Nông dân thời hội nhập.
- Thứ hai - 08/02/2016 00:56
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
25 năm gắn bó với nghề, khát vọng sáng tạo nâng tầm sản phẩm rèn Trung Lương chưa bao giờ nguội tắt trong ông Nguyễn Ngọc Dương (TX Hồng Lĩnh). Người nông dân chân chất ngày nào, giờ đã là giám đốc một doanh nghiệp ăn nên làm ra, song, ông không cho phép mình thỏa mãn với hiện tại. Với ông, phát triển Công ty TNHH Núi Hồng cũng chính là giữ lửa cho làng nghề truyền thống quê hương.
Rau - củ - quả trồng trên cát góp phần tăng thu nhập cho nhiều hộ dân vùng biển ngang. Ảnh: Lê Đình Hùng
Nối nghề truyền thống, ông chú trọng ứng dụng cải tiến kỹ thuật, chuyển đổi hình thức sản xuất, từ kinh nghiệm nghề rèn chuyển sang đầu tư phát triển nghề đúc, gia công cơ khí. Chấp nhận mạo hiểm, dám đương đầu với khó khăn, 20 tuổi, chàng trai trẻ cho ra đời sản phẩm đầu tiên: máy hút quặng, cát, sỏi. Tiếp tục thử nghiệm, phát minh, nhiều sản phẩm mới đã chinh phục những thị trường lớn như: máy nạo vét ao hồ; hộp số đóng mở phục vụ giao thông, thủy lợi; bánh răng hộp số ký hiệu V2, V3...
Khát vọng làm giàu trên mảnh đất quê hương, ông Đàm Thọ (xã Lộc Yên – Hương Khê) bắt đầu với hành trình khai phá đồi hoang. Cần mẫn như con ong, ông không ngừng tìm tòi, nghiên cứu. Xách ba lô ra đi, chọn giống cây, con phù hợp tiềm năng đất đồi và ông đã thành công khi dừng chân làm trang trại tổng hợp. Trời không phụ lòng người, gia đình ông giờ đã sở hữu cơ ngơi nhiều người mơ ước với hàng ngàn gốc cam, bưởi cùng vườn ươm giống; phát triển lợn rừng, gà, cá, hàng trăm đàn ong và nuôi lợn liên kết quy mô 1.200 con/lứa... với doanh thu 11–12 tỷ đồng/năm. Điều đặc biệt, khi bắt tay thực hiện hay khi đã thành danh, người nông dân miền núi mộc mạc Đàm Thọ luôn tâm niệm: “Làm gì cũng cần có khoa học công nghệ. Đó là “chìa khóa” đưa tôi đến thành công!”.
Với ông Nguyễn Ngọc Dương, phát triển Công ty TNHH Núi Hồng cũng chính là “giữ lửa” cho làng nghề truyền thống quê hương.
Trên triền cát trắng, sắc áo công nhân hòa vào sắc xanh rau - củ là niềm tin, sức mạnh làm chủ thiên nhiên của những nông dân đi đầu nắm bắt cơ hội liên kết với Mitraco Hà Tĩnh để “gieo vàng” trên 12 ha cát. Chị Trần Thị Việt Hà – Giám đốc HTX Rau - củ - quả Hà Trung (Cẩm Hòa - Cẩm Xuyên) vui mừng: “Cái được nhất là sự thay đổi về tư duy sản xuất. Bắt tay vào liên kết, người nông dân đã làm tròn vai trò của người công nhân, trở thành một mắt xích trong dây chuyền sản xuất hiện đại. Họ tỉ mẩn trong từng công đoạn, áp dụng khắt khe yêu cầu kỹ thuật, chứ không còn sản xuất “nhờ trời” như trước. Đây là “chìa khóa” để “cát nở hoa”.
Bước vào sản xuất nấm khi nhiều người đã thành công, anh Trần Trung Văn – Tổ trưởng Tổ hợp Trồng nấm xã Xuân Liên (Nghi Xuân) vẫn không ngần ngại thử sức. Chịu khó học hỏi, hình ảnh chàng trai sinh năm 1987 ngày ngày bên chiếc laptop, lướt web tìm kiếm thông tin làm ăn đã không còn xa lạ. Anh Văn chia sẻ: “Thời kỳ hội nhập, đòi hỏi những người nông dân như chúng tôi cũng phải mày mò nghiên cứu. Ngoài sách báo, tôi thường xuyên lên mạng tìm hiểu kỹ thuật trồng nấm và tìm kiếm thị trường tiêu thụ. Tôi đưa thông tin sản phẩm lên các trang mạng xã hội và đây được coi là cách quảng bá hữu hiệu giúp kết nối thị trường ở Hà Giang, Hà Nội, Huế…”.
Trồng táo Nhật trên cát tại xã Thạch Văn (Thạch Hà).
Bắt nhịp thời đại, những người nông dân không còn bị động, trông chờ vào sự hỗ trợ hay bằng lòng với quy luật “được mùa - mất giá”. Người nông dân trong xu thế hội nhập ngày càng biết liên kết, chia sẻ, hỗ trợ nhau với quan điểm “biết cho đi mới là người giàu có”!
Theo Thu Phương/baohatinh.vn