Niên vụ cà phê 2011 - 2102: Được mùa, được giá

Niên vụ cà phê 2011 - 2102: Được mùa, được giá
Khép lại niên vụ cà phê 2011 – 2012, giới chuyên gia trong ngành đánh giá, đây là niên vụ được cả mùa lẫn giá. Điều này có được là do Nhà nước đã có những chính sách kịp thời hỗ trợ cả DN và người nông dân. Tuy nhiên, khó khăn phía trước vẫn không phải là nhỏ.

 
 
Niên vụ cà phê năm nay được cả mùa lẫn giá
Ảnh: TL
"Màn kết đẹp”
 
Theo Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam (Vicofa), sản lượng cà phê niên vụ 2011 – 2012, ước đạt trên 1,5 triệu tấn, xuất khẩu mức kỷ lục khoảng 1,5 triệu tấn nhân, kim ngạch xuất khẩu trên 3 tỉ USD, tăng 23% về lượng và 24% về giá trị so với vụ trước. Cà phê nước ta được xuất khẩu trên 80 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó 2 thị trường tiêu thụ cà phê lớn là Đức và Hoa Kỳ, các thị trường này vẫn đang tăng trưởng về lượng và giá trị. Với những thành công này, có thể nói, Việt Nam vẫn đang giữ vững thương hiệu là cường quốc xuất khẩu cà phê trên thế giới.
 
Đặc biệt, trong năm 2012, năm được coi là năm thắng lợi của ngành cà phê, các chuyên gia nhận định, có được thành công đó là do sự nỗ lực của cả ba nhà: Nhà nước, DN và nhà nông. Cụ thể, do có những chính sách hỗ trợ các DN về vốn và khuyến khích tạm trữ cà phê ngay từ đầu vụ, nên thay vì bán tháo ồ ạt ngay từ đầu vụ như trước kia, người dân trồng cà phê đã chủ động tạm trữ nên giá bán đã được giữ vững từ đầu đến cuối vụ. Ông Nguyễn Viết Vinh, Tổng Thư ký Vicofa nhận định: Năm nay giá cà phê khá ổn định dù so với mức giá niên vụ trước vẫn thấp hơn 3%, nhưng vẫn giữ được ở mức 2.150 USD/tấn. Người  nông dân cũng bán được ở mức 40 triệu/tấn cà phê nhân. Đây chính là thành công của niên vụ 2011 – 2012.
 
Tuy nhiên, giới chuyên gia cũng cho rằng, 2013 mới là năm ngành cà phê phải đối mặt với nhiều khó khăn.
 
Thách thức còn ở phía trước
 
Vifoca dự báo, sản lượng cà phê niên vụ 2012 – 2013 sẽ giảm 15%. Điều này hoàn toàn có cơ sở, bởi nhìn vào thực tế hiện nay ở các tỉnh Đắc Lắc, Đắc Nông –  2 tỉnh được coi là "thủ phủ” cà phê, có thể thấy rõ một thực trạng là, diện tích cà phê trên địa bàn 2 tỉnh đã bị thu hẹp trông thấy do  nhiều người dân phá bỏ để chuyển đổi sang trồng khác như cao su, hồ tiêu, bơ… Đặc biệt, "ông trời” cũng đang trở thành nhân tố làm ảnh hưởng đến niên vụ cà phê năm nay khi mà, mới vào đầu vụ 2012-2013 thời điểm cây cho ra hoa thì trời chuyển lạnh, mưa phùn… ảnh hưởng rất lớn đến việc ra hoa kết trái của cà phê. Cùng với đó, trong số diện tích đang còn thì có tới 90.000 ha cà phê đã được xếp vào lớp "về hưu”, năng suất thấp (dưới 1 tấn/ha). Chính vì vậy, việc trồng lại hoặc phục hồi diện tích cà phê già cỗi ở Tây Nguyên đang được đặc biệt chú trọng. Tuy nhiên, việc làm này lại không hề đơn giản bởi, theo nhận định của các nhà khoa học, muốn tái canh một lượng lớn diện tích cà phê như vậy phải cần một thời gian rất dài dài, cộng với chi phí cải tạo đất cao, rủi ro bệnh hại cũng không nhỏ… Rõ ràng đây đang là những rào cản lớn ở phía trước đối với ngành cà phê Việt Nam.   Vicofa cho biết, hiện tại, Hiệp hội vẫn đang phối hợp với các bộ, ngành thực hiện công tác tái canh cây cà phê để tăng năng suất. Đây là giải pháp mang tính dài hơi, còn trước mắt, để tháo gỡ những khó khăn hiện hữu cho ngành cà phê năm 2013, theo Tổng Thư ký Vifoca Nguyễn Viết Vinh, vấn đề trọng tâm vẫn là phải tập trung nâng cao chất lượng cà phê để giữ chữ tín trên trường quốc tế.
 
Xác định được mục tiêu này, ông Vinh cho biết, ngay từ đầu niên vụ cà phê 2012 – 2013, Hiệp hội đã phối hợp với các địa phương để cùng đưa ra những khuyến cáo cho người nông dân tiếp tục tập trung đầu tư chăm sóc, nhằm nâng cao chất lượng cà phê, đặc biệt là khâu thu hái. Nếu bà con cố gắng thu hái cà phê ở mức chín đồng đều nhiều hơn, chất lượng đương nhiên sẽ tốt hơn. Có một bất cập là, ngay từ đầu vụ 2012 - 2013, Vifoca đã đánh giá sản lượng có thể giảm từ 10 -15%. Nhưng ở thời điểm này, do đã thu hoạch tới 70% nên Vifoca dự báo, sản lượng sẽ còn giảm xuống hơn 30% trong niên vụ sắp tới. Xác định được điểm yếu này, hiệp hội đã khuyến cáo người nông dân phải tập trung nâng cao chất lượng cho dù có bị ảnh hưởng về sản lượng, không vì thấy những nguy cơ trước mắt mà lơ là việc chăm lo đến chất lượng cà phê. Bên cạnh đó, ông Vinh cũng khuyến cáo, các DN cà phê cũng như người trồng cà phê cần tiếp tục duy trì "phong độ” như niên vụ vừa qua, đó là giữ giá cà phê bằng cách chủ động trữ hàng, không bán tháo ồ ạt ngay từ đầu vụ như đã từng xảy ra ở nhiều niên vụ cà phê trước đây.
Minh Phương
Nguồn:daidoanket.vn