Nguy cơ tái dịch

Dịch bệnh cúm gia cầm, lở mồm long móng… lắng xuống nhưng nếu không kịp thời khắc phục những hạn chế, nguy cơ tái dịch sẽ xảy ra. Đó là nhận định của Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tại Hội nghị sơ kết phòng chống dịch cúm gia cầm các tỉnh phía Nam vừa được tổ chức cuối tuần qua tại TPHCM.

 


Nuôi gia cầm tập trung an toàn sinh học, cách xa khu dân cư là mô hình được khuyến khích. (Trong ảnh: Trại gà trứng của Công ty TNHH Ba Huân ở Bình Dương).

Đã khống chế cúm gia cầm

Sau khi lan rộng ra 33 tỉnh, thành, gồm 155 xã, 90 huyện làm trên 211.000 con gia cầm bị nhiễm bệnh, trong đó trên 101.000 con gia cầm bị chết, chưa kể tại một số địa phương xuất hiện các điểm dịch gia cầm nhỏ ở vài hộ chăn nuôi, nhưng được phát hiện và xử lý kịp thời, không để lây lan. Như vậy, so với 6 tháng đầu năm 2013, diện tích và mức độ dịch tăng nhiều, số xã có dịch tăng 4,6 lần, số gia cầm phải tiêu hủy tăng 3,4 lần. Nếu tính theo tỉnh, gấp hơn 6 lần, chủ yếu tập trung ở khu vực Bắc Trung bộ và Nam bộ, trong đó 2 địa phương bị nặng là Khánh Hòa và Trà Vinh.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám cho biết, đã khống chế được dịch cúm gia cầm H5N1 sau thời gian bùng phát mạnh, đặc biệt trong 3 tháng đầu năm. Nhưng điều đáng mừng là chúng ta đã ngăn ngừa thành công khi chưa phát hiện có virus cúm H7N9 trên đàn gia cầm Trung Quốc xâm nhập vào Việt Nam.

Theo ông Phạm Văn Đông, Cục trưởng Cục Thú y, đến hết tháng 4 đã lấy 73.282 mẫu xét nghiệm các loại (mẫu swab hầu họng, từ môi trường và nguồn nước) tại trên 100 chợ, điểm bán gia cầm ở 11 tỉnh, TP. Trong đó có gần 10.000 mẫu dương tính với cúm A, chiếm trên 15% tổng số mẫu xét nghiệm, nhưng không có mẫu nào dương tính với cúm H7N9.

Thứ trưởng Vũ Văn Tám cho biết, việc phòng chống cúm gia cầm đã có bước phát triển đáng kể, từ chỗ bị động ứng phó khi dịch cúm xảy ra, thời gian qua ngành thú y đã chủ động giám sát việc lưu hành virus cúm trên gia cầm ở các chợ, khâu vận chuyển, các trại nuôi…để theo dõi lượng virus và xác định rõ nhóm và nhánh virus nhằm chuẩn bị trước chủng loại vaccine phù hợp.

Đáng nói, sau khi virus cúm gia cầm nhánh 2.3.2.1C lan vào các tỉnh phía Nam, cùng lúc có cả nhánh 1.1 và nếu không phân loại kịp thời để tiêm phòng sẽ không có hiệu quả dù đã tiêm phòng đầy đủ. Không chỉ cúm gia cầm, ngành thú y còn khống chế dịch bệnh lở mồm long móng, trong khi dịch bệnh heo tai xanh (PRSS) 9 tháng qua cả nước vẫn kiểm soát tốt, không để phát sinh các ổ dịch.

Nhưng vẫn nhiều nguy cơ

     
     
     
 

* Hàng năm có trên 100 người chết vì bệnh dại khi bị chó dại cắn. Vì vậy, cần đưa vào kiểm soát tốt để giảm thiểu tối đa tử vong trên người. Thời gian qua có 9 tỉnh, TP nghi có bệnh dại, các ca bệnh chủ yếu ở các tỉnh miền núi phía Bắc và miền Trung với 13 người tử vong.

