Người Dao đổi đời nhờ trồng rừng

Người Dao đổi đời nhờ trồng rừng
Khắc phục điều kiện tự nhiên khó khăn, chuyển đổi kinh tế phù hợp, bà con người dân tộc Dao ở xóm Làng Mười, xã Tân Tiến (Võ Nhai, Thái Nguyên) đã thoát cảnh nghèo khó và vươn lên làm giàu.

Thoát nghèo nhờ rừng

Xóm Làng Mười có trên 170 hộ, hơn 90% dân số là đồng bào dân tộc Dao. Từ một thôn khó khăn, bộ mặt Làng Mười đã thay đổi hoàn toàn. Dọc theo con đường bê tông bằng phẳng dẫn vào xóm, nhiều ngôi nhà cao tầng khang trang mọc lên san sát, những chiếc xe tải chở gỗ keo đi lại liên tục...

 

Nguoi Dao doi doi nho trong rung
Gia đình ông Phạm Phú Vang (xóm Làng Mười) có 10ha rừng keo lai, trong đó có 2,5ha đã cho thu hoạch. Ảnh: Ông Vang thu hoạch keo bán cho thương lái. Ảnh: S.N
 
Ông Vũ Văn Hồng - Bí thư Chi bộ xóm Làng Mười cho hay: “Cách đây 5 năm, có đến Làng Mười mới có thể so với bây giờ khác xa nhiều như thế nào. Xóm có diện tích rộng, dân cư phân bố thưa thớt ở các khu vực Chỏm Vung, Đèo Uỷnh, Đèo Lát…, đường sá đi lại khó khăn. Người dân thì sinh kế 100% trông vào nông nghiệp, nhưng ruộng phần lớn trong khe lạch, vào mùa bão lũ là bị ngập úng. Có năm, 2 vụ lúa gần đến lúc thu hoạch thì bị mất trắng. Bởi vậy mà có những thời điểm, số hộ nghèo trong xóm lên tới 60-70%”.

Trước thực trạng đó, Chi bộ thôn đã xây dựng nghị quyết hàng năm sát với thực tế địa phương, trong đó chỉ rõ cần tăng cường phát triển nông nghiệp, tập trung vào trồng rừng và chăn nuôi. Theo ông Hồng, trước đây, rừng thuộc quyền quản lý của Công ty Lâm nghiệp Võ Nhai. Công ty đã có chính sách giao đất, rừng cho người dân theo các dự án trồng rừng 661, PAM. Ban đầu thu nhập từ rừng thấp, không ổn định, lại lo phải đóng thuế nên bà con rất ít người tham gia. Những lúc ấy, đảng viên, cán bộ phải là người đi đầu cả trong tuyên truyền lẫn thực hiện. “Gia đình tôi là một trong số đó, từ con số vài ha ban đầu, đến nay tôi có tổng diện tích là 35ha đều là keo lai. Sau một thời gian, người dân đã nhận thấy lợi ích từ việc trồng rừng không những bảo vệ môi trường, điều hòa nguồn nước mà còn mang lại lợi ích kinh tế nhất định, nên đã làm theo” – Bí thư Vũ Văn Hồng cho biết.

Từ năm 2008, khi Công ty Lâm nghiệp giải thể, bà con trong thôn đã bắt đầu đăng ký nhận đất, trồng rừng nhiều. Và mỗi năm, mỗi hộ trồng từ 1-5ha phủ xanh đất trống, đồi trọc, đều hoàn thành vượt mức chỉ tiêu cấp trên giao. Đến nay, khu vực Làng Mười đã được bao phủ một màu xanh mướt với diện tích 1.800ha rừng (rừng trồng là hơn 800ha). 100% các hộ ở đây đều có rừng trồng, trung bình từ 1-14ha.

Tấm gương vượt khó

Trong Làng Mười, nói về tấm gương làm ăn kinh tế giỏi, ai cũng nể phục gương thương binh Đoàn Quốc Dũng. Từ năm 2008, gia đình ông Dũng bắt tay vào trồng rừng. Mặc dù sức khỏe yếu, hai vợ chồng ông không quản ngại vất vả san núi, phát cỏ để trồng cây. Từ những cây keo non nhỏ xíu ban đầu, hiện giờ ông đã có 16ha keo, trong đó có 5-6ha bắt đầu đến tuổi thu hoạch. Với thu nhập từ rừng, ông Dũng có điều kiện để xây dựng được ngôi nhà 2 tầng khang trang và mua sắm được nhiều vật dụng tiện nghi. Nhận thấy trong vùng nhu cầu vận chuyển hàng hóa của bà con lớn nên ông đã đầu tư mua 2 chiếc xe tải làm dịch vụ, góp phần nâng cao thu nhập gia đình.

Cũng như gia đình ông Đoàn Quốc Dũng, các hộ ông Lê Xuân Tiến, Nguyễn Xuân Chính, Đinh Văn Hóa, Vũ Văn Hồng… cùng nhiều hộ khác trong Làng Mười đã thoát nghèo, có thu nhập khá từ những vạt rừng.

Năm 2010, tỷ lệ hộ nghèo ở Làng Mười là 85 hộ thì nay chỉ còn 55 hộ. Trong xóm có 7 hộ mua được xe tải làm dịch vụ vận chuyển, 90% số hộ có nhà xây kiên cố...
Theo Dantri.com.vn