Nguy cơ mất nghề muối ở Nghệ An

Nguy cơ mất nghề muối ở Nghệ An
Những năm gần đây, giá muối liên tục giảm, hạt muối ngày càng kém chất lượng do đồng muối bị ngọt hoá, ô nhiễm khiến hàng trăm diêm dân ở xã Diễn Ngọc (Diễn Châu - Nghệ An) buộc phải bỏ nghề truyền thống, xoay sang làm nghề khác, cuộc sống càng thêm khó khăn.

Đó là tâm trạng của nhiều người dân ở Hợp tác xã sản xuất muối Hải Thượng, xã Diễn Ngọc. Nghề muối tuy vất vả, cực nhọc nhưng là thu nhập chính của đại đa số bà con nơi đây. Mấy năm nay, đồng muối bị ngọt hoá khiến việc sản xuất gặp nhiều khó khăn. Đất làm muối đành bỏ hoang, hàng trăm diêm dân phải tìm nghề mới để lo cho cuộc sống hàng ngày. 

Ông Nguyễn Văn Đặng, 68 tuổi, ở xóm Hồng Yên buồn rầu nói: “Trước đây, gia đình làm 200 ô muối (2.000m2), mỗi ngày thu được 120kg. Nhưng nay đồng muối bỏ hoang mấy năm rồi. Tôi già rồi, không đi làm thuê được, giờ 2 vợ chồng vừa nấu rượu, vừa chăn nuôi đắp đổi qua ngày”.

Theo ông Nguyễn Xuân Tỵ, Chủ nhiệm Hợp tác xã muối Hải Thượng, hợp tác xã được thành lập năm 1967 với 295 hộ (750 khẩu) chuyên làm muối. Để làm ra được hạt muối, bà con phải dậy từ 4 giờ sáng, qua nhiều công đoạn và dầm mình cả ngày ngoài trời nắng đến tối mịt mới có sản phẩm. Dù vậy, ai cũng cố gắng bám trụ với nghề. Năm 2011, đồng muối của hợp tác xã bị ngọt hoá, năng suất, chất lượng muối sụt giảm, sản phẩm làm ra không đủ so với vốn đầu tư nên xã viên có nguyện vọng xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Những nghề phụ trước kia như tráng bánh đa, bánh mướt... nay trở thành nghề cho thu nhập chính. “Xã viên cũng đã cải tạo đồng muối nhưng do ruộng bị ngọt hoá nên chất lượng muối sụt giảm, việc sản xuất vô cùng khó khăn. Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị lên chính quyền, xã và huyện cũng đã có chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng đất tại đồng muối nhưng đến giờ vẫn chưa thấy gì”, ông Tỵ nói.

Kế hoạch chuyển đổi… trên giấy

Ông Đậu Xuân Thủy, Chủ tịch UBND xã Diễn Ngọc cho biết: Hiện, tổng diện tích muối của xã là 31ha. Trước đây, vào thời điểm này, đồng muối rất nhộn nhịp. Bà con lo tu sửa kênh mương, ô nại để kịp cho vụ sản xuất mới nhưng bây giờ thì hoàn toàn trái ngược. Trước thực tế này, xã đã báo cáo lên huyện, huyện cũng đã có chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng đất tại đồng muối này thành trung tâm thương mại dịch vụ buôn bán, chế biến... nhằm tạo việc làm cho bà con. “Tuy nhiên, việc hỗ trợ dân cải tạo, chuyển đổi hình thức sản xuất vượt ngoài khả năng của xã. Huyện đang kêu gọi và thu hút đầu tư. Hiện, chủ trương này vẫn chưa có kế hoạch cụ thể và chưa biết lúc nào mới triển khai”, ông Thủy thẳng thắn thừa nhận.

Theo báo cáo của Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Diễn Châu, trên địa bàn huyện có 4 xã sản xuất muối với 165,7ha. Số lao động tham gia sản xuất muối toàn huyện là 2.988 người, giảm 709 người so với năm 2011. Bà Phạm Thị Đào, chuyên viên Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện cho biết: “Với diện tích muối không hiệu quả như Diễn Ngọc, huyện đã có chủ trương thu hút đầu tư để chuyển đổi hình thức sản xuất nhưng tất cả đang nằm... trên giấy. Đã có một vài nhà đầu tư xin được tham gia nhưng do không đáp ứng các yêu cầu nên huyện chưa quyết. Trước mắt, khi chưa chuyển đổi, huyện vẫn chỉ đạo địa phương cải tạo đất để tiếp tục sản xuất”. 

Cũng theo bà Đào, ngoài xã Diễn Ngọc, xã Diễn Kỷ có gần 15ha đất làm muối nhưng hiện chỉ có khoảng 6ha đang sản xuất, còn gần 9ha bị bỏ hoang do không hiệu quả.

VPNA