Nắng ấm kéo dài, lo lúa trổ sớm

Trong thời gian khá dài từ trước Tết Nguyên đán đến nay, thời tiết ở miền Bắc liên tục nắng ấm, có thời điểm nhiệt độ lên đến 34-35 độ C. Tình hình thời tiết này khiến nhiều diện tích lúa cấy sớm phát triển quá nhanh, dẫn tới trỗ sớm không đúng thời điểm, có thể gây giảm năng suất.

Một vụ xuân ấm

Theo ông Phạm Đồng Quảng- Phó Cục trưởng phụ trách Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT), đến thời điểm này diện tích gieo cấy lúa đông xuân các tỉnh phía Bắc, đặc biệt các tỉnh đồng bằng sông Hồng, trung du miền núi phía Bắc đạt được khoảng trên 85%. Trừ một số tỉnh Đông Bắc gieo cấy muộn, đa số các tỉnh đồng bằng sông Hồng, trung du miền núi phía Bắc sẽ cơ bản kết thúc gieo cấy trong khoảng ngày 5-10.3.

 


Nông dân huyện Hạ Hoà (Phú Thọ) đang lo lúa trổ sớm vì nắng ấm kéo dài. Ảnh: L.H.T
Ngay từ đầu vụ, Cục Trồng trọt và các địa phương đã nhận định đây là vụ đông xuân ấm. Trên thực, số liệu khí tượng theo dõi về tổng tích ôn (tổng nhiệt độ trung bình) của 3 tháng 12.2014, 1 và 2.2015 đạt 1.700 độ C. Mức tổng tích ôn này tương đương với ngưỡng nhiệt độ của một số vụ đông xuân ấm mà chúng ta đã trải qua và có một số biện pháp đối phó.

Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn T.Ư, các tháng tiếp theo, nhiệt độ sẽ cao hơn trung bình nhiều năm. Ông Quảng cho biết: “Đa số diện tích chúng ta gieo cấy áp Tết Nguyên đán và nhiều diện tích cấy, gieo thẳng sau Tết Nguyên đán, hiện nay vẫn đang gieo cấy, đặc biệt ở các tỉnh đồng bằng sông Hồng. Với diện tích này thời vụ phù hợp, chúng ta hoàn toàn yên tâm. Tuy nhiên, có một số diện tích ở nhiều  địa phương gieo cấy trước lập xuân hoặc xung quanh tiết lập xuân, tầm 10.2 trở về trước, đặc biệt có một số diện tích sử dụng giống ngắn ngày, gieo mạ dược, cấy sớm”.

Theo thống kê sơ bộ, tổng diện tích gieo sớm này không nhiều, như Phú Thọ chiếm gần 10% diện tích. Hay một số vùng của Hải Dương có tập quán gieo sớm hoặc một số vùng buộc phải gieo cấy sớm như Nho Quan, Gia Viễn (tỉnh Ninh Bình) với khoảng 3.000-3.500ha phải gieo sớm để tránh lụt tiểu mãn.

Không xử lý kịp thời, lúa sẽ trỗ sớm

Để đối phó với thời tiết ấm như hiện nay, theo ông Quảng, các địa phương phải khẩn trương thành lập đoàn công tác hoặc cử cán bộ xuống cùng với địa phương và bà con nông dân kiểm tra, đánh giá trực tiếp trên đồng ruộng về tình hình sinh trưởng, phát triển, phân hóa, đẻ nhánh của các trà lúa cấy sớm. Đặc biệt là trà lúa cấy trước 10.2, nếu cấy mạ dược, mạ giá thì càng nguy cơ cao, cần đặc biệt lưu ý.

“Nếu chúng ta không xử lý kịp thời thì một số diện tích lúa này có thể trỗ bông vào cuối tháng 3, đầu tháng 4 – thời điểm đó nguy cơ có thể gặp các đợt rét muộn. Chúng ta đã bị thất bại trong một số vụ thời tiết ấm kiểu như năm nay”- ông Quảng nhận định.

Theo đánh giá của Cục Trồng trọt, không phải năm nay chúng ta mới trải qua vụ đông xuân ấm, mà đã phải đối mặt trong một số vụ trước đây. Những năm trước, nguy có cao hơn năm nay vì diện tích cấy giống lúa dài ngày vụ xuân sớm, xuân chính vụ nhiều. Còn năm nay diện tích xuân sớm, xuân chính vụ không nhiều. Do đó, Cục Trồng trọt cũng đề nghị các địa phương, bà con nông dân chủ động, bình tĩnh thực hiện các biện pháp chăm sóc sớm, kịp thời để làm sao khắc phục được tình trạng ấm, điều tiết để lúa tập trung trỗ đối với các tỉnh đồng bằng sông Hồng và miền núi phía Bắc tập trung trỗ từ 5-10.5 – thời điểm trỗ khá an toàn. Trỗ sớm, lúa có nguy cơ gặp rét, đặc biệt một số giống mẫn cảm với nhiệt độ thấp và trỗ muộn hơn thì có thể gặp những đợt nắng khô, gió Tây cũng sẽ ảnh hưởng đến việc trỗ bông.


  Theo Cục Trồng trọt, nếu lúa trỗ sớm dẫn đến nguy cơ có thể gặp những đợt rét muộn thì tỷ lệ hạt lép rất cao. Mặt khác, lúa sinh trưởng nhanh thì các giai đoạn phân hóa đòng diễn ra sớm, sẽ dẫn đến tình trạng thoái hóa đầu bông, cũng làm giảm năng suất. Chính vì vậy, số bông ít đi, bông bé, số hạt trên bông ít. 
Theo danviet.vn