Người đàn ông đầu tiên bắt rắn độc nhả ra... vàng 9999 ở Việt Nam
- Thứ tư - 16/05/2018 22:40
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
1 gram nọc rắn đông khô có giá bằng 2 chỉ vàng 9999
Tìm đến Làng Lệ Mật (Việt Hưng, Long Biên, Hà Nội) nơi nổi tiếng có nghề săn bắt, nuôi và chế biến rắn lâu đời nhất miền Bắc, hỏi về cụ Nguyễn Đặng Pháo (SN 1939) ai cũng biết.
Cụ Pháo không chỉ là một trong những tay săn bắt rắn giỏi, am hiểu về các loại rắn, cách sơ cứu chữa trị khi bị rắn độc cắn mà còn là người chiết xuất nọc rắn, đông khô xuất khẩu đi nước ngoài. Thời điểm ấy, sau mỗi chuyến hàng, tiền cụ thu về đều tính bằng bao tải.
Kể về quãng thời gian hơn 40 năm “gắn bó cùng rắn độc”, cụ Pháo cho biết: “Nghề săn và thịt rắn là nghề lâu đời của gia đình ông, tính đến ông là đời thứ 4. Thời trẻ, ông Pháo từng đi khắp nơi để săn bắt, buôn bán rắn thịt. Sau khi gặp gỡ nhiều thầy thuốc đông y, tự tìm tòi, nghiên cứu tài liệu thì tôi mới biết được nọc rắn độc không phải là thứ bỏ đi mà thứ rất có giá trị đối với y học”.
Ngôi nhà 5 gian được làm bằng gỗ quý, kiên cố của cụ Pháo.
Đến năm 1972, thời điểm ấy rắn cũng đã khan hiếm nên cụ Pháo cùng hợp tác với một người bạn mở trang trại rắn đầu tiên tại Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc), nuôi các loại rắn độc, cung cấp nọc độc rắn cho Viện công nghệ sinh học bào chế thuốc.
Cụ Nguyễn Đặng Pháo kể về ký ức hơn 40 năm gắn bó cùng rắn độc.
Sau đó, nhận thấy thị trường lớn như Châu Âu, Nhật Bản, Trung Quốc có nhu cầu lớn về nọc độc rắn đông khô nên cụ đã chiết xuất nọc rắn độc, đông khô theo tiêu chuẩn và xuất khẩu theo đơn đặt hàng.
Mỗi chuyến hàng, tiền tính bằng bao tải. Nhiều đến mức khi nhà nước có lệnh đổi tiền tôi phải mang nhờ hàng xóm đổi hộ. Vì nhiều tiền quá, nhiều người cũng nghi ngờ, không biết làm thế nào mà tôi lại có nhiều tiền đến như vậy” - Nguyễn Đặng Pháo cho biết.
“Thời ấy, 1 gram nọc rắn đông khô có giá 240 nghìn đồng, mua được 2 chỉ vàng 9999. Cứ trung bình 100cc nọc rắn thì đông khô chỉ thu được 35 gram. Mà để có được 100cc nọc rắn thì phải bóp miệng khoảng 150 con rắn nặng từ khoảng 300 gram trở lên. Khi chiết xuất nọc rắn phải cực kỳ cẩn thận".
Cũng theo cụ Pháo, thời điểm đó, tại Việt Nam chưa có huyết thanh trị rắn độc cắn, trong khi nọc độc dùng để nghiên cứu giá quá đắt đỏ nên TS. BS. Trịnh Xuân Kiếm, Nguyên trưởng khoa huyết học Bệnh viện Chợ Rẫy - TP. Hồ Chí Minh, người bào chế thành công huyết thanh kháng nọc đã bán cả nhà riêng lấy tiền nghiên cứu.
“Lần TS.BS. Trịnh Xuân Kiếm đến nhà tôi để mua nọc rắn tôi đã cho không mà không lấy một đồng nào. Tôi nghĩ rằng nọc độc rắn bình thường cũng chỉ vứt đi, giờ có người đến nghiên cứu cho y học thì tôi cũng rất vui. Đúng là người có học, ít lâu sau thì tôi biết tin Bác sĩ Kiếm đã bào chế thành công huyết thanh kháng nọc và cứu chữa được cho rất nhiều nạn nhân bị rắn độc cắn” – cụ Pháo kể lại.