 
     
     

Tuy nhiên, cũng theo Thứ trưởng Vũ Văn Tám, không được chủ quan, bởi nguy cơ các loại dịch bệnh luôn tiềm ẩn khi những bất cập trong quản lý chưa được khắc phục như ở Trà Vinh, chưa có hệ thống thú y cơ sở, chỉ có mạng lưới thú y cộng tác hoạt động thời vụ, chưa được trả lương theo định xuất nên quá trình chỉ đạo thực hiện gặp khó khăn, bị động trong việc chủ động lực lượng tham gia phòng chống. Công tác kiểm tra và phát hiện dịch bệnh bị chậm trễ, không thể xử lý kịp thời.

Ngay cả dụng cụ chẩn đoán xét nghiệm của đơn vị chưa được trang bị đầy đủ nên hoạt động của phòng chẩn đoán xét nghiệm chưa thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ. Việc lấy mẫu và gửi mẫu phẩm bệnh đi xét nghiệm chưa được thực hiện tốt.

Vì vậy, Chi cục Thú y Trà Vinh kiến nghị, Bộ NN-PTNT có tác động trực tiếp với tỉnh để nhanh chóng hình thành mạng lưới thú y xã, phường, thị trấn theo công văn 1569/2007 của TTCP, tạo điều kiện thuận lợi thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ chuyên môn của ngành.

Trong khi đó, tại tỉnh Khánh Hòa, việc quản lý vật nuôi xuất nhập vào địa phương và tổ chức việc tiêm phòng, giám sát đều có vấn đề. Như vaccine, có trường hợp tiêm không hết để dành lần sau! Hay tình trạng “dồn” vaccine dư vào một liều để tiêm sau đó nên hiệu quả của vaccine bị mất hiệu lực. Ngay cả khi ổ dịch vừa xử lý xong, người nuôi lại đưa gà khỏe vào khu vực gà chết để nuôi lại nhưng việc tiêu độc khử trùng và phun xịt mầm bệnh môi trường chưa được xử lý. Đó là những lý do khiến 2 địa phương này bị thiệt hại nặng. Ngay cả giám sát việc lưu hành các nhánh virus cúm dù đã triển khai nhưng vẫn chưa đồng bộ.

Điển hình là TP Cần Thơ, do chưa xác định chủng loại, tỷ lệ nhánh virus lưu hành trên địa bàn từng quận, huyện đối với 2 nhánh virus 1.1 và 2.3.2.1C gây bệnh trên gia cầm nên gặp khó khăn trong việc xác định vaccine phù hợp. Ngoài ra, do tập huấn, đào tạo chưa tốt nên việc lấy mẫu không chuẩn cũng gây khó khăn cho việc phòng chống. Ngay cả việc giám sát dịch tễ hiện nay còn hạn chế, đặc biệt là xác định nhánh virus lưu hành tại địa phương. Từ đầu năm 2014 đến nay chỉ có 3/19 mẫu được gửi đi để xác định nhánh. 

Hơn nữa, tập quán nuôi nhỏ lẻ, phân tán vẫn còn, trong lúc mô hình nuôi an toàn sinh học chưa nhiều, nhận thức của người nuôi về tiêm phòng còn hạn chế, chưa tự giác phối hợp với ngành thú y địa phương trong tiêm phòng tại chỗ. Dù tỷ lệ tiêm phòng có tăng lên nhưng vẫn chưa đạt yêu cầu. Đây là những hạn chế làm dịch bệnh luôn có nguy cơ trở lại khi có điều kiện, đặc biệt là những tháng cuối năm, trong bối cảnh việc chăn nuôi được phục hồi và phát triển, nhất là việc nuôi tự phát.

Vì vậy, để phòng chống dịch bệnh hiệu quả, bao gồm cúm gia cầm, lở mồm long móng, heo tai xanh, Chi cục Thú y Đắk Lắk đề nghị, Bộ NN-PTNT có văn bản chỉ đạo triển khai công tác phòng chống dịch bệnh hàng năm để ngành thú y địa phương có cơ sở chủ động lập kế hoạch và làm việc với địa phương.

 
Công Phiên
Nguồn sggp.org.vn