No đủ nhờ trồng dâu nuôi tằm

Nghề trồng dâu nuôi tằm ở xã Mai Đình, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang có từ cách đây hơn 100 năm. Nghề này đã mang lại cuộc sống no đủ cho người dân trên mảnh đất còn nhiều khó khăn.

Ông Nguyễn Quang Thùa - Chủ tịch Hội ND xã Mai Đình cho biết: "Nằm dọc sông Cầu, với hơn 9km đường bờ đê, đất đai màu mỡ, Mai Đình có điều kiện thuận lợi cho nghề trồng dâu nuôi tằm. Nhưng chỉ 6 năm trở lại đây nghề mới phát triển mạnh".

Nghề trồng dâu nuôi tằm đã đem lại thu nhập cao cho nhiều hộ dân.

Mở lớp dạy nuôi tằm

Theo ông Thùa, tổng diện tích đất tự nhiên của Mai Đình là 700ha, trong đó 458ha trồng dâu. Xã có 2.700 hộ, thì 310 hộ trồng dâu nuôi tằm, tập trung ở 3 thôn Mai Hạ, Mai Trung, Mai Thượng. Những năm 2000-2004, các công ty trung ương, trại tằm ở Thái Bình đã về xã Mai Đình hướng dẫn bà con nuôi tằm lai, song hiệu quả không cao, nên bà con nơi đây vẫn chủ yếu nuôi tằm ré.

Song song với đó, Hội cũng đưa con em hội viên trong xã vào các gia đình trồng dâu nuôi tằm để học hỏi kinh nghiệm, cách thức sản xuất về áp dụng cho gia đình mình. Đồng thời, hàng năm Hội phối hợp với khuyến nông xã mở các lớp dạy nghề cho bà con ND. Năm 2012, Hội mở 16 lớp với 800 hội viên tham gia. Ở các lớp học, bà con được dạy kỹ thuật nuôi tằm, bón phân cho dâu theo khoa học. Bên cạnh đó, các trại giống của Bắc Ninh cũng về Mai Đình đầu tư phát triển làng nghề.

Ông Thùa cho hay, tổng thu nhập từ nghề trồng dâu nuôi tằm chiếm 25% tổng thu ngân sách của xã. Từ nghề này, đời sống nhân dân khởi sắc, tỷ lệ hộ nghèo giảm đáng kể từ 27% năm 2007 còn 11% năm 2011 và phấn đấu còn 9% năm 2012.

Nông dân no đủ

Ông Hoàng Văn Cơ (88 tuổi, ở xã Mai Đình) chia sẻ: "Gia đình tôi làm nghề này đã mấy chục năm rồi, 1 năm nuôi 10 tháng (từ tháng 1 đến tháng 10)". Theo ông Cơ, một vòng đời của tằm kéo dài 40 ngày. Từ trứng tằm sau 10 ngày sẽ thành ngài, 20 ngày nhộng cộng thêm 7 ngày trở thành con tằm trưởng thành và kết quả là tằm và cho tơ. 1 sào dâu sẽ thu được 1,5 tấn lá. 10kg dâu sẽ cho thu hoạch 1kg kén. Thu nhập từ nuôi tằm gấp đôi nghề khác, chỉ mất công chăm sóc thời gian đầu, khi đã thành con tằm thì chỉ cần cho tằm ăn đầy đủ và thường xuyên vệ sinh sạch sẽ là tằm sẽ phát triển khỏe mạnh, tận dụng thời gian nông nhàn ND có thể làm những việc khác.

"Tháng 10, kết thúc vụ nuôi tằm, sau khi thu hoạch lá dâu, cây dâu có thể chặt lấy củi, để lại gốc cho cây tự phát triển, phục vụ cho các vụ sau".
Gần nhà ông Cơ, gia đình chị Đặng Thị Ánh cũng gắn bó với nghề trồng dâu nuôi tằm đã lâu. Chị Ánh cho hay: "Lứa tằm này tôi đầu tư nuôi 8 nong, mỗi ngày thay lá dâu cho tằm một lần, mỗi nong tằm khi thu hoạch sẽ cho 7kg kén. Ngoài ra, có thể bán tằm con với giá 60.000 đồng/kg. Năm 2012, gia đình tôi thu gần 80 triệu đồng từ nghề nuôi tằm. Quan trọng hơn, mọi người trong nhà đều có việc làm. Thu nhập có thể đảm bảo cuộc sống cho gia đình và nuôi con cái ăn học đầy đủ.

Ông Nguyễn Quang Thùa thông tin: "Năm 2012, UBND và Hội ND xã hỗ trợ ND 500 triệu đồng mua máy ươm tơ phục vụ bà con ND nuôi tằm trong xã”.

Theo danviet.vn