Mỗi năm, sâm Ngọc Linh sẽ “đẻ” ra 2.000 tỷ đồng: Có thực tế không?
- Thứ sáu - 12/01/2018 03:21
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Ngày 12.1, ông Hồ Quang Bửu - Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam cho biết, Bộ Khoa học và công nghệ (Bộ KHCN) chính thức ban hành quyết định 3750 phê duyệt Đề án khung phát triển sản phẩm quốc gia sâm Việt Nam (sâm Ngọc Linh), thuộc Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2020.
Phát triển cây sâm xóa đói giảm nghèo.
Theo kế hoạch, mục tiêu phát triển bền vững sản phẩm hàng hóa từ Sâm Việt Nam (Sâm Ngọc Linh) - Panax vietnamensis Ha & Grushv. theo chuỗi giá trị trên cơ sở khai thác tiềm lực về khoa học công nghệ trong nghiên cứu sản xuất giống, dược liệu Sâm Việt Nam đạt tiêu chuẩn quốc gia (sau đây gọi là dược liệu Sâm Việt Nam) và sản phẩm chế biến từ Sâm Việt Nam có chất lượng cao ở quy mô công nghiệp chiếm lĩnh thị trường trong nước, hướng tới xuất khẩu.
Sâm Ngọc Linh ở huyện Nam Trà My, Quảng Nam được bày bán ở hội chợ
“Đề án, về kinh tế - xã hội xây dựng được hệ thống doanh nghiệp phát triển sản phẩm theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến thương mại các sản phẩm hàng hóa sâm Việt Nam có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước, khẳng định và nâng dần giá trị của sâm Việt Nam trên trường quốc tế, gia tăng giá trị tổng sản phẩm từ sâm Việt Nam đạt trung bình 30%/năm. Góp phần xóa đói, giảm nghèo, giải quyết công ăn việc làm và nâng cao đời sống của người dân tộc thiểu số, miền núi tại địa bàn trồng sâm Việt Nam tại 2 tỉnh Quảng Nam và Kon Tum. Hình thành và phát triển được vùng nguyên liệu và các sản phẩm từ sâm Việt Nam với quy mô tương đương 50 tấn dược liệu sâm Việt Nam/năm, hướng tới 500 tấn dược liệu sâm Việt Nam/năm vào năm 2030” - mục tiêu mà Bộ KHCN nêu rõ.
Vườn sâm Ngọc Linh ở huyện Nam Trà My mỗi năm "đẻ" tiền tỷ
Bộ KHCN còn nhấn mạnh về nhiệm vụ chủ yếu của đề án: nghiên cứu ứng dụng công nghệ để chọn lọc giống chất lượng cao và sản xuất giống ở quy mô công nghiệp; nghiên cứu xây dựng mô hình canh tác tập trung sâm Việt Nam đồng bộ, đảm bảo chất lượng và hiệu quả.
Một cây sâm Ngọc Linh có củ to hơn gói thuốc, giá trị hàng trăm triệu đồng
Ngoài ra, hoàn thiện quy trình công nghệ và đầu tư sản xuất giống sâm Việt Nam chất lượng cao đạt tổng quy mô 5 triệu cây giống/năm, trong đó quy mô mỗi dự án sản xuất không dưới 1 triệu cây giống/năm. Hoàn thiện quy trình công nghệ và đầu tư sản xuất tập trung dược liệu sâm Việt Nam đạt tổng sản lượng 50 tấn/năm, trong đó quy mô mỗi dự án sản xuất đạt sản lượng không dưới 5 tấn/năm. Hoàn thiện quy trình công nghệ và đầu tư sản xuất sản phẩm chất lượng cao từ sâm Việt Nam đạt tổng quy mô giá trị tương đương với 2.000 tỷ đồng/năm, trong đó quy mô mỗi dự án sản xuất sản phẩm từ sâm Việt Nam không dưới 100 tỷ đồng/năm.
Hỗ trợ tối thiểu 10 doanh nghiệp đầu tư sản xuất, thương mại sản phẩm từ sâm Việt Nam theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến thương mại các sản phẩm hàng hóa sâm Việt Nam đạt trình độ khu vực và quốc tế, có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước. Thực thi đồng bộ các giải pháp hỗ trợ phát triển thị trường và thương mại hóa sản phẩm.
