Mất trắng rau, hoa vì dùng không đúng thuốc BVTV

Nhiều hộ dân tại xã Hiệp An, huyện Đức Trọng, đã mua thuốc BVTV hiệu Asimo super 50 WP của Cty TNHH thương mại - sản xuất Thôn Trang (địa chỉ tại TP.HCM), về phun trừ bệnh rầy đen trên cây hành và hoa lay ơn. Gần một tuần sau, cây trồng xuất hiện tình trạng cháy lá...
Vườn hoa lay ơn sau khi phun thuốc Asimo super 50 WP chết nụ, thối gốc không ai mua của gia đình chị Ka Út

Gần một tuần sau, cây trồng xuất hiện tình trạng cháy lá, thối gốc, đến nay toàn bộ diện tích này đã bị mất trắng.  

Thất thu sau phun thuốc

Chị Ka Út (37 tuổi), ngụ thôn K’long C, xã Hiệp An, huyện Đức Trọng, đưa chúng tôi ra vườn hoa lay ơn rộng gần 2.000m2, đang trong thời kỳ cho thu hoạch nhưng toàn bộ đã bị hư hỏng, hoa chết cháy hàng loạt, nay bán không ai mua. Chị Út mếu máo cho biết, cách đây mấy tuần vườn hoa lay ơn của gia đình chị xuất hiện rầy đen.

  Như thường lệ, chị ra cửa hàng vật tư nông nghiệp Bảo Mến, cách nhà khoảng 1km để mua thuốc diệt rầy đen. Tại đây, chị Ka Út được bà Tạ Thị Mến bán cho loại thuốc Asimo super 50 WP của Cty TNHH thương mại - sản xuất Thôn Trang (địa chỉ tại TP Hồ Chí Minh), kèo theo lời giới thiệu là “trị bệnh hiệu quả lắm”.

Về nhà, vợ chồng chị Ka Út pha nước bơm theo hướng dẫn của bà Mến và cũng được ghi trên bao bì, phun cho gần 2.000m2 hoa lay ơn đang chuẩn bị đơm bông. Khoảng 5 ngày sau, gia đình chị Út phát hiện cây hoa lay ơn bị cháy lá, thối gốc, chị Út đã tới khiếu nại người bán thuốc nhưng chỉ được hứa hẹn là “để chờ công ty cho người xuống giải quyết”. Chị Ka Út ước tính lứa hoa này gia đình chị thiệt hại khoảng 70 triệu đồng do không thể thu hoạch được nữa.

Tuy nhiên, khổ hơn cả là hoàn cảnh của chị Ka Gloen (40 tuổi), ngụ thôn K’long C, trồng được 800m2 hoa lay ơn đã phải bán non để lấy tiền ăn với giá 25 triệu đồng. Khi hoa xuất hiện rầy đen, chị Gloen cũng đã tới mua thuốc Asimo super 50 WP tại của hàng vật tư nông nghiệp Bảo Mến về phun.

Gần một tuần sau cả vườn hoa đang đẹp như tranh lăn ra chết cháy, hư hỏng toàn bộ khiến thương lái tới bắt đền, đòi lại tiền mua hoa trước đó. Để có tiền trả, chị Gloen đã phải chạy vạy khắp nơi vay mượn tiền của anh em, người thân nhưng đến nay vẫn chưa trả hết nợ.

Tương tự, gia đình các ông Dương Văn Ngọc, Đặng Văn Tý, Nguyễn Công Hưng, Tạ Văn Phương, đều ngụ tại thôn K’long, xã Hiệp An, huyện Đức Trọng, khi cây hành xuất hiện rầy đen họ cũng đã tới cửa hàng vật tư nông nghiệp Bảo Mến để mua thuốc Asimo super 50 WP về phun tiêu diệt mầm bệnh.

