Mua bán nông sản dị thường: Địa phương phải kiểm soát

Hiện tại các quy định về mặt luật pháp đã khá đầy đủ, chỉ có điều là việc phát hiện, kiểm tra kiểm soát thế nào. Ở đây quan trọng nhất phải là vai trò của địa phương và chính quyền cơ sở.
Ông Võ Văn Quyền, vụ trưởng vụ Thị trường trong nước (bộ Công thương) cho biết: bộ Công thương đã có công văn 1910 yêu cầu cơ quan chức năng tại các tỉnh, thàn h phố báo cáo UBND tỉnh, thành phố về hoạt động thu gom nông sản của thương nhân nước ngoài, kể cả những loại khác lạ, đồng thời nêu rõ những vướng mắc, khó khăn…

Các địa phương cần phổ biến, đẩy mạnh tuyên truyền các quy định của pháp luật liên quan đến hoạt động mua bán hàng hoá của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam để người dân hiểu. Trên thực tế, sau khi có quy định này thì việc phát hiện các vụ việc như vậy nhanh hơn và xử lý kịp thời hơn.


Tỉnh Kiên Giang yêu cầu các cơ quan chức năng tìm hiểu và trả lời những câu hỏi về đặc tính, giá trị kinh tế của con banh lông.

Vì sao thực tế vẫn có những vụ việc tương tự diễn ra, ví dụ chuyện thương lái Trung Quốc mua con banh lông tại Cà Mau, Kiên Giang vừa qua?

- Sau khi có thông tin chúng tôi đã yêu cầu các địa phương liên quan như Cà Mau, Kiên Giang xác minh và theo thông tin ban đầu ở các tỉnh này thì quy mô mua bán không lớn. Những thương lái thu mua của bà con lại là các thương lái người Việt và đang cần điều tra để biết những con banh lông đó được các thương lái người Việt bán lại cho ai, chuyển đi đâu. Chính quyền địa phương đã vào cuộc và hiện tượng này đang giảm.

Vậy hiện tượng này vẫn diễn ra do các quy định thiếu chặt chẽ hay thực thi các quy định không nghiêm túc?

- Việc thương lái người Trung Quốc sang thu gom một số loại nông sản dị thường ở Việt Nam được quản lý bởi các quy định về hoạt động của thương nhân nước ngoài. Theo đó, thương nhân nước ngoài không được phép trực tiếp thu gom nông sản từ nông dân mà phải thông qua cơ quan đại diện là thương nhân Việt Nam.

Chúng ta nhìn câu chuyện này từ hai vấn đề, trước hết mặt hàng đó có bị cấm buôn bán không và những thương nhân đó có được phép mua bán hay không. Chúng ta làm thế nào đó để bà con tiêu thụ được tốt nông sản nhưng phải đúng luật. Bà con không tiêu thụ được nông sản cũng chết.

Theo ông, vai trò của cơ quan nào là quan trọng nhất để kiểm tra kiểm soát các việc này?

- Tôi cho rằng hiện tại các quy định về mặt luật pháp đã khá đầy đủ, chỉ có điều là việc phát hiện, kiểm tra kiểm soát thế nào. Bộ Công thương liên tục có các văn bản nhắc nhở các địa phương tăng cường phát hiện, kiểm tra các vụ việc mua bán những nông sản dị thường. Ở đây quan trọng nhất phải là vai trò của địa phương và chính quyền cơ sở.

Ví dụ như gần đây có việc mua bán ngọn lá khoai ở Vĩnh Long với số lượng lớn, chính quyền cơ sở phát hiện ra và báo cáo lên, các cơ quan chức năng vào cuộc kiểm tra yêu cầu xuất trình chứng minh thư và hợp đồng mua bán. Như vậy, chính quyền địa phương phải nắm được thông tin trên địa bàn đã rồi báo cáo để các cơ quan chức năng phối hợp xử lý.

Bà con nông dân cứ thấy lợi là bán, cũng như thị trường có cầu sẽ có cung. Vậy làm cách nào để bà con tránh được không rơi vào các bẫy này?

- Như tôi đã nói, quan điểm chính là bà con vẫn tiêu thụ được nông sản nhưng phải đúng luật. Để ngăn chặn việc mua bán các nông sản dị thường và bà con tránh được thì chỉ có cách tuyên truyền để họ hiểu và sự vào cuộc kiểm tra kiểm soát của chính quyền địa phương. Thực tế tôi thấy việc phát hiện, kiểm tra các việc tương tự như vậy đang ngày càng tốt lên.
Theo danviet.vn