Nâng cao chất lượng trái thanh long

Nâng cao chất lượng trái thanh long
Bình Thuận là thủ phủ thanh long cả nước, với diện tích hiện lên đến gần 30.000ha, được trồng trên 10 huyện, thị xã, TP nhưng tập trung chủ yếu tại các huyện Hàm Thuận Nam, Hàm Thuận Bắc và Bắc Bình, sản lượng thu hoạch đạt gần 600.000 tấn/năm.

Phát triển chưa tương xứng

Ông Phạm Hữu Thủ, Chánh văn phòng Sở NN-PTNT Bình Thuận cho biết, trên địa bàn tỉnh ước có khoảng 30.000 hộ nông dân tham gia sản xuất thanh long; 13 cơ sở chế biến, 27 hợp tác xã, 1 liên hiệp sản xuất và chế biến thanh long; 193 cơ sở thu mua, sơ chế. Có thể khẳng định cây thanh long đóng một vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế nông nghiệp và nông thôn của tỉnh.

Thời gian qua, cây thanh long Bình Thuận mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân. Ảnh: Đăng Lâm.

Người dân sản xuất thanh long đã và đang áp dụng các TBKT mới vào sản xuất như tưới tiên tiến, tiết kiệm nước, sử dụng bóng đèn compact, đèn led thay thế bóng đèn sợi tóc, kỹ thuật trồng giàn áp dụng đồng bộ hệ thống tưới tự động và cơ giới hóa sản xuất… từ đó góp phần làm giảm giá thành, nâng cao chất lượng sản phẩm.

Theo bà con nông dân, lợi nhuận bình quân 1 ha thanh long từ 175 - 180 triệu đồng, gấp từ 3 - 7 lần so với một số cây ăn quả khác, gấp 10 lần so với trồng lúa.

Tuy nhiên, khó khăn, bất cập nhất hiện nay trong phát triển cây thanh long trên địa bàn tỉnh, như ngành NN-PTNT Bình Thuận nhìn nhận, đó là công tác kiểm tra chất lượng và truy xuất nguồn gốc sản phẩm đầu vào, đầu ra chưa được kiểm soát chặt chẽ, tình trạng lạm dụng phân bón, thuốc BVTV không đảm bảo chất lượng trong sản xuất thanh long an toàn vẫn còn diễn ra.

Các nhà vườn luôn đặt mục tiêu kinh tế, xem nhẹ yếu tố tiêu chuẩn sản phẩm. Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và tình hình bệnh hại, nhất là bệnh đốm nâu phát triển đã ảnh hưởng đến sản lượng và chất lượng quả thanh long, gây thiệt hại lớn cho bà con nông dân.

Bên cạnh đó, việc xây dựng liên kết sản xuất và tiêu thụ thanh long theo chuỗi giá trị còn yếu, liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp còn lỏng lẻo, giữa nông dân với nông dân thông qua tổ chức kinh tế tập thể không nhiều. Công nghiệp chế biến chưa quan tâm, đầu tư đúng mức, không phát triển tương xứng với tốc độ tăng về diện tích và sản lượng. Phần lớn thanh long hiện nay được xuất qua thị trường Trung Quốc và chủ yếu qua đường tiểu ngạch, tiềm ẩn nhiều rủi ro, xúc tiến sang các thị trường khác còn hạn chế.

Phân loại trái thanh long trước khi xuất bán. Ảnh: Đăng Lâm.
Theo Sở NN-PTNT Bình Thuận: Toàn tỉnh hiện có hơn 10.182 ha thanh long đạt chứng nhận VietGAP và 264 ha đạt chứng nhận GlobalGAP. Về tiềm năng thị trường, quả thanh long là sản phẩm trái cây có giá trị xuất khẩu cao và đã xuất khẩu vào 16 nước và vùng lãnh thổ. Năm 2018 Kim ngạch xuất khẩu thanh long đạt 7,2 triệu USD. Trong đó, thị trường chủ lực vẫn là châu Á (70%), châu Âu (20%), châu Mỹ (6%) và châu Đại dương (4%). Có 15% thanh long được tiêu thụ nội địa còn khoảng 82-83% sản lượng còn lại xuất theo con đường tiểu ngạch sang thị trường Trung Quốc.

Hệ thống doanh nghiệp, hộ kinh doanh thanh long nhiều nhưng chủ yếu là doanh nghiệp có quy mô nhỏ, vốn hạn chế, khả năng đầu tư nâng cấp hạ tầng kinh doanh như nhà xưởng, kho bãi còn hạn chế. Đặc biệt, chưa liên kết với các hợp tác xã, tổ nhóm sản xuất VietGAP để tiêu thụ sản phẩm sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP…  

Giải pháp

Ông Mai Kiều, GĐ Sở NN-PTNT Bình Thuận cho biết, giải pháp trọng tâm trong thời gian tới ngành NN-PTNT sẽ tập trung hướng dẫn nông dân thâm canh tăng năng suất và nâng cao chất lượng, đáp ứng yêu cầu về VSATTP phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Ông Lê Tuấn Phong, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận cũng định hướng phát triển thanh long trên địa bàn bền vững phải là sản xuất sạch, an toàn.

