Những việc còn trăn trở
- Thứ ba - 30/12/2014 02:20
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Tâm tư với NNVN về những băn khoăn xung quanh việc thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, TS Lê Hưng Quốc (ảnh), nguyên Cục trưởng Cục Khuyến nông – Khuyến lâm nói: Trong khi giá cả tất cả các mặt hàng trong cuộc sống đều tăng chóng mặt, thì giá lúa hàng chục năm nay vẫn chỉ 5 nghìn đồng/kg. Nông dân dù năm nào cũng kêu không có lãi, nhưng năm sau họ vẫn tiếp tục trồng lúa, bởi nếu không trồng lúa họ không biết làm gì khác.
Chính sách đất đai vẫn là rào cản
Tái cấu trúc SX, đặc biệt trong nông nghiệp phải là một quá trình dài, chứ không thể một sớm một chiều, bởi sự thay đổi đến với nông dân rất chậm, không như công nghiệp, thay đổi một cái thì buổi sớm buổi chiều có sản phẩm mới ngay.
Hệ số quay vòng trong nông nghiệp phải tính tới hàng chục năm trở lên. Cao su, cà phê, chè… người Pháp đưa sang VN đã hàng trăm năm, nếu từ giai đoạn đổi mới đến nay chí ít cũng 30 năm mới có thể hình thành nên một ngành hàng.
Nông nghiệp thực ra đã bắt đầu tái cấu trúc từ năm 1981, khi chuyển từ HTX tập trung bao cấp sang cơ chế thị trường, tự chủ. Đến năm 1988 thì chuyển hoàn toàn sang khoán hộ, đến 1989 mới bắt đầu XK nông sản, xóa bỏ tem phiếu sổ gạo.
Năm 2000, Chính phủ đã có quyết định về chuyển đổi cơ cấu, và 10 năm sau đó, Chính phủ mới tiếp tục đưa ra quyết định tái cấu trúc nền kinh tế. Điều này cho thấy không chỉ tái cơ cấu trong nông nghiệp mà cả nền kinh tế nói chung đều phải trải qua giai đoạn chuyển mình lâu dài.
Về nội dung tái cơ cấu, hiện vẫn còn một số điểm chưa rõ, trong đó vấn đề thị trường quyết định SX nhưng lại chưa được đề cập tới việc chuyển dịch thị trường ra sao.
Chúng ta chỉ mới thấy ký kết thêm một số thị trường XK, đàm phán thêm một số hiệp định thương mại, nhưng về chiến lược lâu dài chưa thấy nói rõ sẽ chuyển dịch từ khu vực nào sang khu vực nào, chú trọng vào đâu, sản phẩm nào, nhóm ngành hàng gì sẽ ưu tiên cho thị trường nào…
Về đất đai, đây vẫn đang là rào cản lớn trong quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Mặc dù đã được nhiều lần sửa đổi, nhưng về căn bản vẫn chưa tạo được cải cách đột phá, đặc biệt vẫn cản trở tích tụ, vẫn còn hạn điền, còn nhùng nhằng tư duy giữ 3,8 triệu ha đất lúa, cơ bản chưa dám đụng chạm tới các vấn đề nhạy cảm của ruộng đất.
Tái cấu trúc sản phẩm nông nghiệp hiện cũng chưa rõ. Bộ NN-PTNT mới chỉ đề cập một chủ trương rõ nét là sẽ đẩy mạnh ngô và đậu tương thay thế một phần NK, trên cơ sở chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả khoảng 200 nghìn ha ở ĐBSCL.
Còn lại các vùng khác vẫn đang chờ, chưa thấy nói rõ sẽ làm cái gì, sẽ thay đổi trọng tâm từ đối tượng cây trồng, vật nuôi nào sang đối tượng mới nào? Mô hình tổng quát của kinh tế VN vẫn là nông nghiệp và tiểu thương.
Làm thế nào để công nghiệp được nền nông nghiệp, và đưa tiểu thương thành DN lớn vẫn là việc phải tập trung, đặc biệt là 2 nhóm đối tượng chính gồm doanh nông và nông gia cấp trung bình và lớn.
Lúa không có lãi thì thà cho đất nghỉ
Việc giảm ngay 1 triệu ha đất lúa kém hiệu quả hiện nay là khả thi nhất để tái cơ cấu. Việc chuyển đổi không khó. Luật, hành lang pháp lí đã có, nông dân nào muốn thực hiện chỉ cần tới chính quyền xã, huyện là được. Vì vậy trên phạm vi cả nước, chỗ nào dân thấy làm cái gì có hiệu quả phải để cho họ làm.
Tất nhiên phải có quy hoạch giúp nông dân, xem chỗ nào chăn nuôi, chỗ nào thủy sản, chỗ nào làm lúa, chỗ nào trồng màu, chỗ nào làm VAC, cho phép họ đưa VAC ra đồng…
Đồng thời, cần sớm tổng kết những mô hình tích tụ hàng nghìn ha ruộng như một DN đã làm ở Đồng Tháp trong năm 2014 để có chính sách thúc đẩy.
TS Lê Hưng Quốc: “Có một thực tế là năm nào nông dân trồng lúa ở ĐBSCL cũng kêu không có lãi"
Riêng ĐBSCL, vẫn xác định là vùng đảm nhận vai trò an ninh lương thực và XK của cả nước. Dân ở đây không có trình độ làm màu, hệ thống thủy lợi vẫn dành cho lúa, dù chuyển sang trồng ngô đi nữa cũng không thể cơ giới hóa và giá trị không thể cao hơn lúa là bao, thì tốt nhất cứ trồng lúa.
