Một số bệnh thường gặp ở gia cầm trong mùa mưa bão và cách phòng trị (phần 1)

Một số bệnh thường gặp ở gia cầm trong mùa mưa bão và cách phòng trị (phần 1)
Trong mùa mưa bão, mưa to, gió lớn ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe gia cầm; đồng thời khi mưa to, có thể gây ngập úng cục bộ hoặc lụt trên diện rộng, tạo cơ hội phát tán mầm bệnh, là điều kiện thuận lợi để phát sinh dịch bệnh trên đàn gia cầm.

 

Vì vậy, chúng ta cần lưu ý một số bệnh thường xảy ra như sau:

1. Bệnh cúm gia cầm

Do vi rút Influenza A gây nên bệnh truyền nhiễm cấp tính, rất nguy hiểm, lây lan nhanh, mạnh, xảy ra ở tất cả các loại gia cầm; gà, vịt, ngan, ngỗng, chim ở mọi lứa tuổi. Bệnh lây sang người.

1.1. Triệu chứng lâm sàng

Bệnh cúm gia cầm có thời gian ủ bệnh từ 3 - 7 ngày.

Gà mắc bệnh cúm gia cầm, xuất huyết mí mắt, mặt, đầu tím

- Các triệu chứng về hô hấp thường biểu hiện ho khẹc, hắt hơi, thở khò khè, vảy mỏ, chảy nhiều nước mũi, nước mắt.

- Mi mắt bị viêm, mặt phù nề, sưng mọng, đầu sưng, mào tích dày lên do thuỷ thũng, tím tái, có nhiều điểm xuất huyết, da chân có xuất huyết.

- Có biểu hiện thần kinh, mệt mỏi, nằm ủ rũ, tiêu chảy mạnh, phân loãng trắng hoặc vàng, xanh.

 

Gà mắc bệnh cúm gia cầm, da chân xuất huyết

 

1.2. Bệnh tích

 - Xung huyết, xuất huyết, tiết nhiều dịch rỉ viêm và hoại tử các cơ quan và cơ; mào, tích s­ưng to tím sẫm, phù mí mắt; phù keo nhày và xuất huyết dưới da đầu; xuất huyết điểm ở miệng; khí quản phù, chứa nhiều dịch nhầy.

- Tăng sinh túi khí, viêm màng bao tim, màng gan, màng ruột; lách, gan, thận, sưng to, hoại tử; xuất huyết mỡ vành tim; ruột viêm cata và xuất huyết; gà mái đẻ viêm ống dẫn trứng, vỡ trứng non.

- Da chân xuất huyết; chảy máu lỗ chân lông, máu không đông hoặc khó đông; nếu gà chết quá cấp tính, các bệnh tích th­ường không điển hình.

1.3. Phòng và chống bệnh cúm gia cầm

Chỉ chọn mua gia cầm ở những cơ sở giống tốt, đảm bảo không có bệnh.

Không nhốt chung gia cầm mới mua về với gia cầm khoẻ đang nuôi, cần cách ly nuôi riêng trong vòng 21 ngày.

Vệ sinh tiêu độc khử trùng chuồng trại thường xuyên.

Đảm bảo chuồng trại, dụng cụ chăn nuôi luôn luôn sạch và khô ráo.

Thức ăn, nước uống sạch sẽ.

Hạn chế người ra vào khu vực chăn nuôi.

Có biện pháp ngăn ngừa, không nuôi chung nhiều loại gia cầm hoặc gia cầm nhiều lứa tuổi trong cùng khu vực hoặc tiếp xúc với bồ câu, chim trời…

Thường xuyên thải loại những gia cầm ốm, yếu ra khỏi đàn.

Thường xuyên sát trùng chuồng gia cầm và khu vực thả gia cầm

Tiêm vắcxin phòng bệnh theo hướng dẫn của cơ quan thú y.