Do đó, để thực hiện việc này tỉnh sẽ tiếp tục vận động, tuyên truyền đến người dân về ý nghĩa và tầm quan trọng của việc sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP và từng bước phát triển sản xuất thanh long theo hướng GlobalGAP và hữu cơ. Để từ đó kêu gọi các doanh nghiệp xuất khẩu, chế biến liên kết với nông dân, HTX triển khai đồng bộ từ khâu sản xuất đến đóng gói, sơ chế, bảo quản để chủ động phục vụ xuất khẩu.

Thực tế vừa qua, UBND tỉnh và Cty CP Nafoods Group thống nhất xây dựng và phát triển vùng nguyên liệu cây thanh long an toàn/hữu cơ tại tỉnh Bình Thuận theo chuỗi giá trị với quy mô diện tích tối thiểu 10.000 ha.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng sẽ tập trung đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất theo hướng hình thành các tổ hợp tác, hợp tác xã; tổ chức liên kết sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm; khuyến khích, tạo điều kiện cho các HTX, doanh nghiệp sản xuất thanh long theo hàng hóa quy mô lớn đầu tư vào chế biến và bảo quản.

Đồng thời tăng cường chuyển giao ứng dụng các mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao, mô hình sản xuất có hiệu quả và thông tin thị trường kịp thời cho người nông dân để tổ chức sản xuất cho phù hợp; đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của khuyến nông; nhập nội các giống thanh long mới nhằm đa dạng hóa sản phẩm thanh long.

Tỉnh Bình Thuận đang hướng tới nâng cao chất lượng trái thanh long để phục vụ XK. Ảnh: Đăng Lâm.

Tiếp tục huy động đa dạng các nguồn vốn để tăng cường đầu tư vào kết cấu hạ tầng nông nghiệp đáp ứng sản xuất hàng hóa quy mô lớn; quản lý và khai thác hiệu quả các công trình thủy lợi đảm bảo nhu cầu sản xuất. Khuyến khích phát triển công nghiệp chế biến thanh long và hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư nhà máy chế biến các loại sản phẩm hàng hoá từ trái thanh long như: thanh long sấy khô, sấy dẻo, sản xuất các loại nước ép thanh long, rượu vang thanh long... nhằm làm giảm áp lực khâu tiêu thụ trái tươi.

Đẩy mạnh các biện pháp hỗ trợ xúc tiến thị trường tiêu thụ thanh long theo hướng vừa coi trọng đúng mức thị trường trong nước, tăng cường mở rộng quan hệ hợp tác, phát triển các kênh phân phối với các địa phương trong nước đồng thời mở rộng thị trường xuất khẩu gắn với giữ gìn, bảo vệ và phát huy chỉ dẫn địa lý “Bình Thuận”.

Ông Phong cũng cho biết thêm, sẽ ban hành chính sách để hỗ trợ các hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ nông dân và doanh nghiệp để sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm để phát triển thanh long một cách bền vững, nhằm tăng thu nhập cho người dân theo Nghị định 98/2018/NĐ-CP. Đồng thời tiếp tục xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi hỗ trợ đầu tư cho các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn theo Nghị định 57/2018/NĐ-CP.

Ngoài ra, tỉnh sẽ chỉ đạo tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra về ATTP đối với ngành hàng thanh long. Đồng thời nắm tình hình hoạt động thương mại trong kinh doanh trái thanh long để tập trung xử lý, chấn chỉnh những phương thức, thủ đoạn kinh doanh trái phép, trốn thuế, cạnh tranh không lành mạnh, thao túng giá mua của thương lái nước ngoài.

Mới đây, với việc tăng cường xúc tiến thương mại, tỉnh cũng đã đăng ký nhãn hiệu “Bình Thuận Dragon Fruit và hình ảnh trái thanh long” sang 14 nước gồm Anh, Pháp, Đức, Hà Lan, Trung Quốc, Nhật, Hàn Quốc, Thái Lan, Singapo, Malaisia, Indonesia, Hồng Công, Đài Loan, Hoa Kỳ và vùng lãnh thổ có có thị trường tiềm năng xuất khẩu. Trong đó đã có 13 nước và vùng lãnh thổ đồng ý bảo hộ nhãn hiệu, dưới hình thức nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể; còn nước Hồng Công đang xem xét.
KIM SƠ - ĐĂNG LÂM
Nguồn: NNVN