Nâng ý thức người chăn nuôi trong tiêm phòng dịch

Hiện dịch cúm gia cầm H7N9 từ Trung Quốc đang diễn biến phức tạp, có nguy cơ lây lan vào nước ta nói chung và tỉnh ta nói riêng. Trong khi đó, nhìn lại công tác phòng dịch hơn 10 năm nay đang nổi lên những bất cập không nhỏ, bởi không năm nào trên địa bàn tỉnh ta không xảy ra dịch cúm gia cầm H5N1.
Ông Nguyễn Xuân Thuận (xóm 3, xã Diễn Cát - Diễn Châu) nuôi gần 20 con vịt. Vừa lùa đàn vịt ra đồng, ông vừa cho biết: “Ở  đây không riêng gì gia đình tui mô, mà hầu như không nhà ai tiêm phòng cúm gia cầm. Xã cũng có thông báo, tuyên truyền nhưng vì chỉ quây lại nuôi vài chục con trong chuồng nên không ai tiêm cả”.

Đó là thực trạng đáng ngại ở hầu hết các địa phương trong tỉnh, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, khi dịch cúm gia cầm đang ngày càng có những diễn biến phức tạp và nguy hiểm. Mỗi năm, tỉnh ta tổ chức hai đợt tiêm phòng chính ở vụ xuân và vụ thu, ngoài ra còn có chủ trương tiêm phòng bổ sung thường xuyên, nhưng theo số liệu tổng hợp của Chi cục Thú y tỉnh, tỷ lệ đàn gia cầm được tiêm phòng luôn ở mức rất thấp. Những năm gần đây, nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của tỉnh, chính quyền địa phương các cấp đã có sự chuyển biến khá rõ trong vấn đề tiêm phòng cho đàn vật nuôi nói chung, đàn gia cầm nói riêng.

Tuy nhiên, dù công tác tuyên truyền đã được đẩy mạnh đến tận từng người dân, nhưng thực tế là phần đông người dân vẫn chưa coi tiêm phòng là biện pháp quan trọng hàng đầu trong phòng chống dịch cúm gia cầm ngay trên chính đàn gà, vịt của gia đình, hầu như không tự giác khai báo khi có gia cầm mới để được tiêm phòng. Theo ông Đặng Văn Minh (Phó Chi  cục Thú y tỉnh) thì trong điều kiện nền chăn nuôi chủ yếu là nhỏ lẻ, manh mún như hiện nay, tiêm phòng đang được coi là một trong những biện pháp chủ lực, quan trọng hàng đầu trong phòng chống dịch cúm gia cầm bùng phát. Tuy nhiên, trừ những trang trại lớn, còn lại hầu hết người dân đều chưa có thói quen tiêm phòng và đàn gia cầm thường chỉ được tiêm vacxin khi dịch đã xảy ra, vì vậy rất dễ xảy ra tình trạng không tiêm đủ số lần, đúng liều lượng và thời điểm cần tiêm, dịch bệnh khi đã xuất hiện rất dễ lây lan ra diện rộng một cách nhanh chóng.




Trang trại vịt của cựu chiến binh Trần Văn Đàn xã Diễn Thắng, Diễn Châu.
Ảnh: S.T - Cảnh Yên

Với trên 17 triệu con gia cầm, Nghệ An được coi là một trong những địa phương có tổng đàn lớn của cả nước. Bắt đầu xuất hiện từ năm 2003, dịch cúm gia cầm đã có những thời kỳ hoành hành, gây những thiệt hại nặng nề ở nhiều địa phương trong tỉnh. Được sự hỗ trợ từ chương trình quốc gia, từ năm 2005- 2010, hàng năm Nghệ An tiêm từ 12-15 triệu liều vacxin H5N1 chủng R5, gần như toàn bộ đàn gia cầm trong diện tiêm đều được tiêm phòng vacxin cúm gia cầm. Nhờ đó, dịch đã giảm hẳn.

