Lúa ngập kho, đầu ra hẹp

Lúa ngập kho, đầu ra hẹp
Những ngày này, ở ĐBSCL - vựa lúa lớn nhất nước - đi đến đâu cũng bắt gặp cảnh nhà nông chất lúa đầy bồ, nông dân thở vắn than dài chờ thương lái đến mua. Trong khi đó, chủ nợ ngân hàng, vật tư nông nghiệp… cứ thúc sau lưng họ.

Khó khăn bủa vây

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), hiện các doanh nghiệp (DN) tồn đọng khoảng 2 triệu tấn gạo do chưa tìm được đầu ra. Trong khi đó, vụ lúa hè thu ở ĐBSCL đang bước vào thu hoạch, tổng sản lượng ước đạt trên 9 triệu tấn. Do đó, việc tiêu thụ lúa gạo trong thời gian tới sẽ vô cùng khó khăn.

Số liệu từ Cục Trồng trọt - Bộ NN-PTNT cho biết: Tính đến đầu tháng 5-2013, các tỉnh ĐBSCL đã xuống giống vụ hè thu được hơn 1 triệu ha/1,6 triệu ha diện tích sản xuất. Trong đó, khoảng 100.000 ha lúa hè thu sớm tại Đồng Tháp, An Giang… đã được thu hoạch. Dự kiến hơn 1 tháng nữa, lúa hè thu ở ĐBSCL mới bước vào thu hoạch rộ, ước tính sẽ được khoảng 3,5 triệu tấn gạo hàng hóa phục vụ xuất khẩu. 

Ông Huỳnh Văn Gành, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Kiên Giang, lo lắng: “Trong vụ đông xuân vừa qua, tỉnh tồn đọng 588.000 tấn lúa. Nhiều nơi trong tỉnh, lúa chất đống nhưng không có thương lái đến mua. Vụ hè thu này, ước tính sản lượng sẽ đạt 1 triệu tấn, nếu không có kế hoạch mua tạm trữ thì lúa ùn ứ, giá giảm, nông dân lại chịu thiệt”. Trước tình hình này, UBND tỉnh Kiên Giang đã kiến nghị Chính phủ mua tạm trữ 100.000 tấn gạo nhằm giảm lượng tồn ứ trong dân.

Cũng theo thông báo của VFA, trong nước hiện đang tồn khoảng 2 triệu tấn gạo nên việc tiêu thụ lúa hè thu sẽ gặp nhiều khó khăn. Hiện các tỉnh ĐBSCL đang sốt ruột vì VFA chưa có kế hoạch mua tạm trữ khi vụ hè thu sắp bắt đầu vào mùa thu hoạch rộ. Nông dân Nguyễn Công Lý (ngụ ấp 5, xã Phương Thịnh, huyện Cao Lãnh - Đồng Tháp) ngậm ngùi: “Vụ hè thu này, tôi xuống giống OM5451 trên diện tích 10 ha, trồng theo mô hình cánh đồng mẫu lớn nhưng năng suất khá thấp, khoảng 5,5 tấn/ha. Tôi vừa bán cho Công ty Bảo vệ thực vật An Giang với giá khá thấp: 5.100 đồng/kg (lúa khô). Với giá này, chỉ lời khoảng 6 triệu đồng/ha”. 

Ông Lý đã vay ngân hàng 100 triệu đồng để chi cho việc đồng áng nhưng thu nhập từ việc trồng lúa hè thu lại không được lợi nhuận như mong muốn. Không riêng ông Lý, nhiều hộ trồng lúa ở Cao Lãnh cũng lâm vào cảnh tương tự.

Gay go xuất khẩu

Theo Tổ chức Lương Nông Liên Hiệp Quốc (FAO), sản lượng gạo thế giới năm 2012 đạt 484 triệu tấn (tương đương 730,2 triệu tấn lúa), tăng 9% so với năm 2011 (723,7 triệu tấn). Con số này cho thấy rằng năm 2013, xuất khẩu gạo sẽ đối mặt nhiều thách thức bởi cung có thể vượt cầu. Những nước nhập khẩu gạo truyền thống ở châu Á như Trung Quốc, Indonesia, Malaysia và Philippines đều trúng mùa. Dự báo cả năm nay, sản lượng gạo thế giới đạt 488,6 triệu tấn do sản lượng gạo của các nước đều tăng (ngoại trừ Ấn Độ và Brazil). 

