Nông dân nỗ lực tìm cách thoát nghèo

Gia đình chị Trân, huyện Kế Sách (Sóc Trăng) thoát nghèo nhờ nuôi ếch.

Gia đình chị Trân, huyện Kế Sách (Sóc Trăng) thoát nghèo nhờ nuôi ếch.

Mặc dù không có kinh nghiệm, nhưng chị Nguyễn Hồng Ngọc Trân (huyện Kế Sách, Sóc Trăng) đã mạnh dạn nuôi ếch thịt cung cấp cho Công ty Metro Cash & Carry Việt Nam hơn hai năm qua. Không chỉ bán ếch thịt, chị Trân đã đầu tư nuôi và bán ếch giống cho các hộ dân khác. Hiện nay, chị Trân là hộ nông dân làm kinh tế điển hình của huyện Kế Sách được nhiều hộ nông dân khác đến học hỏi kinh nghiệm.

Không ngừng nỗ lực vươn lên

Sống trong một gia đình ba thế hệ với vài công đất và thu nhập bấp bênh chỉ khoảng ba triệu đồng mỗi tháng, gia đình chị Nguyễn Hồng Ngọc Trân ở Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng luôn phải thu vén rất khéo để đủ tiền nuôi hai con đang tuổi ăn học và trang trải nhu cầu ngày càng tăng của gia đình.

Với diện tích đất canh tác hạn chế, chị Trân đã thử trồng nhiều loại cây ăn quả nhưng hiệu quả kinh tế không cao. Với bản tính chăm chỉ và cần cù, chị không ngừng tìm tòi cách làm ăn mới với hy vọng thoát nghèo, chăm sóc đời sống gia đình ngày càng tốt hơn.

Ðầu năm 2012, được sự giới thiệu và hướng dẫn của các nhân viên Metro làm việc tại Trạm trung chuyển thủy sản Cần Thơ, chị Trân đã mạnh dạn tham gia dự án nuôi trồng thủy sản bền vững. Với khoản đầu tư ban đầu là 30 triệu đồng để cải tạo vườn thành ao nuôi, mua con giống, chị bắt đầu học cách nuôi ếch theo các tiêu chuẩn của Metro đưa ra. Chị Trân chia sẻ: "Chưa nuôi ếch lần nào cho nên tôi cũng gặp nhiều khó khăn, mấy lứa đầu kỹ thuật chăm sóc chưa tốt nên tỷ lệ thành công không cao. Tuy nhiên, nhờ có sự hỗ trợ của các kỹ sư nông nghiệp do Công ty Metro chỉ định để tư vấn, tôi đã thành công hơn. Ếch lớn đều, hầu như không mắc bệnh và tỷ lệ hao hụt ếch con giảm hẳn".

Trở thành gương sản xuất tiêu biểu

Ðến nay, gia đình chị Trân là một trong hàng trăm hộ nông dân trong dự án xây dựng chuỗi cung ứng thủy sản bền vững do Công ty Metro hợp tác với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại đồng bằng sông Cửu Long. Dự án này nhằm thiết lập chuỗi cung ứng thủy sản tươi sống chất lượng cao cho thị trường Việt Nam và cung ứng cho hệ thống 19 trung tâm Metro trên toàn quốc.

Nhờ có nỗ lực không ngừng và sự hỗ trợ của Công ty Metro thông qua tư vấn về kỹ thuật, hướng dẫn lập kế hoạch kinh doanh, và cam kết bao tiêu sản phẩm, chị Trân hiện nay không còn phải lo lắng về đầu ra. "Toàn bộ số ếch nuôi, tôi bán cho Metro với mức giá ổn định, nhiều lúc còn không có đủ để bán", chị Trân phấn khởi cho biết. Trừ đi chi phí giống, thức ăn, mỗi tháng có thêm từ 7 đến 9 triệu đồng giúp chị không chỉ có thu nhập ổn định mà còn tích lũy được cho gia đình.

Thông qua Trạm trung chuyển thủy sản tại Cần Thơ, sản phẩm của chị Trân và hơn 400 hộ nông dân tham gia dự án đang đóng góp hơn 60% mặt hàng thủy sản bán tại Metro trên toàn quốc.

Ông Ðỗ Hữu Trí, Quản lý thu mua thủy hải sản Công ty Metro Cash & Carry Việt Nam cho biết, hiện nay không riêng chị Trân mà còn rất nhiều hộ nông dân đang được chúng tôi tư vấn miễn phí trong dự án. Sắp tới để nông dân có thể tăng cơ hội bán hàng, chúng tôi sẽ hỗ trợ chuyển đổi sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP để phù hợp với nhu cầu thị trường.

Cuối năm 2013, chị Trân được huyện Kế Sách tuyên dương là hộ nông dân giỏi và được nhiều hộ dân trên địa bàn huyện đến tham quan học hỏi mô hình. Chị Trân chia sẻ kinh nghiệm: "Nông dân hiện đại bây giờ không những sản xuất giỏi mà còn phải biết người tiêu dùng cần gì và nuôi trồng có phương pháp khoa học thì mới thành công".

 

THANH HOA