Ngao Việt "đàng hoàng" đi Châu Âu nhưng vẫn khó vào Trung Quốc?
- Thứ tư - 04/12/2019 08:38
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Thị trường Trung Quốc chiếm 50% kim ngạch ngao xuất khẩu
Theo số liệu thống kê của Chi cục Thủy sản Thái Bình, toàn tỉnh hiện có hơn 3.000 ha nuôi ngao với sản lượng hàng năm vào khoảng 100.000-110.000 tấn. Trong đó, lượng ngao xuất khẩu đi thị trường EU khoảng 7.000-10.000 tấn/năm, cao điểm có năm lên đến gần 13.000 tấn.
Về phía Trung Quốc, khi chưa có lệnh cấm nhập khẩu ngao từ Việt Nam theo đường tiểu ngạch, mỗi năm, thị trường này nhập xấp xỉ 50.000 tấn ngao từ Thái Bình.
Theo thông tin của một số chủ cơ sở thu mua ở xã Nam Thịnh, Đông Minh, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình, sau khi Trung Quốc không chấp nhận xuất khẩu tiểu ngạch, ngao được đẩy đi nhiều địa phương trong nước, chủ yếu là các tỉnh miền nam. Ngoài ra, một lượng ngao không nhỏ phải tiếp tục tìm đường sang Trung Quốc bằng cách nhập lậu.
Cần xóa bỏ tư duy "tiểu ngạch" khi sản xuất hàng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.
Một số thương lái chia sẻ, việc xuất lậu sang Trung Quốc như “đánh bạc”, ẩn chứa nhiều nguy cơ, thường xuyên xảy ra trường hợp ngao không đi được rồi chết phải đổ cả tàu xuống biển.
“Trong trường hợp thuận lợi, chủ hàng phía Trung Quốc sẽ thanh toán rất nhanh nhưng nếu khó khăn, phải đổ ngao đi thì những chủ hàng tiềm lực, làm ăn lâu rồi mới hỗ trợ cho tiền bao bì, nhân công, còn không thì coi như mất trắng.”, một thương lái cho hay.
Việc thị trường xuất khẩu lớn “đóng cửa” khiến người nuôi ngao tại nhiều địa phương của các tỉnh có sản lượng lớn như Thái Bình, Nam Định “điêu đứng”.
Mới đây, khi Tổng cục Hải quan Trung Quốc ra thông báo chính thức, đồng ý nhập khẩu ngao từ Việt Nam, đa số người nuôi, doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu không khỏi vui mừng.
Theo ông Đặng Huy Thiêm, Giám đốc Công ty TNHH Thủy hải sản Tiến Thành có trụ sở tại xã Đông Minh, Tiền Hải cho hay, việc Trung Quốc mở cửa nhập khẩu lại sẽ giúp thị trường ngao Việt khởi sắc. Người nuôi và doanh nghiệp sẵn sàng đáp ứng các tiêu chuẩn từ phía thị trường Trung Quốc.
Cụ thể, ông Thiêm cho biết, đối với các yêu cầu mà phía Trung Quốc có thể đưa ra với sản phẩm ngao, hiện nay bà con đang được Trung tâm chất lượng nông lâm thủy sản Vùng 1 hỗ trợ và hướng dẫn thủ tục để có đầy đủ giấy tờ chứng nhận chất lượng, nguồn gốc xuất xứ.
Ngoài ra, theo đánh giá từ phía giới chuyên môn, nếu sản phẩm ngao không tận dụng được thị trường Trung Quốc sẽ bỏ lỡ cơ hội xuất khẩu rất lớn. Nguyên do vì đây được đánh giá là thị trường có nhu cầu lớn và yêu cầu không quá khắt khe như châu Âu. Ngoài ra, việc sơ chế, bảo quản ngao cũng tương đối đơn giản hơn so với nhiều mặt hàng khác.
Cần dẹp bỏ hoạt động nuôi trồng, kinh doanh tự phát
Ông Phạm Hồng Trường, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Thái Bình cho biết, hoạt động kiểm định chất lượng đối với ngao xuất khẩu Trung Quốc khác so với thị trường EU. Theo đó, nếu ngành thủy sản đáp ứng được, không những có thể nâng cao, kiểm soát tốt chất lượng mà quá trình xuất khẩu sẽ thông thoáng hơn.
Cụ thể, hiện tại, đối với thị trường EU, mỗi tháng, Chi cục sẽ phải lấy mẫu nước và mẫu ngao 2 lần, sau đó, gửi cho Trung tâm chất lượng nông lâm thủy sản Vùng 1 xét nghiệm. Các thông số được theo dõi bao gồm chỉ tiêu vi sinh về E.Coli và Salmonella, chỉ tiêu về tảo độc và chỉ tiêu về kim loại nặng.
Trong trường hợp các chỉ số đạt yêu cầu, Chi cục sẽ tiếp tục giám sát để đảm bảo ngao thu hoạch ở đúng khu vực được theo dõi. Sau đó, đơn vị này sẽ đổi phiếu kiểm soát chỉ số sang giấy chứng nhận xuất xứ, làm căn cứ để xuất hàng đi EU.
Thị trường Trung Quốc có nhu cầu lớn, yêu cầu không quá khắt khe như EU.
Đối với quy trình kiểm soát chất lượng ngao xuất khẩu đi Trung Quốc, thay vì phải gửi mẫu kiểm tra định kỳ như trên, các chủ cơ sở thu mua, chế biến phục vụ thị trường Trung Quốc sẽ mời chuyên gia của Trung tâm chất lượng nông lâm thủy sản Vùng 1 về kiểm tra, cấp chứng thư số cho từng lô hàng.
Theo đánh giá của ông Trường, trong tương lai, tùy thuộc vào số lượng ngao xuất khẩu, quy trình trên có thể linh hoạt thay đổi về các chỉ tiêu cụ thể. Qua đó, kiểm soát tốt chất lượng ngao và giúp quá trình xuất khẩu thông thoáng hơn.
Ngoài ra, đại diện Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Thái Bình thông tin thêm, hiện nay, nhiều nông dân vẫn làm theo cách cũ vì cho rằng phải trải qua nhiều quy trình, thủ tục phức tạp. Điều này dẫn đến tình trạng nuôi trồng, thu hoạch và xuất bán tự phát, tiềm ẩn nguy cơ không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Do đó, việc đầu tư xây dựng các cơ sở thu mua, chế biến đáp ứng đủ yêu cầu, chất lượng ngao là nhiệm vụ cấp thiết. Từ đó, đảm bảo và dễ dàng đáp ứng được các điều kiện từ phía Trung Quốc.
Bên cạnh đó, khi từ bỏ được tư duy “tiểu ngạch”, chuyển hẳn sang xuất khẩu chính ngạch, người nuôi, doanh nghiệp giảm được rủi ro thương mại do có nhà nước bảo hộ. Ngoài ra, thương hiệu cho thủy sản địa phương cũng có thể quảng bá rộng rãi, nâng cao uy tín với nhiều đối tác quốc tế.
Theo Thanh Phong/danviet.vn
http://danviet.vn/kinh-te/ngao-viet-dang-hoang-di-chau-au-nhung-van-kho-vao-thi-truong-trung-quoc-1038281.html