Nhà khoa học nói gì?
- Thứ tư - 17/06/2015 22:03
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
TS Phạm Thị Tuyết Ngân (ảnh), Khoa Thủy sản, ĐH Cần Thơ đứng đầu danh sách các nhà khoa học thực hiện đề tài “Tác động tích cực của giống lúa lai Arize B-TE1 đến hiệu quả nuôi tôm ở vùng tôm lúa Bạc Liêu, Cà Mau và Kiên Giang”. Bà cắt nghĩa với NNVN về tính thuyết phục của mô hình.
Tại sao có thể gọi luân canh tôm - lúa là "mô hình không tham lam", thưa bà?
Vì nó không làm kiệt quệ nguồn tài nguyên mà vẫn giữ lại cho đất, cho nước dinh dưỡng.
Năng suất của mô hình có thể không cao nên lợi nhuận không thật nhiều nhưng vẫn đảm bảo được cuộc sống lâu dài cho nông dân vì không bị mất mùa, không gây phá sản, đặc biệt là môi trường không suy thoái, giữ được hệ sinh thái cân bằng. Nuôi tôm công nghiệp thường dịch bệnh rất nhiều, cứ tiếp tục nuôi sẽ dễ thất bại.
Đã nuôi tôm là không thể dừng lại được vì đất đã nhiễm mặn, vì ao đã đào rồi không thể chuyển đổi về trồng lúa như trước được nữa. Nó giống như cưỡi trên lưng hổ mà không thể nhảy xuống vậy!
Người đã đào ao nuôi tôm rồi nên tìm giải pháp khác như nuôi cá để ít rủi ro hơn dù lợi nhuận không cao nhưng vẫn có thu hoạch, không dễ bị mất trắng.
Những nội dung chính của đề tài là: Khảo sát chất lượng môi trường (nước và đất), phiêu sinh vật (động, thực vật nổi, đáy) trong giai đoạn canh tác lúa và tôm. Khảo sát thành phần và số lượng các nhóm vi khuẩn hữu ích. Khảo sát sự hiện diện của nhóm vi khuẩn Vibrio. Khảo sát sự hiện diện của mầm bệnh virus bằng phương pháp PCR. Đánh giá sự tác động của các yếu tố môi trường này lên hiệu quả canh tác của lúa tôm.
Những ai chưa nuôi nên áp dụng mô hình tôm - lúa vì tính bền vững của nó. Tất nhiên cũng tùy điều kiện khí hậu, thời tiết của từng vùng chứ không phải chỗ nào cũng có thể áp dụng mô hình kết hợp này được.
Là một người gắn bó với nghề thủy sản, bà có thể nói ngắn gọn về những thảm cảnh của người nông dân khi họ nuôi tôm độc canh?
Thường bắt đầu nuôi tôm, một hai vụ đầu người ta trúng rất huy hoàng. Sang vụ thứ ba về sau là năm ăn, năm thua, có khi trúng, có khi thất.
Tại sao như vậy? Phần lớn do ảnh hưởng của môi trường. Khi nuôi tôm phải sử dụng nhiều hóa chất gây ô nhiễm. Những chất gây ô nhiễm ngày càng tích tụ nhiều sẽ gây hại cho tôm.
Ở trong vùng nuôi không có quy hoạch, không xử lý nước, khi tôm có bệnh người ta cũng thải nước ra môi trường khiến dịch lan tràn, không có cách nào ngăn chặn nổi bởi ao nuôi này không cách ly được với ao nuôi kia.
Sau ba năm nuôi tôm người dân thường bị mất trắng cho nên có nhiều tỉ phú nuôi tôm hôm nay nhưng hôm sau mắc nợ ngân hàng mà không còn khả năng chi trả.
Tỷ lệ thiệt hại do nuôi tôm công nghiệp lên tới trên 50%, có nơi tới 80 - 90% như Bạc Liêu, Cà Mau, Sóc Trăng… nên chúng tôi khuyến cáo bà con hãy nuôi bán công nghiệp hoặc nuôi kết hợp với cá.
Tiềm năng phát triển của mô hình tôm - lúa ra sao?
Mô hình tôm lúa ứng dụng cho các tỉnh ven biển, đất nhiễm mặn. Ở đó lúc trời mưa nước ngọt người ta trồng lúa, hết vụ lúa bắt đầu nuôi tôm. Lợi ích của việc kết hợp lúa tôm là đem lại năng suất nhiều hơn trồng đơn hoặc nuôi đơn.
Mô hình tôm - lúa
Khi nuôi tôm chất dinh dưỡng nhiều, hết vụ nuôi chất dinh dưỡng đó sẽ là nguồn phân bón cho lúa. Thu hoạch lúa xong thân rạ, rễ lúa sẽ là nguồn thức ăn của động vật phù du làm thành chuỗi thức ăn cho tôm.
Cả hai đều tăng năng suất nên đem lại hiệu quả kinh tế khá. Mặt khác khi kết hợp, không nuôi liên tục tôm hoặc trồng liên tục lúa, đất và nước có thời gian nghỉ, sẽ cắt được mầm bệnh nên hạn chế dịch bệnh của cả lúa lẫn tôm.
Mô hình tôm - lúa giúp tăng năng suất, lợi nhuận và ứng dụng tốt khi khí hậu thay đổi, đất nước bị nhiễm mặn.
Trong những năm gần đây, luân canh tôm lúa phát triển mạnh ở các tỉnh ven viển khu vực đồng bằng sông Cửu Long với diện tích khoảng 150.000 ha.
Chúng tôi khuyến khích người dân ứng dụng mô hình này. Lợi ích trước mắt của nó đã thấy rồi còn về lâu dài, mô hình rất bền vững vì không ảnh hưởng đến môi trường, vì nông dân có thể cải thiện được cuộc sống.
Cùng mô hình tôm - lúa nhưng bà con có thể nuôi tôm sú luân canh với lúa hay cấy lúa xen canh cùng tôm càng xanh (cấy lúa ở giữa xung quanh nuôi tôm).
Xin cảm ơn bà!
Tác động rõ rệt
Tác động của lúa: Do Arize B-TE1 có bộ rễ dài ăn sâu hơn hẳn các giống lúa thuần nên hút hết các chất ô nhiễm trong ao, làm trong sạch môi trường, hạn chế độc tố giúp tôm sinh trưởng phát triển tốt. Sau khi thu hoạch lúa để lại một lượng sinh khối lớn thân và rễ, khi số này phân hủy hoàn chỉnh sẽ kích thích sự phát triển của phiêu sinh vật làm thức ăn cho tôm.
Tác động của nuôi tôm: Sau mỗi vụ nuôi có thêm một lượng chất dinh dưỡng bồi lắng nên đất có độ màu mỡ cao từ đó giảm được lượng phân bón cho lúa. Ngoài ra quá trình cải tạo đất từ mặn sang ngọt để trồng lúa giúp cắt đứt mầm bệnh gây hại trên tôm, hạn chế sự suy thoái đất đai do nuôi tôm liên tục nhiều năm.
Nhìn tổng thể, kết quả nghiên cứu chứng minh sự gia tăng lợi nhuận từ mô hình luân canh lúa tôm sử dụng giống lúa lai Arize B-TE1 lên đến 45% so với giống lúa thuần. Điều này đã được xác nhận bởi Trung tâm KN-KN Kiên Giang.
Theo: nongnghiep.vn