỉ đủ tiền giống, coi như vụ này mình âm tiền công, phân bón, tiền thuê gặt, tuốt lúa”.
Hỏi về thời gian cấy lúa, chị Quyên cho biết chị cấy vào trà muộn (vào 1.5). Điều lạ nữa là, một số người dân cấy giống BC?15 trà muộn đều thu hoạch tốt, có hộ mất cũng chỉ mất 40 – 50%. Để minh chứng, chị Quyên dẫn phóng viên xuống tận ruộng, chỉ vào hai thửa cấy cùng ngày, trổ cùng ngày, nhưng thửa được, thửa mất. Chị Quyên phân vân: “Nếu do thời tiết, thì cả cánh đồng mất cả, chứ không thể ruộng được, ruộng mất được. Hơn nữa, tại sao ở sát bờ lại được, còn giữa ruộng lại mất”. Anh Trần Văn Quyến (thôn Bắc Sơn, xã Bắc Bình) có 2 sào cấy lúc BC15 bị mất trắng nói thêm: “Chúng tôi phải được đền bù, chứ không phải “hỗ trợ”. Bởi lúa lép không phải do thời tiết, cũng không phải do chúng tôi chăm sóc không đúng kỹ thuật, thời vụ. Đền bù thì phải đền bù bằng thóc, hoặc thóc quy ra tiền”.
Khi chúng tôi hỏi xã có tiếp tục đưa giống BC15 vào cấy trong các vụ tới, ông Đỗ Văn Tuấn – Chủ tịch UBND xã Bắc Bình thẳng thắn: “Vụ mùa này, chúng tôi đã thay đổi giống BC15 bằng một giống khác. Cũng không thể phủ nhận, lúa BC15 rất năng suất và chất lượng gạo ngon. Tôi hy vọng sau “sự cố này, công ty sẽ siết chặt” lại quy trình sản xuất giống để giống lúa có chất lượng tốt hơn. Nếu giống tốt, ổn định hơn, chúng tôi sẽ tiếp tục cấy giống BC15 này”.
Theo danviet.vn