Những lão nông “mát tay” hòa giải và tư vấn làm ăn

Hàng chục người có uy tín trong cộng đồng các dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn tỉnh Hậu Giang đã hoà giải thành công hàng trăm vụ tranh chấp. Ngoài ra, họ còn tư vấn giúp nhiều gia đình sản xuất hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế bền vững.
 "Mát tay" hoà giải

Người dân ở ấp Thạnh Trung (xã Hỏa Lựu, TP.Vị Thanh) ai cũng khâm phục tài hòa giải của ông Danh Thị bởi mỗi năm, ông tham gia hòa giải thành công đến 5 trường hợp mâu thuẫn, tranh chấp tại địa phương. Điển hình là vụ tranh chấp đất hồi tháng 3.2015 giữa ông Danh Tài và ông Nguyễn Minh Thông.

Sau khi nhận được thông tin tranh chấp, ông Thị cùng cán bộ ấp Thạnh Trung đã xuống vận động 2 bên, đồng thời phổ biến, phân tích về các quy định của pháp luật có liên quan và tổ chức hòa giải...

“Sau khi nghe ông Danh Thị phân tích thấu tình đạt lý, ông Danh Tài và ông Thông đã thấu hiểu, mỗi người “lùi” một bước để đạt được thỏa thuận. Tôi rất vui khi được bà con tín nhiệm, công nhận là người có uy tín, và cũng tự hứa sẽ đóng góp hết sức mình vào công việc của địa phương, trong đó có công tác hoà giải...” - ông Danh Thị chia sẻ.

nhung lao nong “mat tay” hoa giai va tu van lam an hinh anh 1
 Ông Lâm Khem hoà giải thành công nhiều vụ tranh chấp tại địa phương. Ảnh: H.X

Ông Lâm Khem, ngụ ở ấp 10 (xã Lương Nghĩa, huyện Long Mỹ) cũng là người có uy tín, được người dân địa phương yêu mến, kính trọng, nhiều năm qua đã tham gia hòa giải hàng trăm vụ việc liên quan đến tranh chấp đất đai, hôn nhân, mâu thuẫn gia đình... Trong đó, có khoảng 70 - 80% vụ hòa giải thành công.

Hỏi về “bí quyết” hòa giải, ông Lâm Khem nói: “Đối với những vụ việc tranh chấp đất đai, trước tiên mình nêu rõ vai trò, ý nghĩa tình làng nghĩa xóm “tối lửa tắt đèn có nhau” và sau đó nêu rõ các quy định của pháp luật cho họ hiểu. Còn mâu thuẫn hôn nhân, gia đình, mình chỉ ra mối quan hệ thiêng liêng của tình vợ chồng, cha con. Ngoài ra, mình còn chỉ rõ ai đúng ai sai để họ kịp thời sửa chữa, khắc phục”.

 Giúp dân thoát cảnh nghèo

"Trên địa bàn tỉnh còn rất nhiều trường hợp người có uy tín vẫn ngày đêm âm thầm làm tốt vai trò, trách nhiệm của mình. Họ là cầu nối đưa các chính sách của Đảng, Nhà nước đến với đồng bào DTTS hiệu quả, đồng thời gắn kết từng cá nhân với nhau, tạo sự đồng thuận trong cộng đồng".
Ông Nguyễn Văn Kha - Trưởng ban Dân tộc tỉnh Hậu Giang


Không những giỏi trong công tác hoà giải, nhiều người có uy tín ở Hậu Giang còn trực tiếp hướng dẫn cho bà con cách làm ăn để thoát nghèo, điển hình như ông Sơn Kích ở ấp 5, xã Xà phiên, huyện Long Mỹ. Thời gian qua, ông Sơn Kích đã không ngừng động viên gia đình bà Huỳnh Thị Quỵt đi làm thuê và giúp bà vay vốn nuôi vịt.

Ông Sơn Kích cho biết: “Mỗi tháng, bà con Khmer họp mặt tại chùa 2 lần. Tôi tranh thủ tuyên truyền, vận động bà con thực hiện tốt đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, đặc biệt là chí thú làm ăn, vươn lên khá, giàu”.                

Không riêng gì ông Sơn Kích, nhiều năm qua ông Danh Xem, ngụ khu vực I (phường IV, TP.Vị Thanh) cũng chỉ dẫn trên 10 trường hợp về cách thức, định hướng làm ăn thoát nghèo. Điển hình là giúp gia đình bà Thị Cẩm thoát cảnh làm thuê trở thành gia đình khá giả.

Bà Cẩm tâm sự: “Lúc trước, do nghèo quá nên đâm ra túng quẫn, làm ăn thiếu tính toán nên không hiệu quả. Nhờ chú Xem chỉ cách tận dụng những khoảng đất trống xung quanh nhà nuôi vịt thịt nên gia đình tôi mới có cuộc sống như ngày hôm nay. Tôi biết ơn chú Xem nhiều lắm”. 
 

Theo Danviet.vn