Mùa tôm cay đắng ở ĐBSCL

Mùa tôm cay đắng ở ĐBSCL
Hơn 10 năm rộn ràng chuyển đất trồng lúa sang nuôi tôm, nhiều nông dân ĐBSCL trở thành tỷ phú. Và nay, một mùa tôm cay đắng bậc nhất diễn ra, đưa nhiều tỷ phú trở lại tay trắng.
 

Bài 1: Khắp nơi tôm chết

 

Tôm nuôi chết đỏ
Tôm nuôi chết đỏ .

 

Đỏ vuông

HTX nuôi tôm công nghiệp Tân Long, xã Tân Duyệt (Đầm Dơi, Cà Mau) có 84 xã viên nuôi tôm hơn 80 ha, tại xã Tân Duyệt và các xã lân cận. Chủ nhiệm Lâm Văn Khiếm ngao ngán kể: “Từ đầu năm 2012 đến nay, diện tích thả giống chết đến 90%, bà con trắng tay, không thả nuôi được nữa”.

Ông Khiếm dẫn khách qua trụ sở HTX mới xây dựng, bàn ghế kê đầy: “Ban chủ nhiệm bỏ tiền ra xây để bà con góp vô. Tôm chết, bà con xù luôn, thành ra được một căn nhà hoang với nợ đầm đìa”.

 

Các chuyên gia đưa ra ba nguyên nhân: Môi trường ô nhiễm nặng, chất lượng tôm giống kém và ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Chủ tịch Hiệp hội nuôi trồng thủy sản Cà Mau Trần Văn Của đặt câu hỏi: “Nhưng tại sao cùng một nơi nuôi, mua giống ở một cơ sở mà có ao chết sạch, có ao thu hoạch được?”. Ông Nguyễn Văn Khởi, PGĐ Sở NN- PTNT Sóc Trăng: “Nuôi tôm là ô nhiễm nhưng làm cách nào để thiểu ô nhiễm?”.

Vùng tôm công nghiệp Phú Tân (Đầm Dơi) vài năm trước, rộn ràng tiếng máy nổ, quạt nước, bơm khí cho tôm. Nay giữa vụ nuôi tôm mà im re. Ông Trần Văn Thương, một người còn nuôi tôm, cho hay: “Không còn ai dám nuôi tôm vì tôm chết nhiều quá rồi. Tôi với 9 người cùng bắt tôm giống ở Ninh Thuận về thả, chỉ một mình tôi thu hoạch huề vốn, những người còn lại tôm chết sạch”.

 

Sang huyện Cái Nước, ông Nguyễn Văn Sáng ở ấp Kinh Lách, xã Đông Hưng nói: “Nuôi tôm trúng được vài năm đầu. Càng về sau, thả tôm giống thu không đủ vốn. Nuôi tôm kiểu cầu trời thương, không ngóc đầu lên nổi”.

Căn nhà tường 3 gian của vợ chồng ông Sáng xây dựng từ thời trồng lúa, nuôi cá đồng đến nay tróc vôi, tường lở loét, xập xệ không có tiền tu bổ.

Bà Nguyễn Thị Bé, vợ ông Sáng nói: “Nuôi tôm, ngày có ngày không, thu vài chục ngàn đồng xài hết, chưa trả nợ ngân hàng. Nợ cứ đẻ mà tiền chưa bao giờ đủ để trả nợ”.

Tại TP Cà Mau, ông Nguyễn Văn Tâm ở xã Hòa Thành, ngồi trên bờ nhìn chiếc xáng nạo vét dưới sông, giọng buồn thiu: “Nuôi tôm quảng canh có ăn chút đỉnh. Tôi ham nuôi tôm công nghiệp, gom vốn liếng đào 2 ao, thả giống đều chết hết, lỗ vốn nhà, thêm nợ hơn 70 triệu đồng. Ham làm giàu mà bị vợ cằn nhằn chuyện tôm tép cứ như ham chơi bời, tôi đang muốn bỏ xứ theo ghe xuồng đi làm mướn cho rồi”.

Nông dân Cà Mau “đồng khởi phá đập, dẫn nước mặn nuôi tôm sú” đã hơn chục năm, tạo ra những cánh đồng nuôi tôm rộng trên 270.000 ha. Nay vùng đất mênh mông chủ yếu hoang vắng, sau những ngày “tôm chết đỏ vuông” như lời bà con.

Tất cả đang nhuốm màu lo âu, nuối tiếc ruộng lúa, vườn cây… ngày xưa. Nên chủ trương của tỉnh Cà Mau mở rộng vùng nuôi tôm công nghiệp lên 4.500- 5.000 ha trong năm 2012, đang trở nên xa vời.

