Nghị định 67 - Sinh lực mới cho nghề cá

Nghị định 67 đã đi thẳng vào những điều cần nhất của ngư dân, thông qua đầu tư tạo định hướng phát triển nghề cá.

1/ Nếu lấy số lượng 28 ngàn chiếc tàu đánh bắt xa bờ (ĐBXB) hiện có của cả nước thì có thể thấy chúng ta có lực lượng khai thác thủy sản ngoài khơi không nhỏ. Đây là cái vốn rất quý được phát triển từ chương trình đầu tư của nhà nước cách đây gần 20 năm cho nghề cá xa bờ. Tuy nhiên sự phát triển rất mạnh về số lượng tàu ĐBXB chủ yếu mang tính tự phát. Đa số tàu ĐBXB được đóng tại các cơ sở đóng tàu truyền thống, thiếu các chuẩn mực về hàng hải. Chủ tàu luôn ngại phải làm bảo hiểm, các doanh nghiệp bảo hiểm cũng rất ngại bán bảo hiểm cho những con tàu này. Khi thiếu vắng sự đảm bảo về kinh tế, các chủ tàu cũng khó tiếp cận với các nguồn tín dụng chính thức, lãi suất thấp để có thể đầu tư tiếp. Họ - trên biển và người trên bờ không bị ràng buộc bởi những "sợi dây" kinh tế. Khai thác thủy hải sản xa bờ như một ngành kinh tế đặc biệt rất ít chịu - được sự quản lý, giúp đỡ của "các nhà".

 

2/ Mỗi tàu ĐBXB vẫn là những đơn vị kinh tế độc lập, cá biệt, rất ít liên kết trên biển, nếu có chủ yếu bởi quan hệ huyết thống, bè bạn, làng xóm... Chưa có sự liên kết, phân chia công việc trong các nhóm tàu để thành chuỗi sản xuất ngay trên biển, mà thông qua đó mỗi con tàu tham gia được hưởng lợi nhiều hơn cái họ làm ra khi đơn lẻ. Sự có mặt của các tổ, nhóm, hợp tác xã theo mô hình "trên bờ", có tính hình thức nhiều hơn là thực tiễn.

 

3/ Nghị định 67 đã đi thẳng vào những điều cần nhất của ngư dân, thông qua đầu tư tạo định hướng phát triển nghề cá. Cái dân cần nhất: Vốn và lãi, với lãi suất phải trả từ 1 - 3% mỗi năm, quả là một giấc mơ với dân. Nhà nước sẽ tiếp tục hỗ trợ 100% bảo hiểm rủi do cho ngư dân, 90% bảo hiểm thân tàu… Con tàu đã là vốn có thể thế chấp, ngư dân yên tâm hơn khi bám biển và từ đây nhu cầu tham gia các tổ chức xã hội, nghiệp đoàn sẽ định hình rõ hơn trong lòng họ.

Định hướng cho ngư dân vay đóng tàu lớn, hiện đại, đáp ứng nhu cầu bức thiết về những con tàu "khủng" đóng vai trò tàu mẹ có năng lực nâng cao khả năng đánh bắt và bảo quản cho những nhóm tàu. Đây là cơ sở vật chất để hình thành những tổ nhóm, hợp tác xã, tiến tới là những doanh nghiệp nghề cá trên biển. Cũng chỉ khi các đơn vị đánh bắt này thực sự mạnh, "các nhà" mới có điểm tựa vững chắc để "ra khơi" cùng ngư dân. Có thể nói, Nghị định 67 không chỉ tạo bước đột phá trong việc đầu tư đóng mới những con tàu ĐBXB mà đã đưa vào nghề khai thác xa bờ một luồng sinh lực mới, thay đổi diện mạo nghề cá trong những năm tới đây.
Đức Thảo - Vân Anh 

Thủy sản Việt Nam