NTM Hải Phòng: Đột phá vào nông nghiệp hàng hóa
- Chủ nhật - 11/12/2016 19:04
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Nhân rộng các vùng chuyên canh, cánh đồng mẫu lớn
Vĩnh Bảo là địa phương có diện tích sản xuất nông nghiệp lớn, chiếm ¼ diện tích canh tác toàn thành phố. Theo thống kê của Phòng NNPTNT huyện Vĩnh Bảo, hiện nay huyện có 163 vùng sản xuất hàng hóa tập trung, 7 cánh đồng mẫu lớn. Trong đó diện tích các cây trồng có hợp đồng tiêu thụ sản phẩm trên 700ha, chủ yếu là các cây như ớt, ngô, dưa, khoai tây, lúa giống. Đặc biệt, 5 năm trở lại đây, huyện đẩy mạnh phát triển các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, cánh đồng mẫu lớn, tạo “đột phá” trong sản xuất nông nghiệp địa phương.
Tại các vùng sản xuất tập trung, bà con nông dân áp dụng tiến bộ KHKT và cơ giới hóa vào sản xuất như: Máy làm đất, máy cấy, máy gặt đập liên hợp; xây dựng những vùng trồng lúa chất lượng cao với diện tích lên đến hàng trăm ha, cho thu hoạch từ 63- 64 tạ/ha, các vùng cấy lúa nếp thơm, vùng sản xuất lúa giống đạt năng suất và chất lượng gấp 2- 2,5 lần lúa khác.
Cây ớt chỉ thiên đang giúp tăng thu nhập của nhiều hộ dân huyện Vĩnh Bảo. Ảnh: Thu Thủy
Ông Nguyễn Văn Đàn - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vĩnh Bảo cho biết: Để phát huy vai trò làm chủ của nông dân trong xây dựng nông thôn mới, huyện đã chỉ đạo lấy phát triển kinh tế làm trọng tâm, khuyến khích nhân rộng các mô hình sản xuất tập trung, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Thay đổi tập quán của người nông dân từ sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất tập trung, có sự liên kết, giảm số lao động trong lĩnh vực nông nghiệp, nâng cao giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích canh tác. |
Những vùng sản xuất rau màu như ở xã Trấn Dương, Hiệp Hòa, ngô lai F1 Tam Đa, vùng trồng màu hai vụ kết hợp một vụ lúa ở Tân Hưng, Giang Biên cho năng suất, hiệu quả cao hơn từ 3,5 - 5 lần so với trồng lúa. Bên cạnh đó là những vùng trồng cây công nghiệp đặc thù có tính dài hạn như trồng cói ở Trấn Dương, Cổ Am, Vĩnh Tiến, trồng hoa cây cảnh ở Hiệp Hòa, Hùng Tiến... cũng mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân.
Những vùng không phù hợp với cấy lúa được địa phương quy hoạch và chuyển đổi sang trồng ớt. Nhiều hộ dân xã Dũng Tiến, Hiệp Hòa đã thoát nghèo và khá lên từ việc trồng cây ớt chỉ thiên. Theo những hộ này, ớt là cây dễ trồng, thời gian thu hoạch dài, từ khi ra quả đến hết vụ từ 3- 4 tháng. Hiện nay, với giá ớt từ 20.000 - 30.000 đồng/kg, trừ mọi chi phí sản xuất thì bà con nông dân cũng thu lãi từ 2- 4 triệu đồng/sào. Riêng Hiệp Hòa, toàn xã có 60 hộ trồng ớt với diện tích trên 36ha. Lợi nhuận mà cây ớt mang lại cho nông dân lên tới hàng trăm triệu đồng/năm.
Đẩy mạnh sản xuất sạch, an toàn
Quá trình xây dựng mô hình vùng sản xuất rau an toàn tại các địa phương, xác định đây là hướng đi bền vững, huyện đã giao cho các xã và giao cho hộ nông dân đứng ra tổ chức thực hiện các vùng rau an toàn. Hiện nay Hùng Tiến là xã có diện tích trồng rau an toàn lớn nhất, rộng 30ha theo tiêu chuẩn VietGAP với các loại rau và khoai tây.
Để tìm đầu ra cho sản phẩm, Hội Nông dân xã đứng ra liên kết và kí hợp đồng với các công ty trong và ngoài thành phố về bao tiêu sản phẩm cho nông dân.
Song song với việc mở rộng và phát triển những vùng trồng cây tập trung mang lại hiệu quả kinh tế, Vĩnh Bảo còn tích cực phát triển những vùng chăn nuôi, thủy sản, các hộ dân sản xuất theo hướng công nghiệp, áp dụng các tiêu chuẩn VietGAP, Japfa… bảo đảm an toàn dịch bệnh, hạn chế sự rủi ro tại các xã Tân Liên, Vĩnh Tiến, Vĩnh An...
Để phát triển sản xuất, người nông dân đầu tư nguồn vốn lớn xây dựng chuồng trại, ao đầm theo tiêu chuẩn của các công ty bao tiêu sản phẩm. Lợi nhuận thu được từ những vùng sản xuất này rất cao, trung bình 400-500 triệu đồng/năm.