Nhân lực, chìa khóa thành công của hợp tác xã (Tiếp theo và hết)
- Thứ tư - 23/11/2016 20:17
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
|
Thực tế ấy cũng cho thấy vấn đề đào tạo cán bộ HTX cần phải được thay đổi và cần có nhiều chính sách ưu đãi hơn để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao.
Thiếu người tài, yếu cả nguồn lực
Sau một thời gian dài loay hoay, đến nay, TP Hồ Chí Minh vẫn chưa tìm ra mô hình chuẩn để phát triển HTX vì nhiều lý do như: thiếu thị trường, không còn hiệu quả kinh tế - xã hội, nhất là thiếu hụt nguồn nhân lực có trình độ... Thống kê của Liên minh HTX thành phố Hồ Chí Minh cho thấy, đến hết tháng 9-2016, toàn thành phố có 505 HTX và năm Liên minh HTX, trong đó có 379 HTX và bốn Liên minh HTX đang hoạt động, số còn lại đã ngừng hoạt động, hoặc giải thể.
Về nguồn nhân lực, tính đến thời điểm này, các HTX của thành phố có khoảng 60 nghìn lao động. Tuy nhiên, số lao động phân bố không đều và tập trung chủ yếu ở các HTX giao thông vận tải, tín dụng, thương mại - dịch vụ, còn lại số ít làm trong các HTX nông nghiệp và tiểu thủ công nghiệp. Đáng chú ý, cũng giống như tỉnh Lâm Đồng có tới gần một nửa số cán bộ quản lý HTX chưa qua đào tạo bài bản, chất lượng nguồn nhân lực trong các HTX tại TP Hồ Chí Minh như Liên minh HTX thành phố thừa nhận là “còn rất thấp” và không đồng đều.
Tỷ lệ cán bộ quản lý đã qua đào tạo là 61%, trong đó 10% có trình độ đại học, 14% cao đẳng, 37% trung cấp, 12% chưa qua đào tạo, còn lại có trình độ phổ thông trung học. Số thành viên trong HTX (không giữ vị trí quản lý) còn có trình độ thấp hơn, chỉ 23% đã qua đào tạo, trong đó có 3% có trình độ đại học, 7% cao đẳng, 13% trung cấp; chưa qua đào tạo chiếm 32%...
Ngoài trình độ học vấn chuyên môn yếu, một điểm đáng chú ý nữa là nguồn nhân lực hiện đang tham gia công tác quản lý trong các HTX, bao gồm giám đốc, phó giám đốc, thành viên ban kiểm soát,… đều có độ tuổi trung bình khá cao. Cụ thể tại TP Hồ Chí Minh, độ tuổi từ 18 đến 35 chỉ chiếm 23%, gần 50% số lượng cán bộ quản lý có độ tuổi từ 46 trở lên, cá biệt như Chủ nhiệm HTX Ba Nhất là bà Nguyễn Thị Cúc đã 80 tuổi mà vẫn gánh vác công việc chính trong HTX. “Với độ tuổi bình quân của cán bộ quản lý HTX khá lớn, tuy có kinh nghiệm tốt về một số lĩnh vực chuyên môn, nhưng phải nói sức ì và khả năng tiếp nhận kiến thức khoa học - công nghệ, trình độ quản lý tiên tiến,… dù đã được đào tạo lại, tập huấn, vẫn rất hạn chế”, một cán bộ thuộc Liên minh HTX thành phố Hồ Chí Minh thẳng thắn chia sẻ.
Chính vì nguyên nhân thiếu hụt nguồn nhân lực như vậy, cùng với những khó khăn chung của nền kinh tế, số lượng HTX trên địa bàn thành phố trong những năm gần đây liên tục biến động theo chiều hướng giảm dần. Cụ thể, năm 2014, tổng số HTX trên địa bàn TP Hồ Chí Minh là 543, năm 2015 là 485 và đến năm 2016 dự kiến chỉ còn 445 HTX hoạt động, số còn lại giải thể hoặc ngừng hoạt động.
Bà Lê Thị Hoàng Yến, Chủ tịch Liên minh HTX thành phố Hồ Chí Minh nhìn nhận, trên địa bàn còn nhiều HTX hoạt động chưa hiệu quả vì hầu hết người “đứng mũi chịu sào” ở các HTX này đều là nông dân đã hơn 50 tuổi, trong số này chỉ khoảng 20% được đào tạo chuyên môn hoặc có trình độ đại học, cao đẳng, còn lại đều là tay ngang, cộng với vốn ít, sản phẩm không chen chân được vào thị trường, dẫn đến HTX vốn đã yếu, kém lại càng teo tóp.
Cần cơ chế “mồi” để hút người tài
Thực tế, ngay khi Luật HTX năm 2012 ban hành, năm 2013 UBND thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành Quyết định số 43 về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho khu vực kinh tế tập thể. Qua ba năm triển khai thực hiện, đến nay đã có hàng nghìn lượt người được đào tạo, bồi dưỡng, với tổng kinh phí khoảng hơn 3,3 tỷ đồng. Ngoài ra, để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là cán bộ quản lý trẻ và có trình độ chuyên môn làm việc trong các HTX, UBND thành phố cũng đã có chính sách hỗ trợ mỗi HTX hai người, ngoài mức lương cơ bản, đối với cán bộ có trình độ đại học được hưởng phụ cấp 1,2 triệu đồng/tháng và 800.000 đồng/tháng đối với cán bộ có trình độ cao đẳng trở lên.
