Máy thu hoạch đay Chín Nghĩa

“Nếu mình dừng chân một chỗ thì danh hiệu Anh hùng Lao động sẽ mai một. Vì thế, tôi tiếp tục chế tạo máy mới để góp phần phục vụ nông dân” - Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới Bùi Hữu Nghĩa (Chín Nghĩa) ở xã Long Thạnh, huyện Thủ Thừa, Long An tâm sự.

 

Cùng với cây lúa, nông dân các xã bị ngập lũ ở huyện Mộc Hóa, Thạnh Hóa thuộc vùng Đồng Tháp Mười (ĐTM) Long An sau khi thu hoạch xong lúa đông xuân tiếp tục xuống giống đay và thu hoạch trước khi lũ về. Khâu thu hoạch đay rất vất vả, trong khi lực lượng lao động trẻ, khỏe ở nông thôn ngày càng cạn nguồn. Khi Nhà máy Bột giấy Phương Nam công suất 100.000 tấn/năm khởi công xây dựng tại huyện Thạnh Hóa, Long An đưa vào kế hoạch mỗi năm trồng 15.000ha đay cung cấp nguyên liệu cho nhà máy.

Ông Bùi Hữu Nghĩa và máy thu hoạch đay của mình.

Trước thực trạng thiếu nhân công thu hoạch đay, sau khi ra đời hàng loạt sản phẩm máy gặt xếp dãy và gặt đập liên hợp, ông Nghĩa có ý tưởng chế tạo máy thu hoạch đay (MTHĐ).

Biết ý tưởng của ông, năm 2008, một vị Phó Giám đốc Sở Công Thương Long An đến gặp ông Nghĩa, gợi ý ông cải tiến máy gặt xếp dãy thành MTHĐ để đỡ tốn kém thời gian và tiền bạc, nhưng ông Nghĩa nghĩ khác. Theo ông Nghĩa, đay sinh trưởng không giống cây lúa; thân cao gấp 4-5 lần cây lúa trong khi khổ cắt của máy gặt xếp dãy chỉ rộng 1,5m. Không thuyết phục được ông Nghĩa, Sở Công Thương phải hợp tác với một đối tác khác tiến hành chế tạo MTHĐ. Sau nhiều lần thử nghiệm, máy không cho kết quả mong muốn. Đối tác bỏ cuộc.

Máy thu hoạch đay của ông Bùi Hữu Nghĩa có sải cắt rộng 1,95m, năng suất 0,6-1 ha/giờ với chỉ một người điều khiển (tương đương 25 lao động thủ công), tiêu hao 8 lít nhiên liệu.
Trong khi đó, ông Nghĩa âm thầm đến những hộ trồng đay giỏi ở Mộc Hóa, Thạnh Hóa nghiên cứu quá trình sinh trưởng của cây đay và nhu cầu của ND trong khâu thu hoạch đay. “Bà con yêu cầu máy phải cắt sát gốc để không thất thoát sản phẩm, phải xếp thành từng bó 30kg để dễ gom”- ông Nghĩa thông tin.

Cán bộ Sở Công Thương lại đến động viên ông chế tạo MTHĐ, đồng hỗ trợ 250 triệu đồng từ vốn Chương trình Khuyến công. “Tôi căn cứ chiều cao, mật độ, độ cứng của cây đay để nghiên cứu chế tạo từng bộ phận, chi tiết máy đồng bộ. Máy phải có khả năng tách luồng, chuyền sản phẩm ra phía sau để không ảnh hưởng tới diện tích chưa cắt” - ông Nghĩa cho biết.

Sau 6 tháng nghiên cứu, chế tạo, “đứa con” anh nuôi ước vọng 5 năm đã ra đời. Vợ ông dành một phần đất lúa để trồng đay cho ông thử máy. Để chắc, chắn, ông phối hợp với Phòng Nông nghiệp Thạnh Hóa đưa máy đến ruộng đay của ông Trần Văn Hỏi (ấp Thạnh Lợi, xã Thạnh Phước) thực hành. Ông Hỏi nhớ lại: “Suốt 5 tháng chăm sóc chờ ngày thu hoạch, chỉ sợ máy trục trặc phá nát ruộng đay. Thấy máy chạy ngon trớn, tôi mừng quá”.

Ngày 23.9.2012, Sở Công Thương tỉnh Long An tổ chức trình diễn và nghiệm thu MTHĐ của ông Nghĩa tại vùng nguyên liệu đay Thạnh Hóa. Sở chính thức công nhận MTHĐ mang thương hiệu “Cơ khí 9 Nghĩa” là sản phẩm cơ giới thu hoạch đay duy nhất hiện nay. Cuối năm 2012, ông Nghĩa đăng ký với Cục Sở hữu trí tuệ đối với “Giải pháp hữu ích MTHĐ”.

“Điều cốt lõi nhất là Nhà máy Bột giấy Phương Nam có thu mua hết sản phẩm với giá hợp lý, có lãi cho người trồng đay hay không. Giải quyết được khâu này, kế hoạch trồng 15.000ha đay của Long An mới khả thi” - ông Nghĩa tâm sự.

Theo danviet.vn