Khi có dịch bệnh xảy ra:

Báo ngay cho cán bộ thú y cơ sở khi thấy gia cầm ốm, chết bất thường.   Không bán chạy, phát tán gia cầm ốm, chết, gia cầm khỏe cùng trong đàn, chất thải ra môi trường.

Bao vây ổ dịch, tiêu huỷ toàn bộ gia cầm chết, mắc bệnh và gia cầm khác trong đàn, và các chất thải bằng cách đốt hoặc đào hố chôn sâu với chất sát trùng hoặc vôi bột theo quy định của thú y.

Vệ sinh, tiêu độc ổ dịch theo hướng dẫn của cán bộ thú y.

2. Bệnh Niu-cat-xơn

Bệnh Niu-cat-xơn (Newcastle) còn được gọi là bệnh “dịch tả gà”, gà rù, bệnh gây ra do siêu vi trùng (vi rút). Bệnh xảy ra ở gà mọi lứa tuổi, đôi khi trên bồ câu.

2.1. Nguyên nhân

Do vi rút gây bệnh, thời gian nung bệnh từ 3-6 ngày.

2.2. Lây truyền

Bệnh Niu-cat-xơn rất dễ lây nhiễm qua đường hô hấp và tiếp xúc giữa gà bệnh và gà khoẻ; do dụng cụ, thiết bị, con người, phương tiện đi lại, môi trường nhiễm mầm bệnh.

2.3. Triệu chứng lâm sàng

Có 4 dạng bệnh tuỳ theo độc lực của chủng vi rút gây bệnh.

a) Dạng bệnh do chủng độc lực mạnh

Bệnh xuất hiện đột ngột và lây mạnh, chết nhanh trong vòng 3- 4 ngày, có thể không biểu hiện rõ triệu chứng. Hoặc gà có triệu chứng thở, ho, lờ đờ, mào tái, phân lỏng trắng, đẻ giảm, trứng non nhiều. Tỷ lệ chết tới 90%.

b) Dạng bệnh do chủng độc lực trung bình

Bệnh lây mạnh, chết kéo dài, biểu hiện triệu chứng, bệnh tích rõ.

- Gà lù  rù, mào tái, uống nhiều nước, thở khó, thường kêu “toác”, nhiều dãi nhớt, phân loãng trắng hơi xanh hoặc hơi vàng.

- Bệnh kéo dài từ 7-12 ngày, xuất hiện triệu chứng thần kinh.

- Tỷ lệ đẻ giảm, trứng non nhiều, tỷ lệ chết từ 10 - 40%.

c) Dạng bệnh do chủng độc lực yếu:

Chủ yếu là gà con, gà dò, phân loãng, nhiều cặn màu trắng.

d) Dạng mang trùng (có hoặc triệu chứng không rõ)

Gà hơi mệt mỏi, kém ăn, không chết nhưng nguy hiểm là tàng trữ mầm bệnh làm lây nhiễm cho gà khoẻ.

 Gà mắc bệnh Niucatxơn, triệu chứng thần kinh, dạ dày tuyến xuất huyết

2.4. Bệnh tích

Nhìn chung bệnh do chủng vi rút độc lực cao và trung bình gây ra. Bệnh tích: xuất huyết đường tiêu hoá và có nhiều điểm loét ở miệng, họng, thực quản: đặc biệt dạ dày tuyến có từng đám tụ huyết, xuất huyết đỏ ở ruột non, ruột già, hậu môn xuất huyết rõ, khí quản chứa nhiều dịch nhày.

Niêm mạc mũi, khí quản viêm cata có dịch nhầy, có nhiều bọt khí ở túi khí. Màng não bị xuất huyết đỏ như đầu đinh ghim.

2.5. Khắc phục và phòng bệnh

Không có thuốc đặc hiệu điều trị bệnh Niu-cat-xơn.

a) Khắc phục

- Tiêm kháng huyết thanh cho toàn đàn hoặc tiêm vắc xin Niu-cat-xơn cho gà trên 2 tháng tuổi, nhỏ vắc xin Lasota cho gà dưới 2 tháng tuổi.