Tuy vậy, với chế độ đãi ngộ thấp và thiếu tính ổn định như hiện nay, nhiều HTX, nhất là HTX trong lĩnh vực nông nghiệp tại thành phố vẫn đang rơi vào tình trạng thiếu nhân lực có trình độ, tay nghề cao. Nhiều chủ nhiệm HTX cho biết, họ rất tha thiết mời lao động trẻ, có trình độ chuyên môn về HTX, nhưng nhiều năm chẳng tuyển được ai, con em xã viên cũng chọn làm việc ở các công ty, doanh nghiệp trong các khu công nghiệp. Ngay như HTX Bò sữa Tân Thông Hội - một HTX làm ăn hiệu quả, mức lương từ 6 đến 7 triệu đồng/tháng, cũng chỉ thu hút được vài lao động có trình độ đại học, cao đẳng.
Không riêng TP Hồ Chí Minh, theo Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Lâm Đồng Phạm Văn Tường, thời gian qua, Nhà nước có nhiều chính sách đối với HTX, trong đó có chính sách về đào tạo nguồn nhân lực. Hằng năm, trung ương và địa phương cũng đều dành nguồn kinh phí cho công tác này; đồng thời, tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ quản lý HTX, trang bị kiến thức về công tác quản lý, điều hành bài bản. Song, nhiều HTX vẫn chưa quan tâm đúng mức đến công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là việc cử cán bộ trẻ đi đào tạo dài hạn.
Cho rằng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý HTX chưa đồng bộ và hiệu quả, sự hỗ trợ của Nhà nước về vật chất cho các đơn vị kinh tế tập thể còn ít so với nhu cầu thực tế, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Lâm Đồng Phan Văn Dung còn cho biết thêm, cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tập thể hiện nay cũng chưa thật sự tạo được động lực hỗ trợ phát triển HTX.
Ngoài ra, việc chuyển đổi mô hình hoạt động từ kiểu cũ sang kiểu mới cũng khiến đội ngũ cán bộ lãnh đạo HTX còn lúng túng trong sản xuất, kinh doanh theo cơ chế thị trường. Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Phú Thọ Nguyễn Văn Giang chỉ ra rằng, trong khi sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền đối với HTX còn hạn chế và chưa có nhiều cơ chế đột phá để hỗ trợ HTX phát triển, thì bản thân nội tại các HTX cũng còn nhiều khó khăn. Hầu hết các HTX đều thiếu vốn để sản xuất, kinh doanh, khó tiếp cận được nguồn vốn vay từ các tổ chức tín dụng do không có tài sản thế chấp, hoạt động sản xuất, kinh doanh rủi ro cao, sổ sách kế toán chưa minh bạch và chưa xây dựng được các phương án kinh doanh khả thi. Một hạn chế nữa là do trình độ đội ngũ cán bộ còn thấp (40% chưa qua đào tạo), độ tuổi cao nên tư duy sản xuất, kinh doanh kém và không nắm bắt kịp cơ chế thị trường.
Vì vậy, để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ sự phát triển HTX trong thời kỳ hội nhập, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Lâm Đồng Phạm Văn Tường cho rằng, chính quyền cơ sở cần tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn, tạo điều kiện cho HTX trong đào tạo nguồn nhân lực. Mặt khác, tự thân HTX phải bảo đảm uy tín, xây dựng thương hiệu, khả năng phát triển bền vững, cùng với chính sách hỗ trợ, đãi ngộ thỏa đáng của Nhà nước mới có thể kéo được lực lượng trình độ đại học tham gia HTX.
Cùng chung quan điểm này, theo Phó Chi cục trưởng Phát triển nông thôn (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Hồ Chí Minh) Hoàng Thị Mai, chủ trương, chính sách của Nhà nước chỉ là đòn bẩy, động lực hỗ trợ HTX trong giai đoạn đầu, còn về lâu dài HTX phải chủ động, linh hoạt hơn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, trong đó đội ngũ cán bộ quản lý HTX phải có trình độ, năng lực phù hợp. Riêng để thu hút nguồn nhân lực trẻ, có trình độ trong các HTX nông nghiệp, chính sách hỗ trợ phụ cấp cần tăng lên 3 triệu đồng/tháng đối với người có trình độ đại học và 2 triệu đồng/tháng đối với người có trình độ cao đẳng.
HTX dịch vụ nông nghiệp Đồng Phát (TP Bảo Lộc, Lâm Đồng) đã trích lập quỹ đào tạo nhằm khuyến khích, động viên và hỗ trợ nhân viên tham gia học tập. Hằng năm, HTX còn xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nhân viên theo các lớp ngắn hạn, dài hạn. Hiện đội ngũ quản lý HTX có hai người có trình độ đại học, còn lại đều có trình độ từ trung cấp trở lên. Phần lớn cán bộ của các HTX đều là người lớn tuổi, nên hay sợ rủi ro. Vì vậy, HTX Đồng Phát chọn lớp trẻ, có chế độ đãi ngộ xứng đáng, cùng chúng tôi lãnh đạo HTX để có đủ năng lực phát triển.
Vũ Văn Cộng
Chủ tịch HĐQT HTX Đồng Phát