Một vài mô hình gần đây do DN trình diễn nói trồng ngô giá trị cao hơn nhiều so với lúa, nhưng thử thả ra cho dân làm, đưa cả vùng chuyển mạnh sang lúa xem, không dễ.
Giải pháp chuyển đổi ở vùng này, chỉ nên làm khoảng 200 nghìn ha mô hình lúa - tôm, trồng giống lúa trung - dài ngày chất lượng cao, kết hợp với thủy sản.
Đồng thời, nên dành khoảng 200 nghìn ha khác để trồng lúa hữu cơ chất lượng cao giống như truyền thống trước đây của nông dân ĐBSCL. Lúa hữu cơ hiện giá tới 1.000 USD/tấn, trong khi lúa thường, làm 1 năm 3 vụ cũng chỉ nhỉnh hơn thế một chút.
Thế thì tội gì làm lúa thường, tốn chi phí, lãi không hơn mà mệt. Nếu lúa nhiều quá rồi thì nên để cho đất nghỉ, một năm làm một vụ lúa thôi, còn lại thà nuôi thủy sản nhì nhằng còn hơn làm lúa vụ 3.
Trong thâm tâm, tôi cho rằng xã hội chúng ta đang có báo động. Hiện tượng nông dân bỏ ruộng, chán ruộng, trả ruộng, nông dân thu nhập chỉ 500 nghìn đồng/tháng… là dấu hiệu nghiêm trọng, không thể xem thường. Chúng ta đã trải qua mấy chục năm đổi mới, nhưng liên minh công-nông được xem là chủ chốt của lực lượng lao động thì đời sống lại nghèo nhất xã hội, thậm chí có thể nói bần cùng. Một tháng tất tần tật cuộc sống chỉ có 500 nghìn đồng/người thì sống làm sao đây? |
Bangladesh, Thái Lan… họ có chính sách cho đất lúa nghỉ ngơi, thậm chí 1 năm chỉ làm 1 vụ, còn ta thì lại đang tăng cường đẩy mạnh lúa vụ 3. Làm lúa năm nào dân cũng kêu lỗ, nhưng năm sau dân lại vẫn làm, rồi lại kêu lỗ.
Lỗ vậy tại sao vẫn cứ làm? Xin thưa, bởi đó là thói quen của dân rồi, không vãi lúa thì họ chẳng biết làm gì nữa. Đây chính là lỗi của Nhà nước, của chính sách.
Phải mạnh dạn “quyết” một số việc
Đối với 2 triệu ha đất nông lâm trường, đến nay vẫn rất kém hiệu quả, lãng phí và cần phải giải quyết quyết liệt. Một là giao về cho địa phương, hai là giữ làm rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, hoặc là giao cho TƯ Đoàn xây dựng các vùng kinh tế mới. Như thế sẽ phân bổ lại được lực lượng SX.
Chỉ có đưa Đoàn Thanh niên lên các vùng đó mới thay đổi diện mạo được, đặc biệt là các dải đất dọc tuyến đường HCM cần sớm lập nên các vùng kinh tế mới, chuyên cây ăn quả, cây công nghiệp…, kết hợp với công nghiệp chế biến.
Nông lâm trường nào có đất không chịu làm thì giao lại cho thanh niên làm, làm thế vừa mở mang kinh tế, cân đối được cả quốc phòng an ninh…
Dải đất dọc đường HCM mênh mông, điều kiện tuyệt vời nhưng lại đang rất kém hiệu quả. Cái khó là đất nông trường đã giao cho dân sử dụng rồi, bây giờ nếu cần thiết, nơi nào dân không làm, làm không hiệu quả thì thu lại, Nhà nước thậm chí phải đứng ra thu hồi, mua lại để giao cho các dự án kinh tế mới, như thế mới mong lột xác được.
Về KH-CN, 350 tỉ đồng/năm dành cho nghiên cứu KH-CN hiện nay không hiệu quả, chủ yếu dành để nuôi bộ máy hoạt động của các đơn vị nghiên cứu là vừa hết. Theo tôi là cần phải mạnh dạn rút bớt 1/3 kinh phí này, thậm chí một nửa để dồn cho các nhà khoa học kết hợp với DN.
Ông nào nghiên cứu gắn với DN thì chi, không thì cắt, chứ không cần kiểu ngồi hội đồng, phân chia đề tài gì nữa. Rút cái đó ra để hỗ trợ DN là tốt nhất, bởi DN nông nghiệp mạnh thực sự hiện chỉ đếm trên đầu ngón tay, còn lại đều yếu, muốn đầu tư gì cho nghiên cứu cũng lực bất tòng tâm. Vấn đề chúng ta có dám làm cơ chế này hay không?
Về khuyến nông, kinh phí chỉ hiện có khoảng 200 tỉ đồng/năm, nhưng lại có tới khoảng 120 chương trình dự án, tính ra mỗi chương trình dự án chỉ hơn 1 tỉ đồng, vô cùng dàn trải, kém hiệu quả.
Vì thế, số dự án, chương trình nên dồn lại, tầm 30 chương trình dự án thôi là vừa, mỗi dự án khoảng 5 tỉ đồng, tập trung cho khoảng 20 sản phẩm chủ lực thôi thì mới làm nên chuyện gì đó được.
Về địa bàn, cũng không nhất thiết phải rải đều tất cả các tỉnh, mà nên rút gọn lại khoảng 45 tỉnh thôi, các tỉnh đã cân đối được ngân sách rồi thì để tự họ làm khuyến nông. Hà Nội chẳng hạn, quỹ khuyến nông của họ hàng trăm tỉ, họ thiếu gì tiền mà phải cần tới mỗi chương trình vài tỉ đồng từ chương trình của khuyến nông quốc gia?