Nam Định: Thương binh cụt 1 chân sống khỏe nhờ cá rô "khổng lồ"
- Thứ ba - 11/09/2018 10:47
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Năm 1972, thời điểm ác liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ông Viễn lên đường nhập ngũ. Sau huấn luyện, ông được điều động vào chiến trường miền Nam. Tham gia nhiều trận đánh, cùng đơn vị lập nhiều chiến công, trong trận đánh ở chiến trường B2, ông bị trúng đạn ở đùi, được đơn vị chuyển về tuyến sau điều trị. Do vết thương quá nặng nên ông mãi mãi mất đi một chân và được phục viên trở về quê với thương tật 71%, xếp hạng bệnh binh 2/4.
Về quê lập gia đình với hai bàn tay trắng nên gia đình ông rất khó khăn, rồi 3 đứa con lần lượt ra đời khiến cuộc sống càng thêm vất vả. Thế nhưng bản chất, ý chí và truyền thống người lính bộ đội Cụ Hồ năm xưa thôi thúc ông vượt qua đói nghèo để vươn lên làm giàu.
Ông Nguyễn Văn Viễn đang đi kiểm tra tốc độ phát triển của đàn cá rô mà gia đình đang nuôi.
Trước đây khi chưa "bén duyên" với con cá rô đầu vuông -cá rô "khổng lồ", ông Viễn từng làm nhiều nghề, trồng nhiều loại cây, con nhưng không có hiệu quả kinh tế cao. Vợ chồng ông lại trăn trở nuôi con, trồng cây gì để làm giàu.
Đang loay hoay tìm hướng đi mới thì trong một lần tình cờ xem trên ti vi, ông nhận thấy mô hình nuôi cá rô đầu vuông ở trong Thanh Hóa cho hiệu quả kinh tế cao. Sau nhiều lần tìm hiểu và đi thăm quan thực tế, đến năm 2012 ông Viễn mạnh dạn đưa con cá rô "khổng lồ" về nuôi thử nghiệm, dù mới đưa về nuôi nhưng con cá phát triển rất tốt và cho hiệu quả kinh tế.
Nhờ nuôi cá rô khổng lồ mà mỗi năm gia đình ông Nguyễn Văn Viễn lãi hàng trăm triệu đồng.
“Dù mới đưa về nuôi thử nghiệm nhưng đàn cá rô "khổng lồ" lại phát triển khá tốt, năm đó tôi thu được hơn 5 tấn cá, sau khi trừ hết chi phí đi tôi lãi được gần 100 triệu đồng nhờ con cá rô đó” ông Viễn nhớ lại.
Nhận thấy nuôi cá rô đầu vuông cho hiệu quả kinh tế cao, ông Viễn mở rộng quy mô ao đầm để thả nuôi với số lượng lớn. Đến nay, sau gần 5 năm nuôi loại cá này, trung bình mỗi năm gia đình ông Viễn xuất bán ra thị trường hơn 15 tấn cá rô "khổng lồ", được bán với giá trên dưới 40.000 đồng/kg. Sau khi trừ hết chi phí, mỗi năm gia đình ông Viễn lãi gần 200 triệu đồng.
Dẫn phóng viên Danviet đi thăm quan mô hình nuôi cá rô "khổng lồ" của gia đình, ông Viễn cho biết, đây là loại cá dễ nuôi, nhanh lớn và có thể nuôi được với mật độ dày, thời gian nuôi ngắn, trung bình thời gian nuôi chỉ từ 4-5 tháng là có thể bán được và cho hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần so với các loại cá truyền thống khác.
“Do tôi đi lại khó khăn nên mọi công việc cho cá ăn và thay tháo nước thì vợ tôi làm hết, còn các công việc khác như về mảng kĩ thuật hay đầu ta thì tôi lại lo hết. Nhờ nuôi loại cá này mà gia đình tôi có nguồn thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm” ông Viễn chia sẻ.
Cũng theo ông Viễn, loại cá rô "khổng lồ" có thịt rất thơm ngon, không thua kém gì so với cá rô đồng nên được thị trường ưa chuộng, ngoài ra loại cá này có thể nấu được nhiều món ăn ngon mà nhiều người thích như, canh, miến hay bánh đa...
Ông Nguyễn Văn Viễn khẳng định, so với nuôi các loại cá thông thường khác thì nuôi cá rô đầu vuông có hiệu quả kinh tế cao hơn, không phải suy nghĩ nhiều, vốn đầu tư cho mô hình cũng không cao quá. Thức ăn của cá cũng đơn giản, chủ yếu là cho ăn cám viên dạng nổi.
Sau khoảng 4-5 tháng nuôi là cá rô "khổng lồ" có thể xuất bán được và đạt trọng lượng từ 300-700gam/1con.
Ngoài ra, ông còn xây hơn 30m2 bể để nuôi hàng nghìn con cá lóc sộp, trung bình mỗi năm xuất bán được gần 1 tấn cá lóc sộp thương phẩm và được bán với giá khoảng 60.000 đồng/1kg.
Ở địa phương, ông Viễn được nhiều người khâm phục không chỉ bởi vượt qua hoàn cảnh vươn lên làm kinh tế giỏi mà còn tích cực tham gia các phong trào, hoạt động của xã. Ông luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm và kỹ thuật nuôi loại cá này cho ai có nhu cầu.
Theo Phạm Anh (danviet.vn)