Miến dong sạch ngon nức tiếng của Thắng “gàn”
- Thứ bảy - 24/09/2016 04:53
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Có thất bại mới thành công
Xã Lực Hành vốn là “thủ phủ” của dong riềng xứ Tuyên. Hầu như hộ nào trong xã cũng trồng dong riềng. Hiện, toàn xã có gần 300ha dong riềng. Dẫn chúng tôi tham quan 1 vòng cơ sở sản xuất miến dong của gia đình, anh Thắng nói: “Cũng như bao người dân trong xã, từ thuở bé tôi đã làm quen với cây dong riềng. Tan mỗi buổi học là tôi cùng lên nương rẫy phụ bố mẹ. Sau đó lại cùng bố mẹ sơ chế củ làm bột dong. Cứ thế chúng tôi lớn lên cùng bao mùa hoa dong riềng đỏ trải dài khắp đồi núi miền quê nghèo”...
Anh Phạm Đình Thắng (phải) giới thiệu sản phẩm “Miến dong sạch Hợp Thành” với lãnh đạo Hội ND huyện, xã. Ảnh: T.H
Không chỉ trồng dong riềng, làm bột, sản xuất miến, anh Thắng còn trồng 1.000 cây bưởi Diễn và mở cửa hàng bán vật tư nông nghiệp phục vụ bà con trong vùng; giúp đỡ các hội viên nghèo bằng việc đầu tư phân bón trả chậm, chia sẻ kinh nghiệm làm ăn... Từ năm 2012 đến nay, anh Thắng đã giúp 12 hộ thoát nghèo”.
|
Lớn lên, anh Thắng theo nghề buôn bột dong của bố mẹ. Càng đi nhiều, anh Thắng càng thêm xót xa vì đời sống người dân quê mình còn quá nghèo khổ. Đến các tỉnh bạn thấy mọi người sản xuất miến dong từ chính cây dong riềng cho thu nhập cao hơn rất nhiều, anh nghĩ họ làm được thì tại sao mình không thể.
Nghĩ là làm, anh Thắng bèn vay mượn tiền mua máy chế biến miến dong. Làm bột dong thành thạo nhưng khi bắt tay sang làm miến dong thành phẩm anh Thắng gặp vô vàn khó khăn. Trong suốt 2 năm đầu, cơ sở sản xuất miến dong của anh Thắng toàn thua lỗ. Thắng bộc bạch: “Khó khăn nhất của mình là không có thầy, thợ chỉ việc. Mọi thứ đều phải tự mày mò. Làm miến dong vất vả ngày đêm, nhưng tiền chẳng thấy đâu, vợ tôi nản lắm, cứ đòi bỏ. Khuyên can tôi không được, cô ấy quay sang trách móc, rồi bảo tôi gàn. Nhưng tính tôi đã quyết cái gì thì làm đến cùng. Có thất bại mới có thành công”.
Liên kết làm miến dong sạch
Rút kinh nghiệm từ những lần thất bại, dần dần sợi miến dong thành phẩm do anh Thắng làm ra vừa đều, mềm, mịn, dai ngon được người tiêu dùng chấp nhận. Khi đã nắm được bí quyết làm miến dong, anh Thắng nghĩ ngay đến việc phải liên kết giữa các hộ trồng dong riềng với cơ sở sản xuất của mình. Năm 2011, Tổ hợp tác sản xuất miến dong thôn Đồng Vành với 7 thành viên do anh làm tổ trưởng ra đời. 2 năm sau đó, từ nền tảng Tổ hợp tác, anh thành lập HTX Thắng Lợi chuyên chế biến tinh bột dong riềng, miến dong và làm dịch vụ bao tiêu sản phẩm cho bà con trong xã. Ngay trong năm đầu, HTX đã thu lãi trên 300 triệu đồng. Có đà, anh Thắng tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất của HTX, tăng cường quảng bá sản phẩm cũng như xây dựng thương hiệu “Miến dong sạch Hợp Thành”.
Anh Thắng cho biết: “Sở dĩ là miến dong sạch là bởi HTX sản xuất theo quy trình khép kín. Theo đó, từ khâu trồng, chăm sóc, thu hoạch dong riềng, đến làm bột dong và sản xuất miến dong thành phẩm đều được HTX giám sát chặt chẽ, đảm bảo đúng quy trình kỹ thuật và đáp ứng các tiêu chí về vệ sinh an toàn thực phẩm. Hiện, sản phẩm “Miến dong sạch Hợp Thành” đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KHĐT) cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hóa; Sở Y tế xác nhận công bố phù hợp quy chuẩn an toàn thực phẩm.
Hiện, HTX Thắng Lợi do anh Thắng làm Giám đốc đã tiêu thụ cho các xã viên và các hộ dân địa phương hơn 1.000 tấn bột dong mỗi năm để làm ra hơn 70 tấn miến dong sạch. Từ năm 2014 đến nay, thu nhập bình quân của các thành viên trong HTX đạt gần 100 triệu đồng/người/năm. Riêng gia đình anh Thắng có mức lãi ròng khoảng 200 triệu đồng/năm. Ngoài ra, HTX còn tạo việc làm thường xuyên cho hàng chục lao động với mức thu nhập từ 4-6 triệu đồng/người/tháng.
Theo danviet.vn