- Dùng thuốc bồi dưỡng tăng cường sức đề kháng như B-complex, Vitamin C, Vitamin tổng hợp, men tiêu hóa, chất điện giải... liều theo hướng dẫn sử dụng của hãng thuốc.

b) Phòng bệnh

Vệ sinh thú y phòng bệnh

Sử dụng vắc xin phòng bệnh cho gà: Nhỏ vắc xin Lasota lần 1 cho gà 5-7 ngày tuổi, sau 2 tuần nhỏ lần 2; Tiêm vắc xin cho gà lúc 38-40 ngày tuổi; nếu nuôi gà sinh sản thì tiêm nhắc lại trước khi gà vào đẻ.

3. Bệnh E. coli

3.1. Nguyên nhân

Bệnh E. coli  do vi khuẩn Escherichia coli (E. coli) gây ra. Bệnh xảy ra ở các loài gia cầm, mọi lứa tuổi.

3.2. Phương thức truyền lây

Gia cầm bị nhiễm bệnh do vệ sinh môi trường hoặc thức ăn, nước uống không đảm bảo vệ sinh, do đường hô hấp hoặc đường ruột bị tổn thương, do tiếp xúc giữa các gia cầm bị bệnh, do điều kiện bất lợi ảnh hưởng đến sức khỏe của gà.

3.3. Triệu chứng, bệnh tích

a) Thể viêm túi lòng đỏ và viêm rốn

Gia cầm con bị ỉa chảy, nặng bụng, gà tụ thành từng đám. Mổ khám thấy viêm túi lòng đỏ, lòng đỏ không tiêu, chuyển màu. Viêm xoang phúc mạc, viêm ruột.

b) Thể bại huyết (dung huyết)

Bệnh xảy ra đột ngột, đầu tiên gia cầm giảm ăn, mệt mỏi, lông xơ xác, ít vận động, tiêu chảy, đôi khi lẫn máu, có thể có triệu chứng hô hấp và vận động. Ở gia cầm mái thường giảm đẻ. Tỉ lệ chết ở gia cầm con có thể 50%. Bệnh tích thường thấy là: viêm ruột, gan sưng to, xung huyết cơ, viêm xoang phúc mạc, xoang bao tim.

c) Thể viêm túi khí

Thường kế phát sau các bệnh đường hô hấp, tụ huyết trùng, viêm phế quản truyền nhiễm. Túi khí viêm dầy, phủ fibrin như bã đậu, có thể viêm lan sang màng, gan, tim, xoang phúc mạc.

d) Thể viêm ruột

Thường kết hợp hoặc kế phát sau các bệnh cầu trùng viêm ruột hoại tử, kí sinh trùng hoặc bệnh Gumboro. Gia cầm tiêu chảy nặng, phân có dịch nhày, lẫn máu hoặc phân xanh.

3.4. Điều trị và phòng bệnh

a) Điều trị

Dùng một trong các loại thuốc kháng sinh sau: Oxytetracyclin, Doxycyclin, Genta – costrim, Octamix, Colistin... liều theo hướng dẫn sử dụng của hãng thuốc. Kết hợp bổ sung vitamin, men tiêu hóa, thuốc trợ sức, trợ lực cho gia cầm. Tăng cường chăm sóc nuôi dưỡng, cải thiện môi trường chăn nuôi, vệ sinh, phun khử trùng trong và ngoài chuồng nuôi.  

b). Phòng bệnh

Vệ sinh chuồng trại, phun khử trùng trong, ngoài chuồng nuôi định kì 1-2 tuần 1 lần.

Vệ sinh nhà ấp và trứng ấp. Đảm bảo vệ sinh thức ăn và nước uống, nuôi đúng kỹ thuật.

Theo Nguyễn Thị Liên Hương/khuyennongvn.gov.vn