Nông dân Việt Nam có được tự do trồng cây biến đổi gene?

Nhiều chủ trang trại muốn tìm hiểu về cây trồng và thực phẩm biến đổi gene hiện đang được Nhà nước quy định như thế nào. Trang Trại Việt xin trích đăng một số câu hỏi nông dân và trả lời của luật sư Nguyễn Anh Tuấn (Công ty Luật Hồng Bách và Cộng sự) xung quanh vấn đề này.

Anh Nguyễn Văn Huế  (Hải Hậu, Nam Định): Tôi nghe nhiều người nói ngô biến đổi gene kháng sâu bệnh tốt, năng suất cao, tôi muốn chuyển sang trồng ngô (loại biến đổi gene) để làm thức ăn gia súc. Vậy pháp luật quy định thế nào về cây trồng biến đổi gene?

Quy định của pháp luật đối với cây trồng biến đổi gene được quy định tại Luật Bảo vệ môi trường, Luật Đa dạng sinh học và được cụ thể hóa tại Nghị định 69/2010/NĐ-CP về an toàn sinh học đối với sinh vật biến đổi gene, mẫu vật di truyền và sản phẩm sinh vật biến đổi gene, Thông tư số 08/2013/TT-BTNMT quy định trình tự, thủ tục cấp, thu hồi giấy chứng nhận an toàn sinh học ( ATSH) đối với cây trồng biến đổi gene, Thông tư số 02/2014/TT- BNNPTNT quy định trình tự, thủ tục cấp và thu hồi giấy xác nhân thực vật điến đổi gene đủ điều kiện làm thực phẩm và thức ăn chăn nuôi…

Theo đó, nếu cây trồng biến đổi gene được hội đồng thẩm định là an toàn đối với môi trường và đa dạng sinh học thì Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT) sẽ cấp giấy chứng nhận an toàn sinh học  ( GCNATSH). Sau đó mới được chuyển giao đến người nông dân sản xuất.

Cây trồng biến đổi gene đảm bảo an toàn sinh học phải có điều kiện gì?

Căn cứ Điều 22, Nghị định 69/2010/NĐ-CP thì cây trồng biến đổi gene đảm bảo an toàn sinh học phải đáp ứng các điều kiện sau:

- Cây trồng biến đổi gene đã được khảo nghiệm trong điều kiện cụ thể của Việt Nam. Kết quả khảo nghiệm sinh vật biến đổi gene đã được Bộ NNPTNT công nhận đạt yêu cầu.

- Cây trồng biến đổi gene được Hội đồng an toàn sinh học kết luận là an toàn đối với môi trường và đa dạng sinh học.

Khi đáp ứng đủ 2 điều kiện trên, cây trồng biến đổi gene sẽ được cấp GCNATSH.

Ông Trần Đức Khang( Giám đốc Công ty Linh Cường, quận Gò Vấp, TP.HCM): Có phải khi cây trồng biến đổi gene được cấp GCNATSH có nghĩa là đã yên tâm để trồng và đưa vào sử dụng?

Suy nghĩ của bạn như vậy đúng, nhưng chưa đủ, bởi trong qua trình sản xuất do nhiều yếu tố như khí hậu, thời tiết, phương pháp canh tác… đều có ảnh hưởng đến cây trồng. Bởi vậy mặc dù cây trồng đã được cấp GCNATSH nhưng khi có bằng chứng khoa học mới về rủi ro của cây trồng biến đổi gene thì cây trồng đó sẽ không còn đảm bảo an toàn sinh học nữa; ngoài ra nếu tổ chức, cá nhân cố tình cung cấp sai thông tin có tính chất quyết định cho việc cấp GCNATSH hoặc có bằng chứng chứng minh kết luận của Hội đồng an toàn sinh học là thiếu cơ sở khoa học thì Bộ Tài nguyên và Môi trường quyết định thu hồi GCNATSH; thông báo bằng văn bản cho tổ chức, cá nhân bị thu hồi và thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng. Kể từ ngày có quyết định thu hồi GCNATSH, tổ chức, cá nhân không được trồng cây đó nữa. (Điều 24 69/2010/NĐ-CP).

Để biết thông tin chi tiết về các nhóm cây trồng biến đổi gene thuộc đối tượng được xem xét cấp giấy chứng nhận an toàn sinh học, các bạn tham khảo Thông tư số 08/2013/TT- BTNMT ngày 16.5.2013 của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Ông Trần Đức Khang: Vì sao cây trồng biến đổi gene phải tiến hành khảo nghiệm, nội dung khảo nghiệm ra sao?

Cây trồng chuyển gene có rất nhiều ưu thế nhưng cũng có tiềm ẩn rủi ro đối với môi trường, đa dạng sinh học, sức khỏe con người và vật nuôi. Bởi vậy, trước khi đưa cây trồng vào sản xuất phải đánh giá rủi ro và tiến hành khảo nghiệm.

Đánh giá rủi ro phải xác định nguy cơ tiềm ẩn và khả năng xảy ra rủi ro của sinh vật biến đổi gene đối với môi trường, đa dạng sinh học, sức khoẻ con người và vật nuôi; xác định các biện pháp an toàn để phòng ngừa, xử lý và khắc phục rủi ro của sinh vật biến đổi gene đối với môi trường, đa dạng sinh học, sức khỏe con người và vật nuôi. (Điều 6, Nghị định 69/2010/NĐ-CP).

