Nhà nông cay đắng đổ bỏ hàng trăm tấn hành tây
- Thứ hai - 22/06/2015 22:45
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Liên tiếp nhận trái đắng
Sáng 22.6, anh Nguyễn Văn Thi -ND đã nhiều năm gắn bó với nghề trồng hành tây ở phường 7, TP.Đà Lạt than thở với phóng viên NTNN: “Năm ngoái, nhà tôi và nhiều gia đình khác không bán được hành phải đem đi đổ, tưởng năm nay giá sẽ đỡ hơn, nào ngờ vẫn phải ăn trái đắng!...”. Vụ vừa qua, anh Thi đầu tư gần 40 triệu đồng làm 5 sào hành tây, thu về gần 50 tấn củ. Tuy nhiên do giá xuống quá thấp, chỉ còn 2.000 đồng/kg nên vợ chồng anh quyết định cất hành vào kho chờ tăng giá. Song chờ mãi, giá hành vẫn ngày càng thấp trong khi số hành trong kho gặp thời tiết nóng ẩm nên nảy mầm hoặc thối rữa. Hiện anh đã phải mang đổ bỏ hơn 3 tấn, hơn 10 tấn khác có nguy cơ nảy mầm nên anh Thi đành bán tháo cho thương lái với giá chỉ 500 đồng/kg.
Từ TP.Đà Lạt, chúng tôi đi về huyện Đơn Dương (nơi trồng hành tây lớn nhất Lâm Đồng), thấy cảnh hành tây bị đổ bỏ hàng đống thối rữa dọc đường mà không khỏi xót xa. Ông Nông Văn Lương ở thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Đơn Dương than thở: “Như thế này thì đổ nợ đến nơi! Năm ngoái cũng đã phải đổ rồi, giờ đổ nữa, khổ quá chú ơi!”.
Theo tìm hiểu của phóng viên NTNN, hiện giá hành tây so với đầu vụ đã tăng lên và đạt mức cao nhất là 2.900 đồng/kg. Việc giá tăng như vậy đã khiến nhiều ND thêm hy vọng nên hàng chục ngàn tấn hành vẫn nằm trong kho. Đây có thể nói là một việc làm mạo hiểm, bởi trong điều kiện thời tiết liên tục có mưa như hiện nay, chưa biết số hành đang cất giữ có thể sẽ thối rữa, lên mầm lúc nào. Còn nếu may mắn thì người tích trữ hành có thể vớt vát được công sức đã bỏ ra.
Cung vượt quá cầu
Ông Nguyễn Quang Thuận - Chủ tịch Hội ND phường 7, nơi trồng nhiều hành tây lớn nhất TP.Đà Lạt, cho biết, trong vụ đông xuân vừa qua, thống kê riêng tại khu vực Đất Mới có khoảng 200ha hành, đạt sản lượng khoảng 2.000 tấn củ. Tuy nhiên, năm nay giá hành từ đầu vụ xuống rất thấp nên phần lớn các hộ trồng hành đã thu hoạch cho vào kho trữ, chờ giá lên mới bán. Do gặp thời tiết bất lợi ngay từ lúc mới thu hoạch nên chỉ 2 tháng sau, số hành tích trữ đã bắt đầu hư thối.
Theo ông Thuận, nguyên nhân khiến giá hành tây xuống thấp trong hai năm qua, nhất là niên vụ này là do người dân đã đổ xô trồng hành tây quá nhiều, không riêng gì Đà Lạt mà các huyện Đơn Dương, Lạc Dương, Đức Trọng người dân cũng trồng với diện tích rất lớn. “Cung vượt quá cầu đã khiến người ND phải gánh thiệt hại như hôm nay mặc dù chúng tôi đã vận động người dân không nên tập trung trồng hành tây quá nhiều. Thế nhưng, thói quen canh tác trong nhiều năm qua đã khiến người dân không dứt được khỏi với cây trồng này”- ông Thuận nói.
Ông Lê Văn Minh - Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Lâm Đồng, cho rằng, cần phải xây dựng hệ thống dự báo thị trường nhằm giải rủi ro đến mức thấp nhất cho ND. Đồng thời, ND dựa vào dự báo đó mà có lựa chọn cây trồng phù hợp. Ông Minh cũng cho biết, ý tưởng này đã và đang được tỉnh xây dựng.
Theo Danviet.vn