Đưa Ngọc Linh ra thế giới
Theo đề án, sản phẩm dự kiến, về quy trình công nghệ phải có quy trình công nghệ và thiết bị phù hợp nhằm: sản xuất giống sâm Việt Nam chất lượng cao, đạt quy mô tối thiểu 1 triệu cây giống/năm; sản xuất tập trung dược liệu sâm Việt Nam đồng bộ từ khâu trồng, chăm sóc, bảo vệ thực vật, thu hoạch đến sơ chế biến, bảo quản với quy mô tối thiểu đạt sản lượng 5 tấn dược liệu sâm Việt Nam/năm; sản xuất sản phẩm từ sâm Việt Nam, trong đó có tối thiểu 10 sản phẩm có doanh thu không dưới 100 tỷ đồng/sản phẩm/năm.
Sản phẩm từ sâm Ngọc Linh
Để khẳng định thương hiệu của sâm Ngọc Linh, Bộ KHCN còn nêu rõ, cần công bố được ít nhất 50 bài báo liên quan đến sâm Việt Nam trên các tạp chí chuyên ngành, trong đó có tối thiểu 20 bài báo được công bố trong các tạp chí chuyên ngành quốc tế. Đào tạo được ít nhất 5 tiến sĩ, 10 thạc sĩ có khả năng nghiên cứu chuyên sâu về sâm Việt Nam và 50 cán bộ kỹ thuật trình độ cao, 200 người dân địa phương làm chủ được công nghệ sản xuất giống, dược liệu và các sản phẩm từ Sâm Việt Nam…
Theo đề án, năm 2020 sẽ thu 2.000 tỷ đồng từ sâm Ngọc Linh. Trong ảnh: Một doanh nghiệp bên sản phẩm sâm Ngọc Linh
Ông Hồ Quang Bửu vui mừng khi Đề án phát triển sản phẩm quốc gia sâm Ngọc Linh được thông qua, theo ông Bửu đến năm 2020 vớt mức tổng doanh thu 2.000 tỷ/năm từ sản phẩm sâm Ngọc Linh là có khả thi, vì hiện tại mỗi năm trên địa bàn Quảng Nam nói về sản phẩm sâm Ngọc Linh đã đạt tổng doanh thu khoảng 500 tỷ đồng/năm./.
Theo tài liệu cung cấp, sâm Ngọc Linh là loài thân thảo, có tên khoa học là Panax vietnamensis Haet Grushv. thuộc họ Nhân sâm (Araliaceae). Ngoài ra, còn có một số tên gọi khác là sâm Việt Nam, sâm Khu Năm (sâm K5), sâm trúc (sâm đốt trúc, trúc tiết nhân sâm), củ ngải rọm con hay cây thuốc dấu của đồng bào dân tộc sống xung quanh chân núi Ngọc Linh. Có thể nói rằng cả Thế giới chỉ có nước Việt Nam, cả nước chỉ có 2 tỉnh Kon Tum và Quảng Nam và tại 2 tỉnh cũng chỉ có 5 huyện, với 16 xã thuộc huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum và huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam là có sâm Ngọc Linh. Đỉnh Ngọc Linh cao 2.598m được xem như nóc nhà của Tây Nguyên, có rừng nguyên sinh cùng với sự phong phú của hệ động, thực vật với các điều kiện tự nhiên đặc biệt phù hợp cho sự sinh trưởng và phát triển của cây sâm Ngọc Linh. Hơn 30 năm qua, các nhà khoa học trong và ngoài nước đã chứng minh sâm Ngọc Linh là loại sâm quý hiếm và tốt nhất Thế giới hiện nay, bên cạnh sâm Triều Tiên, sâm Trung Quốc và sâm Mỹ. Sâm Ngọc Linh có tác dụng như loại thuốc tăng lực, chống lão hóa, hồi dương, tăng cường sức đề kháng, chống độc tố, kích thích điều hòa cơ chế miễn dịch của cơ thể và hỗ trợ phòng bệnh ung thư,... Đặc biệt, sâm Ngọc Linh có những tính năng mà sâm một số nước khác không có là tính kháng khuẩn, chống trầm cảm, hiệp lực tốt với thuốc kháng sinh, thuốc điều trị bệnh tiểu đường,... Tháng 9.2015, Chính phủ phê duyệt đề án quốc gia về phát triển sâm Ngọc Linh đến năm 2030 với mục tiêu mở rộng vùng trồng sâm ra 7 xã của huyện Nam Trà My (Quảng Nam) với tổng diện tích 30.000ha, mức đầu tư trên 9.000 tỷ đồng. Trong đó vốn ngân sách khoảng 1.500 tỷ, còn lại huy động vốn xã hội hóa./. |