Ngô bị bệnh “lạ” hay ngành chức năng thờ ơ?
- Thứ hai - 08/04/2013 22:43
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Ông Nguyễn Văn Như, Phó chủ tịch UBND xã Hành Tín Tây cho biết: Xã có diện tích trồng bắp lớn nhất huyện Nghĩa Hành, với hơn 70ha. Trước tình trạng cây bắp có hiện tượng ngừng phát triển, chiều cao thấp hơn nhiều so với bình thường, thân cây cong queo, bà con rất lo lắng. Theo thống kê sơ bộ, hiện có 17 hộ bị ảnh hưởng với tổng diện tích 10.698m2, bệnh chủ yếu xảy ra với hai giống DK 9955 và NK 67.
“Trước hiện tượng bệnh lạ, chính quyền địa phương đã báo cáo Trạm Bảo vệ thực vật (BVTV) huyện và công ty cung cấp giống để tìm hiểu nguyên nhân, nhưng đến nay vẫn chưa xác định được bệnh. Xã đang cùng bà con và công ty giống thống kê diện tích và mức độ thiệt hại để tìm hướng giải quyết”, ông Như nói.
Trước đó, ngày 27/2, Chi cục BVTV Quảng Ngãi đã lấy mẫu bệnh gửi Trung tâm Giám định kiểm dịch thực vật Hà Nội. “Chúng tôi nghi ngờ là ngô bị bệnh lùn sọc đen nhưng mẫu mà Chi cục BVTV Quảng Ngãi gửi đi thì cho kết quả âm tính”, đại diện lãnh đạo Chi cục BVTV Quảng Ngãi cho biết.
Tiếp đó, ngày 28/2, Chi cục đã mời đại diện Công ty TNHH Dekalb Việt Nam (đơn vị cung ứng giống ngô DK 9955) đến UBND xã Hành Tín Tây để làm việc. Ngày 7/3, Chi cục BVTV Quảng Ngãi tiếp tục phối hợp với Trung tâm BVTV miền Trung, Trung tâm Khảo kiểm nghiệm giống cây trồng miền Trung, Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng 3 Đà Nẵng, Sở Nông nghiệp và PTNT… kiểm tra thực tế tại các ruộng ngô nhiễm bệnh để đưa ra hướng giải quyết.
Theo ông Phan Đình Dũng, Trung tâm BVTV miền Trung, qua kiểm tra 2 giống ngô tại xã Hành Tín Tây, đến nay vẫn chưa thể kết luận nguyên nhân gây bệnh. Xem xét triệu chứng thì nghi ngô bị nhiễm bệnh sọc lá, hay còn gọi là bạch tạng (downy mildew).
Ông Đào Cao Tường, Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng 3 Đà Nẵng nhận định: “Qua kiểm tra chúng tôi thấy có nhiều biểu hiện khác nhau ở từng thửa đất. Có thể do nhiều nguyên nhân nhưng hiện chưa kết luận được bệnh gì”. Cũng theo ông Tường, những cây bị bệnh sẽ không thể phát triển được, bà con nên nhổ bỏ.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Đình Thuận, Phó giám đốc Công ty TNHH Dekalb Việt Nam, phụ trách khu vực miền Trung - Tây Nguyên cho biết: “Theo nhận định của chúng tôi, đây có thể là bệnh sọc lá chứ không phải do giống. Chúng tôi đã đề xuất công ty hỗ trợ, chia sẻ thiệt hại với bà con”.
Theo ông Như, Công ty TNHH Dekalb Việt Nam và Công ty Syngeta Việt Nam đã thống nhất hỗ trợ 750.000 đồng/sào (1 sào Trung Bộ = 500m2) ngô bị bệnh lạ.
Hải Vân (kinhtenongthon.com.vn)