Nhu cầu heo VietGAP ngày càng lớn
- Thứ hai - 14/12/2015 01:43
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Chuyện xưa
Câu chuyện heo VietGAP cũng tương tự như các sản phẩm VietGAP nông nghiệp khác, ban đầu rất khó bán. Đơn giản, giá bán không cao hơn sản phẩm cùng loại, thiếu kênh phân phối riêng nên luôn bị lẫn lộn với sản phẩm sản xuất truyền thống. Bên cạnh đó, khi thấy sản phẩm VietGAP bán được với giá cao, đã có không ít tiểu thương "treo đầu dê, bán thịt chó" để tăng lợi nhuận.
Theo Hợp tác xã (HTX) Chăn nuôi Tiên Phong, trước đây, HTX đã háo hức với chăn nuôi heo sạch, heo VietGAP nhưng đến khi xuất chuồng, các thương lái, doanh nghiệp lại chỉ mua với giá như heo nuôi bình thường. Lý do được bên mua đưa ra là không bán được thịt heo VietGAP với giá cao. Vì thế, dù có tâm huyết nhưng những HTX như Tiên Phong cũng phải "xem xét" lại. Trường hợp của Tiên Phong không phải duy nhất trong câu chuyện heo VietGAP của Việt Nam.
Nuôi heo theo VietGAP đang được nhiều doanh nghiệp đẩy mạnh - Ảnh: Xuân Phú
Nỗ lực thay đổi
Trong nỗ lực thay đổi nhận thức chăn nuôi, từ năm 2010, Ngân hàng Thế giới (WB) đã tài trợ cho Dự án Cạnh tranh ngành chăn nuôi và an toàn thực phẩm (LIFSAP). Mục tiêu là xây dựng một số mô hình nuôi heo VietGAP ở 8 tỉnh, thành chăn nuôi trọng điểm của cả nước. Dĩ nhiên, trong quá trình thực hiện dự án, các bên tham gia đã nhận thấy những bất cập của thịt heo VietGAP. Vì thế, ngoài việc hỗ trợ người dân thay đổi tập quán chăn nuôi, dự án còn hỗ trợ các tiểu thương bằng cách trang bị sạp, quầy hàng cũng như xây dựng điểm bán thịt VietGAP nhằm tránh trường hợp "vàng thau lẫn lộn" như trước đây.
Trước tiên, LIFSAP đã hỗ trợ doanh nghiệp và người chăn nuôi trong dự án có được cửa hàng bán thịt heo VietGAP đầu tiên tại các tỉnh phía Nam (chợ Hòa Bình, quận 5, TP Hồ Chí Minh). Theo phía Công ty TNHH dịch vụ An Hạ, đơn vị chính thức bán heo VietGAP tại TP Hồ Chí Minh, thịt heo của Công ty cung cấp cho thị trường là từ 646 hộ chăn nuôi đạt chứng nhận VietGAP khi tham gia dự án LIFSAP ở hai huyện Củ Chi và Hóc Môn. Nhờ hỗ trợ từ dự án nên ban đầu giá bán ngang bằng thịt heo nuôi thông thường. Do sản phẩm được liên kết chặt chẽ nên thịt heo nuôi theo VietGAP đến được tận tay người tiêu dùng mà không phải qua khâu trung gian. Điều này không chỉ giúp heo VietGAP không lẫn với thịt heo nuôi thông thường mà khách hàng cũng dễ dàng có địa chỉ tin cậy.
Bà Nguyễn Hồng Thắm, Giám đốc Công ty TNHH An Hạ cho biết, nhờ có cửa hàng bán sản phẩm VietGAP nên lượng thịt bán ra mỗi ngày đều tăng. Sau ba ngày khai trương, lượng thịt bán ra tăng gấp ba lần so với ngày đầu. "Thời gian tới, An Hạ dự kiến mở thêm nhiều chuỗi cửa hàng bán tại Việt Nam và mục tiêu là mỗi chợ ở TP Hồ Chí Minh có một cửa hàng VietGAP. Lúc đó, mỗi ngày An Hạ cung cấp cho thị trường khoảng 25 tấn thịt heo VietGAP" - bà Thắm cho biết thêm.
Những khó khăn mới
Tuy nhiên, nhu cầu có nhưng heo VietGAP vẫn gặp những khó khăn nhất định. Theo báo cáo của dự án LAFSAP, do hiện tại heo VietGAP chỉ được nuôi ở các hộ chăn nuôi nhỏ nên số lượng không nhiều và không liên tục. Bên cạnh đó, chưa có bao bì, logo nhãn hiệu để giúp người tiêu dùng dễ phân biệt.
Báo cáo này cũng chỉ ra khó khăn là trong thời gian tới, tại các thành phố lớn như Hồ Chí Minh, các chợ có khuynh hướng chuyển thành trung tâm thương mại hoặc do tiểu thương không muốn xáo trộn công việc buôn bán nên không muốn nâng cấp chợ, hoặc các chợ không còn mặt bằng để mở thêm sạp nên việc xây dựng các quầy thịt heo VietGAP tại các chợ truyền thống ít nhiều gặp khó khăn.
Bà Thắm cho biết, ngay tại chợ Hòa Bình, sau vài ngày khai trương, Công ty đã gặp phải áp lực từ các tiểu thương bán thịt trong chợ, họ bắt phải tháo các từ ngữ liên quan đến "thịt sạch" dán trên quầy sạp, bằng giá cũng bị bắt làm nhỏ lại. Vì thế, người tiêu dùng không nhìn thấy được quầy bán thịt heo VietGAP do các quầy trong chợ đều na ná giống nhau. Thế mới thấy, việc để người tiêu dùng ăn được miếng thịt sạch vẫn còn là một con đường gian nan mà các nhà quản lý, các công ty, người chăn nuôi phải cùng vượt qua còn không mọi thứ lại đi theo vết xe đổ trước đây khi thịt heo VietGap lại chìm trong quên lãng… Chưa bao giờ, người tiêu dùng lại cảm thấy để có một miếng thịt heo VietGAP lại khó khăn đến thế.
>> Theo thông tin được công bố trên trang vietgap.com, không chỉ ở TP Hồ Chí Minh mà các tỉnh lân cận như Bình Dương, Long An đã chứng nhận heo nuôi theo VietGAP. Những con số được công bố này vẫn còn quá ít so với nhu cầu của người dân. Chỉ tính riêng TP Hồ Chí Minh, mỗi ngày tiêu thụ khoảng 675.000 - 750.000 tấn thịt thì con số 25 tấn thịt heo VietGAP mà Công ty An Hạ đưa ra vẫn còn quá khiêm tốn.