9 lần bị rắn độc cắn mà vẫn bình an
Trong suốt hơn 40 năm hành nghề, cụ Pháo đã 9 lần bị rắn độc cắn, ấy vậy mà cụ đều qua khỏi. Theo cụ Pháo, tại làng Lệ Mật có những bài thuốc cổ truyền trị rắn độc cắn rất hiệu quả. Riêng cụ cũng tự nghiên cứu được bài thuốc riêng có tác dụng nhanh hơn mà không để lại sẹo lớn. Nhưng tiếc là những loại thuốc ấy giờ đã không còn trên thị trường để mua.
Dù đã bỏ nghề hơn 30 năm, nhưng cụ Pháo vẫn rất minh mẫn, nhớ rõ tên khoa học của một số loại rắn, triệu chứng khi bị 3 loại rắn độc: Cạp nong, cạp nia và hổ mang bành cắn và cách sơ cứu thông thường.
9 lần bị rắn độc cắn đã để lại trên hai bàn tay cụ Pháo nhiều vết sẹo.
Theo cụ Pháo, tại vùng đồng bằng Sông Hồng chỉ có 3 loại rắn độc, còn lại là rắn không độc. Trong đó, rắn cạp nia (rắn khúc đen, khúc trắng hay rắn trắng đen) là loại rắn độc nhất. Nếu không chữa trị kịp thời thì khoảng 4 tiếng là sẽ tử vong. Khi bị loại rắn này cắn đường hô hấp sẽ bị ức chế, tiêu diệt thần kinh, đầu ê buốt khiến nạn nhân không thở được.
Rắn cạp nia. Ảnh Wikipedia
Loại rắn độc thứ hai là rắn hổ mang bành, khi bị rắn cắn nọc chạy đến đâu thì máu sẽ bị tiêu diệt, sưng lên thành nước, nếu không nhanh chóng tháo nước ra thì phần thịt sẽ bị hoại tử, rụng đốt và chết dần dần.
Rắn hổ mang bảnh. Ảnh Wikipedia
Loại rắn độc thứ 3 là rắn cạp nong (hay còn gọi là khúc đen, khúc vàng) triệu chứng tương tự như khi bị rắn hổ mang bành cắn, tuy nhiên nó không sưng nhiều mà nọc chạy tới đâu da thịt bầm tới đó.
Rắn cạp nong. Ảnh Wikipedia
Cụ Pháo nhấn mạnh, trong trường hợp bị rắn độc cắn mà không có thuốc ngay thì cần sơ cứu vết thương tại chỗ bằng cách dùng dây buộc chặt ngay phần trên phần bị cắn lại để ngăn cản nọc độc rắn chạy vào máu. Tiếp theo là lấy mũi dao rạch phần 2 vết răng có chứa nọc độc rồi bẩy nọc độc ra ngoài. Sau đó dùng nước ấm pha với muối hạt để rửa, nạo vét vết thương cho tới khi nọc ra hết.
Tiếp đến dùng 3 phần tỏi và 1 phần muối hạt giã nát, đắp vào vết thương sau đó nhanh chóng đến bệnh viện. Hoặc có thể sử dụng lá đơn răng cưa nấu nước uống để giải độc rắn, tiêu sưng rất hiệu quả.
Theo cụ Pháo, lá Đơn răng cưa có tác dụng tiêu sưng, chữa độc rắn rất tốt khi nấu nước uống.
Cụ Pháo có 6 người con, nhưng hiện tại không ai còn theo nghề của cụ, phần vì nguy hiểm, phần vì rắn tự nhiên hiện nay cũng đã khan hiếm vì thế nên con cái cụ đã chuyển làm những công việc khác.
Dù đã không còn gắn bó với rắn độc, nhưng những ký ức về những năm tháng “ăn ngủ cùng rắn” ấy đối với cụ Pháo sẽ mãi là ký ức không bao giờ quên, bởi chính nhờ nó mà gia đình cụ có được cuộc sống khá dư dả như hiện tại.