Nông dân cần bỏ thói quen “hợp đồng miệng”

Nông dân cần bỏ thói quen “hợp đồng miệng”
Để không bị thiệt hại trong mua bán nông sản nói chung và với thương nhân nước ngoài nói riêng, các chuyên gia khuyến cáo nông dân cần tăng cường sử dụng sử dụng hợp đồng mua bán bằng văn bản thay cho thói quen dùng tiền mặt và “hợp đồng miệng”.
 

Ảnh: VGP/Văn Huỳnh

Ngày 27/8, Bộ Công Thương đã tổ chức “Hội nghị tuyên truyền, phổ biến pháp luật có liên quan đến quy định về hoạt động mua bán hàng hóa của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam”, tại TP Cần Thơ.

 

Theo ông Võ Văn Quyền, Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương), từ tháng 5/2011 đến nay, hiện tượng thương nhân nước ngoài vào Việt Nam thu mua nông sản diễn ra trên diện rộng và có diễn biến khá phức tạp, phát sinh không ít trường hợp hoạt động trái pháp luật gây thiệt hại cho nông dân và sản xuất trong nước, gây bất ổn thị trường.

Phổ biến là hành vi mua thu gom với giá cao bất thường gây thiếu nguồn cung cục bộ cho nhà máy chế biến trong nước, làm người nông dân lại đổ xô phát triển mạnh diện tích gieo trồng, đánh bắt, khai thác… làm phá vỡ các quy họach về sản xuất, tác động xấu đến môi trường làm cạn kiệt nguồn tài nguyên.

Giám đốc Sở Công Thương TP Cần Thơ Nguyễn Minh Toại cho biết gần đây có nhiều thương nhân nước ngoài đến mua gạo tại các doanh nghiệp Cần Thơ. Sau khi mua, họ yêu cầu các doanh nghiệp trộn gạo chất lượng thấp hơn lên đến 50%. Khi các lô hàng này vận chuyển đến điểm giao hàng, đơn vị kiểm tra chất lượng của nước nhập khẩu không cho nhập hàng vì chất lượng không đúng như hợp đồng mua bán buộc lòng các doanh nghiệp trong nước phải chở hàng quay về nhưng cũng không dám trình báo cho cơ quan chức năng vì sợ mất uy tín của công ty.

Hay như lúc khoai lang tím Nhật có giá nhiều nông dân ở huyện Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long, chạy sang địa bàn TP Cần Thơ thuê đất để trồng nhưng sau đó mặt hàng này rớt giá làm nhiều hộ thua lỗ nặng.

Ràng buộc bằng văn bản pháp lý là tốt nhất

Ông Võ Văn Quyền nhận định nhu cầu tiêu thụ nông sản của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới ngày một tăng cao do nhiều yếu tố tác động như dân số gia tăng, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, quá trình đô thị hóa đất sản xuất bị thu hẹp…

Do đó, ông Huỳnh Văn Rành, Giám đốc Sở Công Thương Kiên Giang, đề nghị đưa việc quản lý họat động kinh doanh của thương nhân nước ngoài đi vào nền nếp cần đảm bảo hài hòa quyền lợi của các bên chứ không nên cứng nhắc siết chặt hay nới lỏng quản lý. Việc cứng nhắc trong quản lý có thể làm mất cơ hội bán hàng hóa với giá cả tốt. Tuy nhiên, để tránh bị thiệt hại trong hoạt động mua bán nông sản nói chung thì việc bỏ thói quen dùng “hợp đồng miệng” của người nông dân là yếu tố rất quan trọng.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa cho biết văn bản pháp lý để chấn chỉnh cho hoạt động mua bán với thương nhân nước ngoài tương đối đầy đủ. Song, khâu tổ chức thực hiện thì có nơi làm chưa tốt nên đã để xảy ra một số thương vụ chệch hướng trong thời gian qua.

Trong thời gian tới Bộ Công Thương sẽ phối hợp cùng các Bộ, ngành hữu quan và các địa phương trong hoạt động tăng cường quản lý, tuyên truyền để người dân hiểu và tránh những thương vụ giao dịch không đúng pháp luật.

Văn Huỳnh
Theo chinhphu.vn