Người dân nhất thiết phải làm theo khuyến cáo
- Thứ hai - 25/03/2013 03:10
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Thưa ông, nguyên nhân gây ra Hội chứng hoại tử gan tụy cấp ở tôm nuôi nước lợ là gì?
Dịch bệnh xảy ra trên tôm trong thời gian vừa qua không chỉ riêng Việt Nam mà còn ở nhiều nước khác, được gọi là Hội chứng tôm chết sớm, nghĩa là tôm chết ở giai đoạn sớm, thường 5 - 30 ngày sau khi thả giống. Đồng thời, người nuôi cũng thấy xuất hiện một dạng bệnh nữa là Hội chứng hoại tử gan tụy cấp (AHPNS). Nhưng trước tiên, phải hiểu Hội chứng tôm chết sớm không phải chỉ do AHPNS, mà còn do một số bệnh khác như đốm trắng, đầu vàng…
Từ những nghiên cứu thực tế, bước đầu đã xác định được nguyên nhân gây tôm chết sớm, xuất hiện Hội chứng hoại tử gan tụy ở tôm nuôi là do: tôm giống chất lượng xấu (nhiễm Vibrio, có dấu hiệu bất thường gan tụy, thậm chí đã hoại tử gan tụy cấp), thả nuôi trong điều kiện môi trường bất lợi (hiện diện của thuốc BVTV, ôxy hòa tan thấp, độ mặn cao, ô nhiễm hữu cơ…), hiện diện của vi khuẩn Vibrio và phage dẫn đến gây chết và hội chứng hoại tử gan tụy ở tôm nuôi.
Ông có thể nói rõ hơn về tác nhân Vibrio và phage?
Theo các nghiên cứu cho thấy, ở những ao nuôi có độ mặn cao, ôxy hòa tan thấp, có sự hiện diện của thuốc BVTV thì tỷ lệ mắc AHPNS thường cao. Bên cạnh đó, các thí nghiệm cảm nhiễm cho thấy hầu hết tôm bị AHPNS là có nhóm Vibrio trùng với nhóm Vibrio ở trại giống với một số loài như Vibrio.pahaemolyticus, V.harveyi… Bản chất của vi khuẩn Vibrio là vi khuẩn kỵ khí, phát triển mạnh trong điều kiện thiếu ôxy, độ mặn cao. Tuy nhiên, Vibrio trước đây vẫn tồn tại mà không gây chết tôm, vì vậy cần phải điều tra nghiên cứu tác nhân thứ hai là “phage”.
Phage là thực khuẩn thể (thể thực chất là một loại virus mà loại virus này chỉ xâm nhập vào vi khuẩn), bình thường Vibrio cũng là vi khuẩn độc, khi phage xâm nhập vào vi khuẩn có thể làm tăng độc lực của Vibrio đối với tôm.
Trước tình hình tôm nuôi bị nhiễm bệnh, gây thiệt hại nghiêm trọng cho người nuôi, Tổng cục Thủy sản đã có những khuyến cáo như thế nào về vấn đề này, thưa ông?
Nhằm hạn chế dịch bệnh, tăng hiệu quả sản xuất, người nuôi cần lựa chọn tôm giống chất lượng tốt, vệ sinh ao nuôi thật kỹ và đặc biệt là không sử dụng thuốc BVTV, thả nuôi mật độ thưa. Lưu ý, cần ương giống trước khi thả nhằm kiểm soát chất lượng và tỷ lệ sống của tôm. Thời gian ương giống phù hợp là 25 - 30 ngày, nếu có rủi ro thì cũng dễ xử lý hơn. Đồng thời, cần đảm bảo lượng ôxy hòa tan cao, nhất là những tháng mùa hè, cần duy trì độ mặn vừa phải, cấp nước cao để hạn chế nhiệt độ nước tăng.
Tuân thủ khuyến cáo của cơ quan chức năng sẽ giảm thiểu dịch bệnh ở tôm nuôi - Ảnh: Trần Út
Mặt khác, người dân cần lựa chọn thật kỹ chế phẩm sinh học, nên chọn những sản phẩm đã được đăng ký lưu hành. Vì hiện nay có rất nhiều loại chế phẩm sinh học kém chất lượng, hàm lượng vi sinh có ích rất thấp so với công bố tiêu chuẩn, thậm chí có những chế phẩm lại chứa vi sinh vật có hại.
Đồng thời, các cơ quan chức năng cần quản lý chặt chẽ hơn nữa chế phẩm sinh học, công bố rộng rãi cho người dân biết sản phẩm nào tốt, sản phẩm nào xấu. Các cơ quan quản lý địa phương giám sát dịch bệnh nghiêm ngặt, đặc biệt là kiểm tra dịch bệnh tôm giống.
Đầu vụ tôm 2013 đã có một số diện tích tôm nuôi bị chết, đây là hiện tượng cục bộ hay lặp lại dịch bệnh của năm trước, thưa ông?
Vừa qua, một số tỉnh phía Nam thả nuôi và có hiện tượng tôm bị chết, nhưng tỷ lệ thấp. Có nhiều nguyên nhân như: thời gian thả sớm tôm bị bệnh đốm trắng (do nhiệt độ thấp, lạnh)... Trước đó, Tổng cục Thủy sản đã có hướng dẫn gửi các địa phương, một số mô hình ở Sóc Trăng đã áp dụng những khuyến cáo và có kết quả tương đối tốt.
Để biết được mức độ của dịch bệnh cần phải đợi thêm thời gian; tuy nhiên, nếu người dân thực hiện tốt theo khuyến cáo thì diện tích bị thiệt hại sẽ giảm đi nhiều. Năm 2013, Tổng cục Thủy sản và các đơn vị sẽ tiếp tục làm rõ thêm một số điểm về kết quả bước đầu: như vai trò và tác động qua lại của vi khuẩn và phage…
Trân trọng cảm ơn ông!