Khi tới mua, những người này đều được chủ cửa hàng là bà Tạ Thị Mến hướng dẫn cách thức phun. Toàn bộ diện tích hành, hoa sau khi phun Asimo super 50 WP của những gia đình này đều có chung một triệu chứng là gốc bị nhũn, lá chuyển sang vàng, bị cháy, hư hỏng không thể cho thu hoạch. Diện tích hành hư hại của 4 hộ này được cơ quan chức năng thống kê là hơn 1ha.

Ước tính tổng thiệt hại khoảng 400 triệu đồng. Chủ cửa hàng vật tư nông nghiệp Bảo Mến xác nhận, có 8 gia đình mua thuốc Asimo super 50 WP tại quầy thuốc BVTV của gia đình bà để phun trên hoa và hành bị hư hại. Trong đó, diện tích hành bị hư hỏng là 1,3ha, trên hoa lay ơn là 1,1ha.  

Dùng sai thuốc

Ngày 4/4, ông Lại Thế Hưng, Chi cục trưởng Chi cục BVTV Lâm Đồng cho biết, sau khi sự việc trên xảy ra, 4 gia đình, gồm ông Dương Văn Ngọc, ông Đặng Văn Tý, ông Nguyễn Công Hưng và ông Tạ Văn Phương, có đơn khiếu tại tới các cơ quan chức năng. Chi cục BVTV Lâm Đồng đã cử cán bộ xuống địa phương để kiểm tra thực tế và đúng như phản ánh của bà con.

  Ngày 20/3/2017, Chi cục BVTV Lâm Đồng đã làm việc với đại diện nhà sản xuất là Cty TNHH thương mại - sản xuất Thôn Trang và bà Tạ Thị Mến, chủ cửa hàng vật tư nông nghiệp Bảo Mến. Các cơ quan chức năng xác định, thuốc Asimo super 50 WP chỉ đăng ký, hướng dẫn sử dụng trên cây lúa nhưng người dân đã mua và sử dụng phun cho hoa, hành nên Cty TNHH thương mại - sản xuất Thôn Trang không chịu trách nhiệm. Bà Tạ Thị Mến cũng phủ nhận việc tư vấn, hướng dẫn cho người mua sử dụng trên cây hoa, hành nên không có cơ sở xem xét bồi thường. Do đó, nhà sản xuất chỉ đồng ý hỗ trợ cho 4 gia đình bị thiệt hại với mức 7,5 triệu đồng/1.0002 hành hoặc hoa lay ơn.

Riêng một số hộ đồng bào dân tộc thiểu số cũng sử dụng thuốc Asimo super 50 WP phun trên cây hoa lay ơn bị hư hỏng toàn bộ do không biết làm đơn nên đến nay không được hỗ trợ. Ông Lại Thế Hưng cho biết, trách nhiệm này thuộc về UBND xã Hiệp An, huyện Đức Trọng, là địa phương bám sát các hoạt động sản xuất của bà con, khi xảy ra sự việc phải có thống kê, báo cáo, đề xuất cấp có thẩm quyền giải quyết.

“Chi cục BVTV Lâm Đồng chỉ nhận được đơn khiếu nại của 4 hộ nêu trên và đã phối hợp với các đơn vị liên quan giải quyết vụ việc, bảo vệ quyền lợi cho bà con”, ông Hưng nói. Riêng những trường hợp như chị Ka Út, Ka Gloen… ông Hưng cho biết không thấy địa phương báo cáo lên nên không thể có cơ sở xem xét hỗ trợ.

Cũng theo ông Lại Thế Hưng, tại Lâm Đồng hiện nay đang xảy ra tình trạng người nông dân sử dụng nhiều loại thuốc BVTV không đăng ký trên cây rau, hoa để phun điều trị bệnh trên các loại cây trồng này. Điều đó rất dễ gây ngộ độc, hư hỏng cây trồng, nhất là vào thời điểm tháng 3, tháng 4 hàng năm, là giai đoạn giao mùa, cây trồng rất dễ bị trúng độc, gây thiệt hại kinh tế cho chính người sử dụng thuốc BVTV mà không thể có cơ sở để buộc nhà sản xuất thuốc bồi thường vì phần sai là do người dân.

Nguồn: Nongnghiep.vn