Tỷ phú thở dài

Trang trại nuôi tôm sú sạch của “vua tôm” Võ Hồng Ngoãn ở xã Vĩnh Trạch Đông (TP Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu), nhiều năm luôn thắng lợi thì nay cũng có nhiều ao phải “treo”. Ông Ngoãn nói: “Năm nay tệ quá, dịch bệnh hoành hành, chưa biết lúc nào có thể thả giống lại được”.

 

Ao nuôi tôm công nghiệp “treo”. Ảnh: Nguyễn Tiến Hưng
Ao nuôi tôm công nghiệp “treo”. Ảnh: Nguyễn Tiến Hưng.

 

Tại trang trại nuôi tôm thẻ chân trắng Cty TNHH Huy Long An ở xã Vĩnh Thịnh (Hòa Bình, Bạc Liêu) có 58 ha ao nuôi, chỉ còn 9 ao thả giống. Chủ trang trại Võ Văn Huy lắc đầu: “Nhiều đợt tôm chết hàng loạt nên tạm dừng. Bệnh cũ, bệnh mới cũng vậy, hễ bị bệnh là chỉ có trời cứu”.

Ở góc sân khu nhà Công tử Bạc Liêu có một bàn cà phê của những “tỷ phú” tôm. Ông Triệu Nghĩ ở xã Vĩnh Trạch (TP Bạc Liêu) có 11 năm, từ 2000 đến 2010, nuôi tôm bất bại, thuê đất đào đến 140 ao, mỗi năm thu nhiều tỷ đồng.

Cuối năm 2011, ông Nghĩ thất tôm lỗ hơn 5 tỷ đồng, đành phải dừng lại. Hiện còn khoảng 18 ao thả giống mà sống được ngày nào mừng 
ngày đó.

Ông Trần Văn Chính quê Quảng Trị, vào Bạc Liêu nuôi tôm từ năm 2005, vừa thả 2 ao tôm giống trong số 6 ao nuôi tôm công nghiệp với gần 4 ha đất: “Tôi thuê đất, nuôi 17 ao tôm ở xã Vĩnh Trạch (TP Bạc Liêu) đã chết sạch từ cuối năm 2011 đến nay. Vừa hết hợp đồng thuê đất nên chạy về đây thuê tiếp để nuôi tôm. Chỉ dám thả 2 ao để theo dõi, chưa thấy biểu hiện bất thường nhưng nuôi tôm bây giờ được ngày nào hay ngày đó thôi”.

Chưa rõ nguyên nhân

Ông Trần Văn Của, Chủ tịch Hội Thủy sản Cà Mau nói: “Nuôi tôm quảng canh, kiểm soát không sát, tôm chết khó biết. Nhưng nuôi tôm công nghiệp và bán công nghiệp đầu tư lớn, kiểm soát chặt chẽ, mà đã có 1.550 ha thả tôm giống bị chết hơn 60%, từ đầu năm đến nay. Dịch bệnh chưa rõ nguyên nhân”.

Ở tỉnh Bạc Liêu, theo Sở NN- PTNT, từ đầu năm đến nay có 10.051 ha tôm chết. Trong đó, diện tích tôm sú nuôi công nghiệp và bán công nghiệp thiệt hại 100% ở huyện Giá Rai, Đông Hải, Hòa Bình và TP Bạc Liêu.

Sở NN- PTNT tỉnh Sóc Trăng thống kê, từ đầu năm đến nay, tôm nuôi bị chết 11.649,40 ha (có 566,2 ha tôm thẻ chân trắng), chiếm 39% diện tích thả. Trong đó thiệt hại nặng nhất là TX Vĩnh Châu, huyện Trần Đề, Mỹ Xuyên.

Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng đã ký công bố dịch bệnh đầu vàng, đốm trắng trên tôm tại các xã Hoà Đông,Vĩnh Hiệp, Lai Hòa (TX Vĩnh Châu), xã Trung Bình, Liêu Tú (Trần Đề) và các xã Hòa Tú 2, Gia Hòa 2, Ngọc Tố (Mỹ Xuyên).

Ông Nguyễn Văn Khởi, PGĐ Sở NN- PTNT Sóc Trăng nói: “Sóc Trăng có 48.000 ha nuôi tôm thì nuôi công nghiệp hơn 25.000 ha. Tôm chết từ năm 2010 đến nay vẫn chưa dừng lại. Chúng tôi mời chuyên gia trong và ngoài nước đến mà chưa biết bị 
bệnh gì”.

Nguyễn Tiến Hưng
Nguồn:tienphong.vn