Người nuôi tôm, cá tra được giãn thời gian trả nợ

Người nuôi tôm, cá tra được giãn thời gian trả nợ
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng vừa ký Quyết định số 540/QĐ-TTg về chính sách tín dụng đối với người nuôi tôm, cá tra. Quyết định này quy định việc xử lý đối với các khoản nợ quá hạn và nợ đã được cơ cấu của khách hàng là hộ dân, chủ trang trại, hợp tác xã nuôi tôm và cá tra gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh và trả nợ tổ chức tín dụng đến ngày 31/12/2013.

Khoanh nợ để giúp dân

Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và PTNT cho thấy, trong ba tháng đầu năm 2014, diện tích nuôi cá tra tại các tỉnh ĐBSCL giảm từ 2 -10% so với cùng kỳ năm trước, tuỳ từng địa phương. Nguyên nhân là do giá cá tra giảm mạnh (các nhà máy mua của nông dân với giá từ 21.500 - 24.000 đồng/kg, trong khi giá thành sản xuất lên đến 23.000 - 23.500 đồng/kg) khiến người nuôi lỗ nặng.

Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), Hiệp hội không thể biết số tiền nợ ngân hàng của người nuôi cá tra, tôm là bao nhiêu.

“Việc Chính phủ có Quyết định 540 là do thời gian qua nhiều hộ nuôi tôm, cá tra treo ao vì thua lỗ, giá bán thấp hơn giá thành. Vì thế, việc khoanh nợ sẽ giúp cho bà con có thể đầu tư nuôi trở lại,” ông Hòe nói.

Ông Hòe cho rằng, về lý thuyết, người nuôi tôm, cá tra có thể được khoanh nợ cũ, nợ quá hạn nhưng để vay lại tiền từ các ngân hàng thương mại để tiếp tục nuôi sẽ gặp khó khăn hơn trước đây. Lúc này, để vay được tiền, người nuôi ít nhất phải có những cam kết là khi nuôi lại tôm, cá tra phải có lãi hoặc những cam kết tương đương.

Việc người nuôi tôm, cá tra gặp khó vì nợ ngân hàng không phải bây giờ mới có mà đã tồn tại từ lâu và đã được hỗ trợ giải quyết. Cụ thể, vào tháng 3/2013, sau chuyến khảo sát tại các hộ dân, công ty nuôi cá tra ở ĐBSCL, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã có kiến nghị với Chính phủ cho gia hạn thời gian cho vay đối với người nuôi cá tra.

Bên cạnh đó, Bộ cũng kiến nghị các ngân hàng cần xem xét thay đổi bổ sung giá trị tài sản thế chấp như giá trị cá trong ao nuôi, hạ tầng ao nuôi làm tài sản thế chấp để tiếp tục vay vốn từ ngân hàng.

Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và PTNT, năm 2012, tổng dư nợ cho vay nuôi trồng, chế biến cá tra xuất khẩu của các tổ chức tín dụng khu vực ĐBSCL là 22.777 tỉ đồng. Còn năm 2013, Bộ chưa có thống kê về số nợ của người nuôi tôm, cá tra.

Tiếp tục cho vay mới

Quyết định 540 quy định, tổ chức tín dụng xử lý các khoản nợ của khách hàng gặp khó khăn tạm thời trong việc trả nợ như sau: Cơ cấu lại nợ tối đa 36 tháng (bao gồm cả thời gian đã được cơ cấu lại nợ); không thu lãi quá hạn, lãi phạt đối với các khoản nợ được cơ cấu; ưu tiên thu nợ gốc trước, thu nợ lãi sau; trường hợp khách hàng đã trả xong nợ gốc, chưa trả hết nợ lãi thì tổ chức tín dụng thoả thuận với khách hàng để có kế hoạch thu dần hàng năm tiếp theo; miễn, giảm lãi vay theo quy định của tổ chức tín dụng.

Về xử lý các khoản nợ quá hạn của khách hàng không có khả năng trả nợ do nguyên nhân khách quan, bất khả kháng, Quyết định quy định tổ chức tín dụng trên cơ sở xác nhận của UBND cấp xã về việc khách hàng gặp khó khăn do nguyên nhân khách quan, bất khả kháng (thiên tai, dịch bệnh…) để quyết định khoanh nợ trong thời hạn 3 năm đối với khách hàng. Tổ chức tín dụng căn cứ vào tình hình thực tế yêu cầu khách hàng đủ điều kiện khoanh nợ, hoàn tất các thủ tục khoanh nợ để tổng hợp, báo cáo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trước ngày 31/7/2014.

Trong thời gian khoanh nợ, tổ chức tín dụng tính lãi nhưng không thu của khách hàng; trường hợp sau 3 năm khách hàng trả được đầy đủ gốc thì xóa lãi cho khách hàng; trường hợp khách hàng không trả được nợ gốc thì tổ chức tín dụng xử lý theo quy định của pháp luật.

Số lãi khách hàng chưa trả được đến thời điểm khoanh nợ, tổ chức tín dụng xem xét thực hiện miễn, giảm lãi theo các quy định hiện hành (không tính lãi quá hạn, lãi phạt).

Đồng thời, tổ chức tín dụng tiếp tục thực hiện phân loại nợ, trích lập dự phòng rủi ro theo nhóm nợ đang áp dụng đối với khoản nợ tại thời điểm khoanh nợ.

Ngân hàng Nhà nước sẽ cho vay tái cấp vốn tương ứng với số tiền tổ chức tín dụng thực hiện khoanh nợ cho khách hàng với lãi suất 0%/năm. Thời hạn tái cấp vốn là 364 ngày và được gia hạn tự động hàng năm với thời gian 3 năm. Ngân hàng Nhà nước căn cứ vào danh sách khách hàng đủ điều kiện khoanh nợ do tổ chức tín dụng báo cáo để thực hiện giải ngân đối với tổ chức tín dụng.

Ngoài ra, Quyết định cũng quy định tổ chức tín dụng được tiếp tục xem xét cho khách hàng vay mới để khôi phục sản xuất, kinh doanh trên cơ sở phương án kinh doanh hiệu quả, khả thi và không phụ thuộc vào các khoản nợ đã được xử lý theo quy định của Quyết định này.
 

 

Theo Bộ Nông nghiệp và PTNT, sản lượng nuôi trồng thủy sản tháng 2 năm 2014 ước đạt 141.000 tấn, giảm 1,4% so với cùng kì năm trước. Trong đó, sản xuất cá tra vẫn đang gặp phải hàng loạt các khó khăn như cung cầu không ổn định, chất lượng con giống giảm, giá nguyên liệu thấp hơn giá thành, giá thức ăn, thuốc... luôn tăng trong khi đầu ra lại bất ổn nên nhiều người nuôi treo ao, hạn chế thả nuôi.

Theo báo cáo của các Sở Nông nghiệp và PTNT thuộc Đồng bằng sông Cửu Long, diện tích và sản lượng cá tra của một số tỉnh tháng 2/2014 đều giảm so với cùng kỳ năm trước, cụ thể, Cần Thơ thả nuôi 480ha (giảm 8,57%), sản lượng 7.540 tấn (giảm 5,99%); Vĩnh Long thả nuôi 277ha (giảm 10%), sản lượng 19.735 tấn (giảm 11,5%); Đồng Tháp thả nuôi 989ha (giảm 4,7%), sản lượng 31.475 tấn (giảm 0,9%).

 

P.Nhi - N.Hùng
Nguồn: kinhtenongthon.com.vn