Còn việc khảo nghiệm cây trồng biến đổi gene là quá trình theo dõi, đánh giá ảnh hưởng của cây trồng biến đổi gene đối với môi trường và đa dạng sinh học trong điều kiện cụ thể của Việt Nam. Khảo nghiệm phải được thực hiện từng bước, từ khảo nghiệm hạn chế đến khảo nghiệm diện rộng. Khi phát hiện sinh vật biến đổi gene gây ra rủi ro đối với môi trường, đa dạng sinh học, sức khoẻ con người và vật nuôi mà không kiểm soát được, phải chấm dứt khảo nghiệm sinh vật biến đổi gene và áp dụng các biện pháp khẩn cấp để xử lý rủi ro, đồng thời tiêu hủy cây trồng biến đổi gene đó...

Nội dung khảo nghiệm bao gồm: Nguy cơ trở thành cỏ dại, dịch hại; nguy cơ ảnh hưởng xấu đến sinh vật không chủ đích; nguy cơ làm thay đổi bất lợi đến hệ sinh thái xung quanh; các tác động bất lợi khác… Bộ NNPTNT hướng dẫn chi tiết việc thực hiện những quy định này (Đ 14,15 Nghị Định 69/2010/NĐ-CP).

Tuy nhiên không phải bất cứ tổ chức nào cũng được thực hiện khảo nghiệm cây trồng biến đổi gene. Muốn thực hiện việc khảo nghiệm cây trồng biến đổi gene, tổ chức đó phải làm các thủ tục theo quy định và phải được Bộ NNPTNT công nhận. Tổ chức được công nhận cơ sở khảo nghiệm sinh vật biến đổi gene phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo quy định tại Điều 16 Nghị định 69/2010/NĐ-CP.

Đó là: Có cơ sở vật chất, kỹ thuật và trang thiết bị phù hợp với hoạt động khảo nghiệm sinh vật biến đổi gene; có cán bộ chuyên môn phù hợp với hoạt động khảo nghiệm sinh vật biến đổi gene; có quy trình khảo nghiệm bảo đảm các yêu cầu về an toàn sinh học.

Bộ NNPTNT hướng dẫn cụ thể các điều kiện công nhận Cơ sở khảo nghiệm sinh vật biến đổi gene nêu trên.

Anh Phạm Văn Quý (Lý Nhân, Hà Nam): Hiện nay cây trồng biến đổi gene nào được phép trồng và sử dụng ở Việt Nam?

Danh mục sinh vật biến đổi gene được đăng tải trên Cổng thông tin An toàn sinh học của Cục Bảo tồn đa dạng sinh học, Tổng cục Môi trường – Bộ Tài nguyên và Môi trường. (http://antoansinhhoc.vn).

Theo đó hiện nay có 7 loại ngô đã được trồng khảo nghiệm trên diện rộng, gồm: Ngô biến đổi gene kháng sâu đục thân, ngô biến đổi gene chống chịu thuốc trừ cỏ Glyphosate, ngô biến đổi gene chống chịu thuốc diệt cỏ Glyphosate và kháng sâu đục thân, ngô biến đổi gene kháng sâu bộ cánh vảy, ngô biến đổi gene chống chịu thuốc trừ cỏ Roundup, ngô biến đổi gene chống chịu thuốc trừ cỏ Roundup, kháng sâu bộ cánh vảy, Ngô biến đổi gene kháng sâu bộ cánh phấn.

Trong đó có 6 loại được công nhận tạm thời làm thức ăn chăn nuôi (trừ ngô biến đổi gene kháng sâu bộ cánh phấn).Ngoài ra còn có ngô biến đổi gene diệt sâu hại bộ cánh vẩy đang trong quá trình khảo nghiệm hạn chế.

Khi nào cây trồng biến đổi gene bị thu hồi giấy chứng nhận an toàn sinh học?

Cơ quan nào có thẩm quyền cấp các loại giấy phép cho cây trồng biến đổi gene, trình tự, thủ tục để được cấp các giấy phép này ra sao?

-         Bộ NNPTNT quyết định công nhận cơ sở khảo nghiệm sinh vật biến đổi gene và cấp giấy phép khảo nghiệm sinh vật biến đổi gene (Điều 17, 18 Nghị Định 69/2010/NĐ-CP).

-         Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp, thu hồi giấy chứng nhận an toàn sinh học.  (Điều 23 Nghị Định 69/2010/NĐ-CP).

-         Bộ Y tế cấp, thu hồi giấy xác nhận sinh vật biến đổi gene đủ điều kiện sử dụng làm thực phẩm. (Điều 28, Nghị Định 69/2010/NĐ-CP).

-         Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp, thu hồi giấy xác nhận sinh vật biến đổi gene đủ điều kiện sử dụng làm thức ăn chăn nuôi. (Điều 33, Nghị định 69/2010/NĐ-CP).

Ngoài ra, riêng đối với cây trồng biến đổi gene, ngày 16.5.2013, Bộ Tài nguyên và Môi trường còn ban hành Thông tư 08/2013/TT-BTNMT quy định rất cụ thể về trình tự, thủ tục cấp, thu hồi giấy chứng nhận an toàn sinh học đối với cây trồng biến đổi gene.

Để biết thông tin chi tiết, các bạn tham khảo thông tư này. Hoặc liên hệ qua số điện thoại: 0904619725.

Theo danviet.vn