Người Đà Lạt mách cách làm hồng treo gió chị em săn lùng công thức
- Thứ hai - 12/11/2018 22:04
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Đến Đà Lạt vào tháng cuối năm, ngoài bị mê hoặc bởi những món đặc sản đặc trưng của xứ sở sương mù này, các vị "thượng đế" còn được tận mắt chứng kiến quy trình sản xuất ra những dây hồng treo sạch, đảm bảo vệ sinh của người bản địa.
Những trái hồng được gọt vỏ sau khi thu hoạch từ vườn về. Ảnh: Văn Long.
Đến thăm một cơ sở làm hồng treo trên tại phường 10, TP.Đà Lạt, Lâm Đồng, chúng tôi được tự trải nghiệm cũng như tham quan quy trình sản xuất hoong treo tại xưởng.
Bà Vân - Chủ của cơ sở này cho biết: “Để làm ra những trái hồng sấy chuẩn vị chúng tôi phải bỏ ra 20 – 30 ngày, tùy thuộc vào thời tiết, nhiệt độ và độ ẩm”.
Bà Vân bên hệ thống treo hồng của gia đình mình. Ảnh: Văn Long.
Bà Vân cho biết thêm, để có chất lượng tốt nhất, hồng chọn phải còn tươi, vẫn ở trên cây để khi được hái xuống vẫn đảm bảo đủ lượng đường.
Hồng sau khi hái về sẽ được vệ sinh bằng nước sạch, vặt bỏ tai rồi gọt vỏ, chỉ để lại phần cuống. Tiếp theo, hồng được vệ sinh lần hai rồi đưa lên khay chuyển vào lò sấy khoảng 3 giờ. Cuối cùng, hồng sẽ được đưa ra treo lên theo từng dây.
Những trái hồng được treo lên những dây bằng nhựa để hong khô bằng sức gió. Ảnh: Văn Long.
Bà Vân cũng cho biết, hồng treo hoàn toàn sử dụng điều kiện tự nhiên và đặc biệt không hề sử dụng chất bảo quản. Hồng treo đủ ngày, đạt chuẩn sẽ được đưa vào bao bì của cơ sở, hút chân không rồi đưa đến nơi tiêu thụ. Hàng năm, gia đình bà treo khoảng 30 tấn hồng tươi để phục vụ du khách và bán làm quà tết Âm lịch.
Hồng sau khi sấy đủ ngày sẽ được đóng bao, hút chân không rồi đưa đến nơi tiêu thụ. Ảnh: Văn Long.
Cũng là một cơ sở sản xuất hồng treo, anh Long (Cầu Đất, Xuân Trường, Đà Lạt) lại có bí quyết riêng để làm ra những đĩa hồng treo mang thương hiệu của mình.
Anh Long bên mẻ hồng treo mới tháo dây của mình. Ảnh: Văn Long.
Anh Long cho biết, anh thành lập HTX hồng treo từ năm 2017 cùng 32 thành viên với mục đích liên kết, xây dựng, phát triển và giữ gìn thương hiệu hồng Đà Lạt. “Hồng treo khi thành phẩm sẽ có giá cao hơn nhiều so với hồng tươi, khi thành lập HTX giá sẽ cao hơn và đầu ra ổn định”, anh Long cho biết.
Hồng treo gió sẽ có giá trị cao hơn nhiều so với hồng tươi và tăng thêm sự đa dạng về đặc sản của Đà Lạt. Ảnh: Văn Long.
“Nhìn chung, những người ở Đà Lạt làm hồng thì gần như giống nhau. Nhưng tôi có cách làm riêng, sau khi thu hoạch về trái hồng sẽ được vặt hết tai xung quanh cuống, rửa sạch rồi gọt vỏ. Bước tiếp theo cần đưa hồng vào phòng vô khuẩn và xử lý bằng than, nhiều nhà có cách xử lý bằng điện và gas. Cuối cùng tôi đem hồng ra treo và đưa vào nhà kính”, ông giám đốc HTX hồng treo chia sẻ.
Những trái hồng vừa chín tới, đủ độ đường sẽ được hái về để làm hồng treo. Ảnh: Văn Long.
Hiện nay, các cơ sở sản xuất hồng treo chủ yếu tập trung ở Xuân Trường, Trại Mát phường 10 Đà Lạt…Đặc biệt, hồng treo gió Đà Lạt giúp nâng cao giá trị, làm phong phú sản phẩm đặc sản của địa phương.
Được biết, để có được 1 kg hồng khô treo sẽ cần khoảng 7 - 8kg hồng trái tươi nên giá bán thường cao hơn hồng sấy truyền thống từ 2 - 3 lần. Hiện tại, hồng treo có giá khá cao, trung bình khoảng 400 – 450 ngàn đồng/kg tùy thời điểm.
Theo Văn Long (danviet.vn)