Hiện kho dự trữ gạo của Thái Lan lên đến 16 triệu tấn, trong đó có 9 triệu tấn từ năm 2011 chuyển sang. Trung Quốc, Hàn Quốc, Nigeria và Nam Phi vẫn là thị trường lớn của Thái Lan. Bộ Thương mại nước này dự kiến sẽ tung 7 triệu tấn gạo cũ tồn kho ra bán với giá thấp để cạnh tranh với Việt Nam, thu 6 tỉ USD. Do đó, chính sách thu mua lúa với giá cao ở các nước châu Á như Thái Lan, Trung Quốc, Indonesia và Philippines đã khuyến khích nông dân những quốc gia này thâm canh mở rộng diện tích trồng lúa, dẫn đến việc tiêu thụ gặp khó khăn.

Bà Mai Thị Ánh Tuyết, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh An Giang, cho biết các DN xuất khẩu gạo trong tỉnh hiện đang gặp rất nhiều khó khăn khi thị trường bị thu hẹp do cung vượt cầu. Ngoài việc bị cạnh tranh về giá, các DN còn chịu áp lực rất lớn khi thời hạn được hưởng chính sách ưu đãi mua tạm trữ lúa gạo sắp hết. 

Cũng theo bà Tuyết, hiện các DN trong tỉnh tồn đọng gần 500.000 tấn gạo do những nhà nhập khẩu ở các thị trường truyền thống như Trung Quốc, Phillipines… cố tình “đè” giá. Để tháo gỡ khó khăn cho DN, ngành công thương tỉnh đang tích cực triển khai các biện pháp xúc tiến thương mại theo hướng mở rộng tìm kiếm thị trường thay thế và liên kết tiêu thụ lúa gạo hàng hóa nội địa. 

“Chúng tôi đang hướng đến thị trường Myanmar và một số nước châu Phi để xuất khẩu gạo phẩm cấp thấp. Đối với thị trường trong nước, tỉnh An Giang và TP Hà Nội vừa ký kết thành lập Công ty Hà Nội - An Giang để đưa lúa gạo ra miền Bắc tiêu thụ; ký kết với Tập đoàn Vingroup để tạo sức lan tỏa ở thị trường TPHCM và các tỉnh miền Trung. Qua đó, có thể giúp cho các DN hạn chế lỗ khi phải bán tháo gạo để có đồng vốn quay vòng” - bà Tuyết cho biết.

 

Giảm áp lực lúa hàng hóa

Trước tình hình này, nhiều chuyên gia cho rằng ĐBSCL cần giảm bớt áp lực lúa hàng hóa bằng cách giảm diện tích lúa vụ 3 để trồng một số loại cây ngắn ngày khác hoặc chuyển giao việc tạm trữ cho các địa phương đảm nhận. 

GS Võ Tòng Xuân, chuyên gia nông học, cho rằng nếu Nhà nước đứng ra mua hết lúa hàng hóa rồi sau đó cho DN xuất khẩu tham gia đấu thầu - đó không phải là giải pháp căn cơ. Còn nếu giao cho các địa phương thu mua tạm trữ lúa gạo thì lại càng khó hơn vì thiếu sân phơi, kho chứa… Vả lại, chính quyền địa phương cũng không thể kiểm soát nổi khi nông dân bán quá nhiều loại giống lúa khác nhau. 

“Tốt nhất là nên tập hợp nông dân, mời họ tham gia hợp tác xã với sự ưu đãi về vốn từ Chính phủ. Và khi giá lúa ngoài thị trường có chuyển biến tốt thì nông dân bán ra sẽ được lợi nhuận cao. Chúng ta cũng không thể rập khuôn theo mô hình “ngân hàng lúa” như Thái Lan bởi vì nếu giá lúa liên tục giảm, nông dân không lấy ra bán mà cứ để nằm mãi trong kho chứa của Nhà nước, làm cho ngân sách thâm thủng” - GS Võ Tòng Xuân nhìn nhận.

Nguồn: nld online