Thế nhưng từ năm 2011, do virut cúm gia cầm đã có sự biến đổi, nên Trung ương đã dừng việc cấp và tiêm phòng vacxin cúm gia cầm đại trà, mà chỉ cấp vacxin tiêm chống dịch khi có dịch xảy ra. Với chủ trương ưu tiên tiêm phòng cho đàn vịt gốc, năm 2012, được cấp 2,8 triệu liều vacxin, ngoài tiêm phòng bao vây ổ dịch và vùng xung quanh, chúng ta còn tiến hành tiêm phòng cho đàn vịt gốc. Tuy nhiên, với đàn gia cầm còn lại, người dân chưa hề có ý thức bỏ tiền ra mua vacxin để tiêm phòng, trong khi giá một liều vacxin cúm gia cầm chỉ là 400 đồng, cộng thêm công tiêm cũng chỉ 600 đồng. Năm 2010, do chủ quan không chịu tiêm phòng, 2.500 con gà đẻ Ai Cập và 2.000 con gà thịt của ông Hồ Viết Linh (Nam Anh- Nam Đàn) đã bị tiêu hủy do dịch bệnh. Những ví dụ như thế không phải là hiếm nhưng vẫn chưa thực sự góp được phần vào nâng cao ý thức cho người dân trong tiêm phòng cúm gia cầm.

 



Tiêm phòng là biện pháp quan trọng trong phòng chống dịch cúm gia cầm.

Hàng năm, ngay từ đầu năm, ngành Thú y đã có văn bản tham mưu cho chính quyền cấp huyện tiến hành rà soát lại số lượng trang trại, gia trại trên địa bàn, giao trách nhiệm đăng ký mua vacxin để tiêm phòng cúm gia cầm, nhưng hầu như không hề có người dân nào đăng ký mua vacxin để tiêm phòng. Trong khi đó, chính quyền các địa phương dù vài năm gần đây đã có sự chuyển biến khá tích cực trong phòng, chống dịch, nhưng vẫn chưa thực sự quyết liệt.

Dù hiện tại, vacxin cúm gia cầm không thuộc diện bắt buộc phải tiêm phòng, nhưng theo quy định tại Nghị định 40/CP, gia cầm nếu không được tiêm phòng, có nguy cơ làm lây lan dịch cúm gia cầm, nếu lấy mẫu xét nghiệm có virut cúm gia cầm sẽ bị phạt nặng khi bán chạy. Theo quy định, trước khi xuất bán gia cầm phải qua khâu kiểm dịch của cán bộ thú y, trường hợp vi phạm, chính quyền cấp xã có thể giữ lại, tiến hành xử phạt. Thế nhưng thực tế, khi người dân mua bán gia cầm, hầu như chính quyền cấp xã không thể nắm được, trừ khi các trang trại lớn xuất bán cả xe ô tô mới buộc phải thực hiện các thủ tục kiểm dịch bắt buộc.

Cùng công tác tiêm phòng, trong phòng, chống dịch bệnh hiện nay, chúng ta vẫn còn rất nhiều bất cập. Nền chăn nuôi nhỏ lẻ, khó kiểm soát cũng là một yếu tố quan trọng trong bùng phát và lây lan dịch cúm gia cầm, đặc biệt khi người chăn nuôi hiện vẫn chưa có ý thức trong chăn nuôi an toàn mà còn chăn nuôi theo kiểu thủ công, không áp dụng các biện pháp cần thiết như khử độc tiêu trùng môi trường, tiêm phòng thường xuyên, mua con giống có nguồn gốc rõ ràng, việc chăm sóc nuôi dưỡng chưa được quan tâm. Bên cạnh đó, tình trạng vận chuyển, giết mổ gia cầm nhỏ lẻ, không khai báo đang phổ biến hiện nay vẫn chưa được kiểm soát. Đây cũng chính là một nguy cơ làm phát tán mầm bệnh ra diện rộng.

Theo quy định, khi chăn nuôi, các trang trại, gia trại nuôi từ 500 con gia cầm trở lên phải đăng ký với chính quyền cấp xã, từ đó có thể theo dõi, quản lý công tác tiêm phòng, khi nhập hay xuất bán, tuy nhiên, trên thực tế, chính quyền cấp xã hầu như không kiểm soát được, người dân không báo, chính quyền cũng chưa thực sự quan tâm.

Theo baonghean.vn