Một số giải pháp phòng chống hạn và mặn khu vực Đồng bằng sông Cửu Long
- Thứ năm - 02/05/2013 03:26
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Hiện nay, khu vực ĐBSCL đang bị hạn và mặn xâm nhập sâu vào nội địa do các nguyên nhân chính sau đây:
1. Nhiệt độ
Nền nhiệt độ trên toàn khu vực Nam Bộ ở mức cao hơn trung bình nhiều năm (TBNN) từ 0,5 – 1,2oC, có nơi lớn hơn 1,6oC; nắng nóng xuất hiện sớm với nhiệt độ cao nhất ngày đạt 35-36°C. Làm cường độ bốc thoát nước rất mạnh xấp xỉ 5mm/ngày.
2. Tình hình mưa
Mùa mưa năm 2012 ở Nam Bộ kết thúc sớm hơn TBNN (khoảng cuối tháng 10), có những nơi ở Nam Bộ thời gian không có mưa kéo dài đặc biệt ở các tỉnh ven biển, do vậy tình trạng khô hạn và thiếu nước đang diễn ra ngày càng gay gắt.
Từ tháng 1 đến tháng 4 năm 2013 cũng xảy ra một số đợt mưa trái mùa, tuy nhiên diện mưa không rộng, lượng mưa ít và không đồng đều, do vậy vẫn không cải thiện được tình trạng khô hạn diễn ra trong nhiều tháng qua tại Nam Bộ.
3. Tình hình thủy văn và xâm nhập mặn
Trong mùa lũ, dòng chảy thượng nguồn sông Mê Công luôn thiếu hụt so với TBNN cùng kỳ từ 10 – 40%. Đỉnh lũ tại các trạm thượng nguồn sông Mê Công thấp hơn đỉnh lũ TBNN từ 0,5 – 1,5m.
Từ đầu năm 2013 tới nay, dòng chảy ở hạ lưu sông Mê Công luôn thấp hơn từ 10 – 20%. Mực nước đầu nguồn sông Cửu Long chịu ảnh hưởng của thủy triều, mực nước cao nhất tháng trên sông Tiền, sông Hậu tại Tân Châu và Châu Đốc luôn cao hơn mực nước TBNN cùng kỳ từ 0,1 – 0,4m; mực nước thấp nhất tháng đều thấp hơn mực nước TBNN cùng kỳ từ 0,05 – 0,20m.
Tình trạng khô hạn đã xảy ra ở nhiều vùng thuộc Đồng bằng sông Cửu Long. Xâm nhập mặn sâu vào nội đồng đã xuất hiện sớm hơn khoảng 1 tháng so với TBNN. Hiện nay, độ mặn 4‰ đã xâm nhập sâu vào nội đồng từ 40-50km; một số nơi thuộc các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng xâm nhập mặn tới 50 – 60km.
Đứng trước tình hình trên, xin đề xuất một số giải pháp phòng chống hạn và mặn cho cây trồng khu vực ĐBSCL như sau:
1. Quản lý các đập ngăn mặn có hiệu quả, nếu cần thiết cần có chương trình xây dựng các đập tạm ngăn mặn (tăng cường thêm) để bảo vệ cây trồng đầu vụ Hè Thu 2013.
2. Tuyên truyền vận động nông dân trữ nước ngọt trong ao đầm để sử dụng khi cần thiết. Ngành nông nghiệp có kế hoạch và vận động nông dân khơi thông luồng lạch, nạo vét kênh mương, tu sửa hệ thống thủy lợi nội đồng để có thể bơm chuyền các cấp, dẫn nước ngọt tưới cho đồng ruộng.
3. Chuyển đổi một số diện tích lúa (cần nhiều nước) sang cây trồng cạn (cần ít nước) như bắp lai, mè (vừng), đậu nành, dưa hấu, các loại rau.
4. Thời vụ: Vận động nông dân chỉ xuống giống lúa khi chủ động được nước, chấp hành triệt để lịch thời vụ của từng địa phương (theo thủy văn và né rầy). Vùng bị mặn xâm nhập (vùng ven biển) phải chờ có mưa đều, đẩy lui mặn mới tiến hành gieo (thời vụ từ trung tuần tháng 5 đến ngày 10/6). Vùng không bị mặn, chủ động được nước, gieo trong tháng 4 và tháng 5.
