Lưu ý khi thâm canh ngô nếp vụ xuân

Với đặc điểm ngắn ngày, dễ trồng lại đang có thị trường tiêu thụ nội địa khá dễ dàng và thuận tiện, cây ngô nếp đã được nông dân nhiều vùng lựa chọn vào cơ cấu các cây trồng có giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên, để trồng ngô có hiệu quả, bà con cần lưu ý một số biện pháp sau.

Chọn giống: Ngô nếp là hàng quà nên nông dân cần chú trọng sử dụng các giống ngô có chất lượng cao, mẫu mã đẹp. Nên chọn các giống ngô lai có thân cây thấp và nhỏ nhưng cứng chắc, tán lá gọn kháng sâu bệnh tốt, thích ứng được với những thay đổi, bất lợi của thời tiết khí hậu…Qua theo dõi cho thấy, các giống ngô nếp có thể áp dụng gieo trồng ở vụ xuân đối với các tỉnh ĐBSH là: HN88, ADI600, MX10, ngô tím ngọt 099, Wax 48…

 


Một buổi tham quan mô hình ngô nếp xuân của cán bộ khuyến nông Nam Sách.
Thời vụ: Nếu gieo trồng quá sớm sẽ kéo dài thời gian sinh trưởng của giống và có ảnh hưởng xấu nhất là thời điểm ngô trổ cờ phun râu (khó đậu hạt). Vì vậy, để an toàn cho ngô nhất là thời kỳ mẫn cảm nên bố trí gieo hạt sau tiết lập xuân.

Chăm sóc ngô: Để có năng suất cao, chất lượng tốt cần phải bón phân đầy đủ và đúng cách cho ngô. Nguồn phân chuồng, phân hữu cơ rất tốt cho ngô xuân. Tùy theo các chân đất khác nhau, giống ngô khác nhau mà lượng bón cũng khác nhau. Ngoài phân bón đa lượng (đạm, lân, kali), nông dân cần bổ sung nguồn phân bón vi lượng cho ngô nếp xuân mới nhằm mang lại chất lượng cao cho bắp ngô sau này cũng như tăng khả năng chống chịu cho cây trước dịch bệnh và thời tiết bất lợi. Tốt nhất khi bón phân lót cho ngô nếp xuân, người trồng cần bổ sung khoảng 1-1,5kg phân bón siêu vi lượng/sào trộn cùng NPK để bón.

Bón lót toàn bộ phân chuồng hoặc phân hữu cơ vi sinh thay thế, lân, vôi trước khi gieo hạt.

Thúc lần 1 khi cây có 3- 4 lá bón 1/3 lượng đạm + 1/3 kali.

Thúc lần 2 khi cây có 9-10 lá bón 1/3 lượng đạm + 1/3 kali.

Thúc lần 3 lúc cây sắp trỗ cờ bón nốt lượng phân còn lại.

* Lưu ý: Thời kỳ bắp đang phát triển có thể bổ sung thêm một lượng kali trắng bón vào gốc với lượng 0,5 - 0,7kg/sào. Làm như vậy bắp ngô sẽ phát triển đẫy đà hơn, chất lượng bắp sau này sẽ cao hơn lại hạn chế được nấm khô vằn, đốm lá gây hại thời kỳ giữa và cuối vụ.

Phòng trừ sâu bệnh: Ngô nếp vụ xuân thường hay bị nhiều đối tượng dịch bệnh phát sinh gây hại mạnh như sâu xám cắn khuyết cây non, rệp muội gây hại lúc cây xanh tốt, rậm rạp, sâu đục thân gây hại thời kỳ trổ cờ và to bắp, bệnh đốm lá, khô vằn, sương mai… Cần lưu ý phòng, trừ kịp thời các loại sâu, bệnh trên.

Theo danviet.vn