5. Giống lúa:
Theo khuyến cáo của Cục Trồng trọt và Viện lúa ĐBSCL, vụ Hè Thu 2013 nên sử dụng các giống lúa chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, ưu tiên sử dụng giống lúa ngắn ngày, cứng cây, chịu phèn, cho năng suất cao, phù hợp với từng vùng sinh thái địa phương, có thể tham khảo các giống lúa sau:
- Giống chủ lực, chịu phèn mặn: OM6976, OM7347, OM4900, OM6162, OM2395, OM5981, OM6529, OM6904, OM576, MTL480, VND95-20, Nàng Hoa 9.
- Giống bổ sung: Jasmine 85, ST5, Nếp OM85, OM2517, OM5472, OM5451, OM4218, OM3536, VD20.
- Giống lúa triển vọng có thể thay thế IR50404 là giống lúa OM10418: thời gian sinh trưởng ngắn (88-90 ngày), kháng đạo ôn, hơi nhiễm rầy nâu, năng suất cao, chất lượng gạo tốt (hạt gạo dài, thon, ít bạc bụng).
6. Các biện pháp canh tác:
- Nên cày ải, phơi đất để cắt đứt mao quản phèn, cắt đứt vòng đời một số sâu bệnh, tăng cường khoáng hóa chất hữu cơ (làm giảm hiện tượng ngộ độc hữu cơ).
- Nên có thời gian giãn cách giữa 2 vụ là 21 ngày, để đất được phục hồi.
- Nếu sạ sớm hơn, đề phòng rơm rạ chưa hoai mục cây lúa sẽ bị ngộ độc hữu cơ. Trong trường hợp này nên bón 300-500kg vôi cho 1 ha và sử dụng chế phầm Trichoderma (phun xịt vào ruộng trước khi cày vùi rơm rạ) cho mau ngấu rạ.
- Khuyến cáo nên bón lót phân lân: Liều lượng từ 200-400kg/ha (tùy đất phèn ít hay nhiều) giúp hạ độc phèn, hạn chế bộ rễ bị phèn tấn công.
- Bón phân đợt 1 sớm từ 7-10 ngày sau sạ: bón 30-40% N (60-80kg urê) + 30-50kg DAP/ha.
- Có thể bón thêm phân hữu cơ (bón lót hay đợt 1) kết hợp phun phân bón lá giúp cây lúa vượt qua giai đoạn khủng hoảng ban đầu, rễ phát triển mạnh, đẻ nhánh sớm sẽ tạo tiền đề cho năng suất cao về sau.
- Bón phân đợt 2 từ 18-22 ngày sau sạ: Lượng bón tùy vào tình trạng của ruộng lúa:
+ Lúa trung bình: bón 50kg urê + 50kg DAP/ha;
+ Lúa tốt: giảm lượng phân 10-20% (gia giảm theo thực tế đồng ruộng)
+ Lúa xấu: tăng lượng phân 10-20%
Giai đoạn từ 20-40 ngày, có thể sử dụng phân bón lá để sửa ruộng cho đều bằng cách phun phân bón lá vào các chỏm lúa xấu (phun vá áo).
- Bón phân đợt 3: theo kỹ thuật “không ngày không số”. Khi ruộng có ít nhất 2/3 chuyển sang màu vàng tranh, bóc ra thấy tim đèn ló ra 2-3mm đó là ngày bón phân:
- Chỗ lúa vàng tranh: bón 50kg urê + 50kg KCl/ha
- Chỗ lúa xanh vàng (xanh lợt): bón 25kg urê + 50 kg KCl/ha
-Chỗ lúa xanh đậm (lúa tốt, chỗ trũng): bón 50kg KCl/ha (không bón urê)
- Bón phân rước hạt: Khi lúa cong trái me (72-75 ngày sau sạ) nếu 3 lá trên cùng hơi bị vàng, có thể bón bổ sung 20kg urê/ha sẽ làm hạt chắc, mẩy, giảm lép. Nếu 3 lá trên cùng còn xanh, có thể sử dụng phân bón lá giàu Kali (HK7-5-44 hoặc K-Humate) để phun xịt cũng mang lại hiệu quả tốt.
Trung tâm Khuyến nông Quốc gia